Nỗ lực hoàn thành trọng trách

- Thứ Sáu, 30/04/2021, 07:20 - Chia sẻ
Với nhiều cải tiến, linh hoạt trong không chỉ thực hiện chức năng quyết định, giám sát mà còn tăng cường mối liên hệ “máu thịt” với cử tri, hoạt động của HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tế và kỳ vọng của cử tri, Nhân dân. Bên cạnh bài học về việc tăng cường đại biểu chuyên trách có chất lượng làm “nòng cốt” thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động; về việc phát huy vai trò tiên phong, sáng tạo của các “đầu tàu”, còn là bài học về việc luôn ý thức trách nhiệm, lắng nghe, phục vụ Nhân dân nhằm hoàn thành trọng trách Nhân dân ủy thác.
Thường trực HĐND tỉnh Long An tổ chức Chương trình Đối thoại với chủ đề về điện, nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất ở nông thôn
Ảnh: Công Thành

Nỗ lực đổi mới

Với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã thực hiện tốt chức năng quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương với nhiều quyết sách liên quan trực tiếp đến người dân và định hướng phát triển tại địa phương; được thực tế khẳng định đúng đắn, phù hợp và đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ, huy động được nguồn lực và sự tham gia tích cực của Nhân dân.

Những kết quả này đến từ hàng loạt đổi mới trong công tác tổ chức và chuẩn bị kỳ họp mà trước hết là việc chú trọng tham vấn ý kiến Nhân dân, đối tượng chịu tác động của chính sách; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức kỳ họp không giấy, trong cung cấp tài liệu cho đại biểu; là việc các Ban HĐND tỉnh tham gia ngay từ đầu quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết, nhất là nghiên cứu các văn bản chưa chính thức của UBND tỉnh để xây dựng trước báo cáo thẩm tra; tăng cường thời gian cho hoạt động thảo luận, chất vấn… Đặc biệt là tinh thần trách nhiệm đến cùng khi tích cực theo dõi các nghị quyết từ khâu xây dựng, lấy ý kiến, ban hành đến khi kết thúc thời gian thực hiện, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm.

Cùng với chức năng quyết định, hoạt động giám sát trong nhiệm kỳ được tăng cường với các hình thức giám sát chuyên đề tại kỳ họp, chất vấn, giải trình, đối thoại giữa hai kỳ họp… Cùng với đó là nỗ lực cải tiến phương thức để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Điển hình như việc tích hợp các cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề của HĐND, Thường trực, các Ban của HĐND vào cùng 1 thời điểm, ở cùng 1 địa phương, giúp tiết kiệm ngân sách, rút ngắn thời gian, giảm đáng kể các cuộc làm việc với cơ sở, ngành, địa phương và tránh được sự trùng lặp về các nội dung giám sát... nhưng vẫn bảo đảm chuất lượng giám sát và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Là việc các đoàn giám sát đến từng địa phương, về tận các bản làng, trực tiếp tiếp nhận, nắm bắt thông tin đối với việc thụ hưởng chính sách… để nắm thông tin đa chiều, khách quan về nội dung giám sát.

Cùng với đó, việc theo dõi, giám sát chặt thực hiện các lời hứa, cam kết sau chất vấn, kiến nghị sau giám sát được tăng cường. Nhờ vậy, nhiều vấn đề sau giám sát đã được tiếp thu, kịp thời giải quyết. Đơn cử như HĐND tỉnh Long An, nhiều vấn đề sau hoạt động chất vấn đã được giải quyết hiệu quả, nổi bật là việc tập trung rà soát quy hoạch, xử lý các dự án chậm triển khai; giải quyết tái định cư; tập trung xử lý các “điểm nóng, điểm đen” về ô nhiễm môi trường... Nhiều chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Điện Biên đã được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, điển hình như: Chất vấn về Nhà máy nước sạch huyện Mường Nhé sau 7 năm thi công vẫn chưa hoàn thành, người dân trung tâm huyện vẫn phải dùng nước đục, nước bẩn. Chỉ sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn 2 tháng, người dân đã có nước sạch để sinh hoạt...  

Thiết chặt mối liên hệ “máu thịt” với cử tri

Để tăng cường, thiết chặt mối liên hệ “máu thịt” với cử tri, “mạch nguồn” cho hoạt động của đại biểu và cơ quan dân cử, nhiều cách làm hiệu quả tiếp tục được ghi nhận. Đó là việc Thường trực HĐND tỉnh Kon Tum đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Văn phòng HĐND tỉnh biên soạn tài liệu Hỏi - Đáp; chỉ đạo Văn phòng HĐND tỉnh phối hợp Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, nghiên cứu, cập nhật các nội dung mới, loại bỏ những nội dung không còn phù hợp trong tài liệu này và gửi để đại biểu HĐND tỉnh, các cấp chính quyền sử dụng giải thích, thông tin cho cử tri. Nhờ đó, đã giảm đáng kể số lượng kiến nghị nhiều lần, trùng lắp, vượt cấp.

Cùng với đó, Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo các Tổ đại biểu HĐND tỉnh chia thành các nhóm từ 1 - 2 đại biểu, phối hợp với đại biểu HĐND cấp huyện, xã ứng cử trên địa bàn cùng TXCT trong cùng một thời gian (kể cả buổi tối), tại cùng một địa điểm, giúp đại biểu gần dân và nắm bắt được đầy đủ, kịp thời hơn tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; phân công đại biểu của Tổ chủ động tìm hiểu, trao đổi với cử tri để nắm tình hình thực tế về kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và lựa chọn những vấn đề đang được cử tri, Nhân dân quan tâm để đăng ký chất vấn tại kỳ họp HĐND. Quá trình tổng hợp, những ý kiến, kiến nghị có tính cấp thiết như: Thiên tai, hỏa hoạn, sản xuất có tính thời vụ... Thường trực HĐND chuyển UBND, các cơ quan hữu quan yêu cầu sớm giải quyết, trả lời ngay, không nhất thiết phải chờ đến kỳ họp. Nhờ vậy, ý kiến, kiến nghị của cử tri được giải quyết của cấp tỉnh đạt từ 92,6 - 99,67%.

Để đạt được tỷ lệ kiến nghị cử tri giải quyết xong đạt trên 90%, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã rất chú trọng đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng. Điển hình như trước tình trạng quản lý chung cư bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức TXCT chuyên đề về nội dung này. Sau buổi tiếp xúc, Thường trực HĐND thành phố kiến nghị và tham mưu Thành ủy ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn. Qua đó, công tác quản lý nhà chung cư đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giảm bớt khó khăn, vướng mắc và bức xúc của Nhân dân.

Gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hầu hết những cuộc TXCT của đại biểu HĐND tỉnh Lâm Đồng không tập trung ở huyện mà về các xã và tận thôn, tổ dân phố nên đại biểu và cử tri có điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ thân mật, trao đổi, lắng nghe nhiều hơn để đôn đốc giải quyết những ý nguyện chính đáng của cử tri và Nhân dân. TXCT 3 cấp HĐND được thực hiện ở nhiều địa bàn giúp tiết kiệm thời gian, công sức của cử tri. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin là một bước đột phá, tạo điều kiện để đại biểu đối chiếu thông tin do cử tri phản ánh nhanh chóng, đa chiều; có khả năng đáp ứng tại chỗ đối với một số vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị. Nhờ vậy, tỷ lệ các ý kiến, kiến nghị của cử tri được giải quyết đạt khoảng 83,12%.

Tăng cường đại biểu chuyên trách có chất lượng làm “nòng cốt”  

Thực tiễn hoạt động của HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 cho thấy, sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với tổ chức và hoạt động của HĐND là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Trong đó, phải giải quyết hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu, lựa chọn những đại biểu có trình độ, năng lực, tâm huyết, có uy tín thực hiện nhiệm vụ, coi trọng việc kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy, tăng cường đại biểu hoạt động chuyên trách có chất lượng làm “nòng cốt” thúc đẩy hoạt động của HĐND. Bài học không mới nhưng để thực hiện là một nỗ lực lớn mà sự tiếp tục quan tâm của cấp ủy Đảng giữ vai trò then chốt.

Cùng với đó, luôn ý thức trách nhiệm trước cử tri, Nhân dân; quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, trọng dân; lắng nghe, phục vụ Nhân dân là yêu cầu quan trọng trong hoạt động của HĐND, các cơ quan của HĐND và từng đại biểu HĐND nhằm hoàn thành trọng trách Nhân dân ủy thác. Đại biểu HĐND tỉnh phải xem sự ủng hộ, tin tưởng của cử tri và Nhân dân vừa là phần thưởng cao quý nhất, vừa là động lực, trách nhiệm to lớn để nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Quá trình hoạt động, Thường trực và lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh phải có tư duy đổi mới, luôn tìm tòi, học hỏi để ngày càng cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động; là trung tâm đoàn kết và điều phối để phát huy hiệu quả vai trò, trí tuệ của đại biểu và Tổ đại biểu HĐND tỉnh... Cùng với đó, cần chú trọng bố trí, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc, tăng cường điều kiện về kinh phí, phương tiện bảo đảm hoạt động của HĐND.

PHƯƠNG NHUNG