Nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình Nga - Ukraine
Đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine để chấm dứt xung đột tại Ukraine đang được các bên nỗ lực thúc đẩy. Trong diễn biến mới nhất, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vừa có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng có mặt tại Istanbul để tham gia đàm phán.
Thúc đẩy đàm phán trực tiếp Nga - Ukraine
Hãng TASS và truyền thông phương Tây đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỹ Hakan Fidan đã điện đàm trao đổi về các nỗ lực nhằm thiết lập hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine, trong đó có đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc khởi động đàm phán trực tiếp với Ukraine tại Istanbul vào ngày 15/5 này.

Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Rubio đã chuyển lời cảm ơn đến Ngoại trưởng Hakan Fidan vì Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ sắp xếp tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine, đồng thời hoan nghênh khả năng đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức.
Trong khi đó, các Ngoại trưởng Pháp, Đức, Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha và Liên minh châu Âu cũng vừa nhóm họp tại thủ đô London của Anh để thảo luận những nỗ lực nhằm chấm đứt cuộc xung đột. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, bà Kaja Kallas, đã một lần nữa kêu gọi ngừng bắn, nhấn mạnh không thể tiến hành đàm phán khi xung đột vẫn tiếp diễn.
Cơ hội cần nắm bắt?
Những diễn biến này diễn ra trong bối cảnh ngày 11/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất các cuộc đàm phán trực tiếp với Ukraine tại Istanbul vào ngày 15/5 mà không kèm điều kiện tiên quyết nào - trong bối cảnh Ukraine muốn Nga đồng ý ngừng bắn trong 30 ngày, bắt đầu từ 12/5, còn Nga muốn các bên ngồi vào bàn đàm phán trước.
Tổng thống Nga Putin khẳng định, trong quá trình thương lượng, không loại trừ khả năng hai bên có thể nhất trí một số giải pháp mới liên quan đến ngừng bắn, chấm dứt các hành động thù địch và một giải pháp mà cả Moscow và Kiev đều ủng hộ.
Trong phát biểu mới nhất tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump - người luôn khẳng định nỗ lực tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột Ukraine - khẳng định các cuộc đàm phán trực tiếp là cần thiết để xác định xem liệu có thể đạt được hòa bình hay không. Dù lịch trình bận rộn, ông cũng bất ngờ để ngỏ khả năng sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cùng Nga và Ukraine: “Tôi nghĩ sẽ có kết quả tốt đạt được giữa Nga và Ukraine ở Istanbul vào ngày 15/5 này. Tôi đã nghĩ đến việc sẽ tới đó”.
Phản ứng lại động thái này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết: “Đây là một ý tưởng đúng đắn, Ukraine sẽ rất cảm kích nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump có mặt ở Istanbul”. Trước đó, Tổng thống Ukraine khẳng định sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Tổng thống Putin ngày 15/5 này – động thái thay đổi lập trường đáng chú ý khi ông từng ký một sắc lệnh trong đó nêu rõ “không đàm phán với Tổng thống Nga Putin”.
Điện Kremlin hiện chưa phản hồi trực tiếp về tuyên bố gặp mặt trực tiếp này của Tổng thống Ukraine, cũng chưa tiết lộ ai sẽ dẫn đầu đoàn Nga tới Istanbul. Reuters cho biết, nếu Tổng thống 2 nước Nga và Ukraine gặp nhau vào ngày 15/5 này, thì đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên cả 2 kể từ tháng 12/2019.
Ông Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế của Hội đồng Liên bang, Thượng viện của Quốc hội Nga, phát biểu với hãng truyền thông Izvestia rằng, nếu diễn ra, các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev có thể tiến xa hơn so với năm 2022.
“Nếu phái đoàn Ukraine xuất hiện tại các cuộc đàm phán này với mục đích từ bỏ mọi tối hậu thư và tìm kiếm tiếng nói chung, tôi chắc chắn rằng hai bên có thể tiến xa hơn”, ông Konstantin Kosachev khẳng định.

Năm 2022, Nga và Ukraine đã gần đạt được thỏa thuận hòa bình trong cuộc đàm phán tại Istanbul, tuy nhiên đã đổ vỡ do Ukraine rút lui vào phút chót. Truyền thông quốc tế sau đó hé lộ một số thông tin được cho là nội dung của dự thảo thỏa thuận trên, theo đó Kiev chấp nhận giữ thế trung lập và hạn chế quy mô quân đội, trong khi Moscow đồng ý rút quân cũng như để Kiev nhận được sự bảo đảm an ninh từ bên ngoài.
Tuy nhiên, tình hình trên thực địa thời điểm hiện tại đã thay đổi đáng kể so với năm 2022, vì vậy điều kiện các bên đưa ra chắc chắn sẽ có thay đổi. Ngồi được vào bàn đàm phán hay không, và đàm phán thế nào, vẫn còn nhiều vấn đề cụ thể các bên cần phải đặt lên bàn cân phía trước.