Nỗ lực thực hiện trách nhiệm và lời hứa với cử tri

- Thứ Bảy, 21/11/2020, 07:11 - Chia sẻ
"Dù bước vào kỳ họp gần cuối của nhiệm kỳ Khóa XIV nhưng trong suốt kỳ họp, dù Quốc hội thảo luận, xem xét nội dung nào tôi cũng cảm nhận được tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt huyết của các đại biểu. Nhiều đại biểu đã thẳng thắn nêu rõ quan điểm, chính kiến của mình, thậm chí kể cả ý kiến đó trực diện đến những hạn chế, tồn tại của chính ngành, lĩnh vực mà mình đang công tác. Điều này cho thấy dù ở cương vị nào, dù là đại biểu chuyên trách hay chỉ hoạt động kiêm nhiệm, các đại biểu Quốc hội cũng đều ý thức rõ trách nhiệm của mình trước cử tri và Nhân dân, luôn cố gắng thực hiện trách nhiệm và cam kết, lời hứa với cử tri đã bầu ra mình", Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường NGUYỄN THỊ LỆ THỦY chia sẻ khi nhìn lại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV.

Trách nhiệm và nhiệt huyết 

- Nhìn lại Kỳ họp thứ Mười, bà có cảm nhận như thế nào?

Kỳ họp thứ Mười để lại nhiều ấn tượng đặc biệt với tôi không chỉ bởi nội dung nghị sự của Quốc hội mà còn ở phương thức tổ chức Kỳ họp có nhiều điểm mới. Tiêu biểu là việc báo cáo kết quả giám sát, kết quả phiên giải trình được thể hiện dưới dạng video clip rất sinh động, giúp các đại biểu Quốc hội không có điều kiện tham gia cuộc giám sát, khảo sát thực tế hoặc phiên giải trình có thể hình dung rõ hơn, có thêm cơ sở cho nhận định, đánh giá của mình về những vấn đề đang rất nóng hiện nay là an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập và phát triển điện lực... Một số đại biểu Quốc hội cũng chia sẻ với tôi, các video clip này đã giúp họ thấy yên tâm hơn và giúp ích rất nhiều cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội tại Kỳ họp này.

Ảnh: Thanh Hải
Ảnh: Thanh Hải

Việc cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười được thực hiện nhanh chóng, thiết thực, giúp ích nhiều cho đại biểu khi phát biểu tại hội trường, cũng như trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí. Chương trình kỳ họp cũng được sắp xếp khoa học, bảo đảm sự tham gia đầy đủ của đại biểu Quốc hội. 

Về phía đại biểu Quốc hội, dù bước vào kỳ họp gần cuối cùng của nhiệm kỳ Khóa XIV nhưng trong suốt kỳ họp, dù Quốc hội thảo luận, xem xét nội dung nào tôi cũng cảm nhận được tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt huyết của các đại biểu. Nhiều đại biểu đã thẳng thắn nêu rõ quan điểm, chính kiến của mình, thậm chí kể cả ý kiến đó trực diện đến những hạn chế, tồn tại của chính ngành, lĩnh vực mà mình đang công tác. Điều này cho thấy, dù ở cương vị nào, dù là đại biểu chuyên trách hay chỉ hoạt động kiêm nhiệm, các đại biểu Quốc hội cũng đều ý thức rõ trách nhiệm của mình trước cử tri và Nhân dân, luôn cố gắng thực hiện trách nhiệm và cam kết, lời hứa với cử tri đã bầu ra mình. Đây là điểm tôi hết sức tâm đắc và càng thấy tự hào khi mình cũng là một đại biểu của Quốc hội Khóa XIV này.

- Kỳ họp cuối năm thường dành nhiều thời gian để thảo luận, quyết đáp về KT - XH, dự toán ngân sách, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Bà đánh giá như thế nào về việc thực hiện công tác lập pháp tại Kỳ họp thứ Mười?

Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được trình ra tại Kỳ họp này đều có ý nghĩa quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, giải quyết những bất cập, tháo gỡ khó khăn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi, phát huy tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền của thành phố là đầu tầu kinh tế đất nước.

Những kết quả đạt được trong công tác lập pháp không thể không đề cập đến đóng góp từ các phát biểu cho ý kiến về các dự thảo luật, nghị quyết của đại biểu Quốc hội. Bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của mỗi đại biểu, chất lượng các phát biểu cho ý kiến với dự thảo luật, nghị quyết cũng được tạo ra nhờ công tác cung cấp thông tin cho đại biểu. Bên cạnh cung cấp tài liệu dưới dạng bản giấy, có những thông tin được cung cấp qua hình thức trực quan, giúp ích nhiều cho đại biểu. Các thông tin tham khảo cũng được Thư viện Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp cung cấp kịp thời cho đại biểu nghiên cứu.

Một yếu tố khác tác động đến chất lượng phát biểu là các hội thảo, giám sát được tổ chức trước và trong thời gian diễn ra kỳ họp. Dù trong điều kiện còn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức nhiều hội thảo thiết thực liên quan đến các dự án luật được trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua tại kỳ họp. Các cơ quan của Quốc hội tiến hành nhiều cuộc làm việc, đi khảo sát để giám sát những vấn đề cấp bách trong thực tiễn, cũng như để đánh giá việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội. Qua đó, cung cấp nhiều thông tin hữu ích, được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao.

Khó đo đếm được vất vả ở hậu trường làm luật

- Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Mười rất sôi động, không giới hạn vấn đề, lĩnh vực cũng như người trả lời chất vấn. Qua đó, Quốc hội giám sát toàn diện việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn được ban hành trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII. Bà đánh giá như thế nào về phiên chất vấn khá đặc biệt này? 

Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội tiếp tục họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ họp trực tuyến được bảo đảm tốt hơn, ổn định trong suốt quá trình họp. Đại biểu họp tại điểm cầu phòng Diên Hồng Nhà Quốc hội và các điểm cầu trong cả nước đều nghe rõ tiếng phát biểu liền mạch, không bị gián đoạn, chất lượng âm thanh, đường truyền bảo đảm. Hình thức họp này giúp đại biểu ở các địa phương giảm bớt áp lực, có thêm thời gian nghiên cứu thực tiễn của địa phương, từ đó đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho các nội dung nghị sự của Quốc hội. 

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy

Đúng vậy, thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội đã giám sát một cách hiệu quả và toàn diện việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII. Khi tham gia hoạt động này, các đại biểu đã đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, bám sát vào nội dung chất vấn; đưa ra những tranh luận sắc sảo, mang tính xây dựng, cùng trao đổi để tìm giải pháp thích hợp. Qua tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, tôi nhận thấy, nhiều cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đã chủ động triển khai các giải pháp, biện pháp để thực hiện những Nghị quyết của Quốc hội, tạo chuyển biến thực sự trong lĩnh vực đã được chất vấn, giám sát.

 Tất nhiên, có những vấn đề muốn khắc phục được cần nhiều thời gian, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải xác định rõ lộ trình thực hiện, quyết tâm cao khi triển khai. Các cơ quan chức năng cũng cần đặc biệt chú ý thực hiện những nhiệm vụ có mốc thời gian cụ thể được Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Mười đưa ra.

- Kỳ họp thứ Mười đã hoàn thành khối lượng công việc rất đồ sộ, đạt kết quả tích cực, được cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Đóng góp vào thành công của Kỳ họp có vai trò rất quan trọng của các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, thưa bà? 

- Những vất vả ở hậu trường Quốc hội để chuẩn bị các báo cáo thẩm tra, tổng hợp, giải trình tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, xây dựng dự thảo Nghị quyết, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội khó có thể đo đếm, lượng hóa hết được. Nhưng vì trách nhiệm đối với cử tri, người dân cả nước, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đều sẵn sàng làm hết sức, hết lòng. Các cơ quan được giao chủ trì thực hiện tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật và các cơ quan của Quốc hội có liên quan, bộ, ngành chủ trì soạn thảo đã làm ngày làm đêm để bảo đảm tiến độ thực hiện. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã làm việc cả thứ bảy, chủ nhật, thậm chí đến 10 - 11 giờ đêm để sửa từng từ, từng dấu chấm, dấu phẩy trong dự thảo Luật.

Tất nhiên, mỗi một chính sách, một đạo luật khi triển khai thực hiện sẽ có thể có những vấn đề mới phát sinh, nhất là với những chính sách liên quan sát sườn đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân, đơn vị. Các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã dồn hết tâm sức, trí tuệ của mình để hoàn thiện các dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua nhưng tôi cũng mong muốn, các cơ quan thực thi sẽ nhanh chóng triển khai thi hành các luật được thông qua tại Kỳ họp này; đẩy mạnh công tác phổ biến pháp luật để giúp đa số cử tri và những đối tượng có liên quan nghiêm túc thực hiện. Để luật đi vào cuộc sống nhanh nhất và hiệu quả nhất thì chắc chắn các cấp, ngành, các cơ quan cần vào cuộc tích cực và đồng bộ.

- Xin cảm ơn bà!

Thanh Hải thực hiện