Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII

Nỗ lực trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại

- Thứ Sáu, 30/10/2020, 08:39 - Chia sẻ
Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XVII tỉnh Hải Dương đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Chú trọng thu hút công nghiệp công nghệ cao

Nhiệm kỳ qua, tỉnh Hải Dương đã đạt được những kết quả khả quan, kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, 16/20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có một số chỉ tiêu đạt vượt so với mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn trong năm 2019, 2020 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện một số chỉ tiêu phát triển của tỉnh, nhất là tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước.

Tại Đại hội, các đại biểu tham gia góp ý nhiều nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ tới, với mục tiêu đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại như: Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ thích ứng nhanh với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; xây dựng thành phố Hải Dương đến năm 2030 cơ bản trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại, thân thiện, an toàn...

Đại biểu Phạm Thanh Hải, Đảng bộ Sở Công thương cho rằng: Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định công nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, trong đó phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ là yếu tố trọng tâm. Trên thực tế, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh đã hình thành khá rõ nét trong 3 lĩnh vực: Cơ khí chế tạo, điện - điện tử, dệt may - da giày. Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng sản phẩm cho các ngành công nghiệp chủ lực còn khá khiêm tốn, đa phần mới dừng lại ở một vài sản phẩm linh kiện. Hàm lượng công nghệ chế tạo còn thấp, chủ yếu là gia công và lắp ráp cụm linh kiện, sản xuất sản phẩm đơn giản là chính.

Theo đại biểu, nhiệm vụ đặt ra cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 để Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại rất nặng nề. Theo đó, tỉnh cần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và thu hút các nhà đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Tiếp tục thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo nhu cầu và xu hướng của thị trường, đáp ứng tốt chuỗi liên kết trong sản xuất, lắp ráp và tăng giá trị nội địa. Đặc biệt, quan tâm thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, là trụ cột thúc đẩy kinh tế bứt phá.

Góp ý thêm đối với vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đình Kiêm (Đảng bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư, tập trung ưu tiên vốn đầu tư phát triển cho các ngành, lĩnh vực có tiềm năng lợi thế, đã được xác định trong trụ cột phát triển kinh tế; ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất các công trình, dự án kết nối liên vùng, các dự án có sức lan tỏa, hỗ trợ trực tiếp cho thu hút dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác quản lý đầu tư; thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án.

Ở góc nhìn địa phương, Bí thư Thị ủy Kinh Môn Sái Thị Yến đề nghị: Các sở ngành, cơ quan cấp trên cần đẩy nhanh các thủ tục liên quan đến thu hút đầu tư, nhất là đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, đầu tư dự án sản xuất, đầu tư cầu và đường giao thông kết nối vùng. Trọng tâm là cải tiến thủ tục hành chính để các nhà đầu tư dễ tiếp cận thông tin về quy hoạch, chế độ chính sách của tỉnh. Bên cạnh đó, không tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các dự án không nằm trong danh mục thu hút đầu tư của tỉnh, dự án không thuộc định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp. Nâng cao năng lực cán bộ, trang thiết bị trong việc thẩm định dây chuyền, công nghệ trước khi tiếp nhận dự án.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng các đại biểu bên hành lang đại hội

Ảnh: Khánh Duy 

Phát triển nông nghiệp phù hợp với kinh tế hội nhập

Bên cạnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp, các đại biểu cũng tập trung thảo luận định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa. Trong đó, chú trọng xây dựng vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung gắn với chế biến, liên kết chuỗi sản xuất - cung ứng.

Theo đại biểu Vương Đức Dũng (Đảng bộ huyện Cẩm Giàng): Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ, giải pháp hết sức quan trọng và cần thiết. Cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, tập trung phát triển các cây trồng có lợi thế cạnh tranh của địa phương để hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, quy hoạch khu xây dựng nhà máy chế biến nông sản để hình thành chuỗi sản xuất - cung ứng đạt chất lượng và tiêu chuẩn đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo quy hoạch; thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; đồng thời, chủ động lựa chọn và áp dụng các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ giống, công nghệ tự động hóa, công nghệ sau thu hoạch...

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sẫm (Đảng bộ huyện Tứ Kỳ) cho rằng: Lựa chọn phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng hàng hóa tập trung, áp dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất hữu cơ, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường là giải pháp quan trọng phát triển kinh tế của tỉnh trong nhiệm kỳ tới. Qua đó, đại biểu kiến nghị tỉnh cần quan tâm đến quy hoạch sử dụng đất, quy vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển kinh tế - xã hội mang tính lâu dài bền vững, ổn định. Thực hiện chiến lược bảo vệ diện tích đất nông nghiệp có giá trị, vì đất sản xuất đang ngày càng bị thu hẹp. Dựa trên điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, đặc điểm cây trồng, vật nuôi, đặc điểm dân cư - lao động, thế mạnh từng vùng đất để hình thành các vùng sản xuất lớn, từ đó có điều kiện cho đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật.

Khánh Duy