Nỗ lực giảm tỷ lệ thất nghiệp trong mùa dịch

- Thứ Ba, 31/08/2021, 09:54 - Chia sẻ
Trước ảnh hưởng mạnh mẽ của làn sóng dịch lần thứ 4, nhiều lao động nhất là lao động ngoại tỉnh mất việc, giãn việc, tạm thời phải về quê. Việc lao động ồ ạt về quê trong thời gian ngắn sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường lao động và đặt ra vấn đề phục hồi thị trường lao động trong thời gian tới… Trước tình trạng đó, Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã đưa ra nhiều giải pháp giúp các địa phương giữ chân người lao động.

Sẵn sàng nguồn lực để phục hồi

Theo Cục Việc làm, việc lao động trở về quê thời gian qua tạo nên nghịch lý lớn về cung cầu lao động. Nguy cơ thiếu hụt lao động trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát sẽ xảy ra ở các thành phố nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng sẽ dư thừa lao động ở những nơi nguồn cung lao động lớn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu.

Trước thực trạng kể trên, để kiểm soát dịch bệnh, chuẩn bị cho phục hồi kinh tế, Cục Việc làm đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động cũng như phục hồi sản xuất kinh doanh… Trong đó, chú trọng ưu tiên tiêm vaccine cho lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, logistics, xuất nhập khẩu… để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, đồng thời, ưu tiên tiêm phòng cho lao động ngoại tỉnh để tạo tâm lý tốt, giữ chân người lao động ổn định xã hội. Các địa phương có người lao động làm việc tại tỉnh, thành phố phía nam cần chủ động phối hợp để cùng chăm lo và có chính sách hỗ trợ cho người lao động của địa phương mình yên tâm ở lại làm việc, thay vì việc lên phương án đón người lao động về quê, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực khi dịch bệnh được kiểm soát.

Lao động "hồi hương" sẽ nhận được nhiều hỗ trợ để sớm ổn định cuộc sống, yên tâm ở lại quê nhà làm việc.
Lao động "hồi hương" sẽ nhận được nhiều hỗ trợ để sớm ổn định cuộc sống, yên tâm ở lại quê nhà làm việc

Thực hiện những giải pháp được Cục Việc làm đưa ra, UBND TP. Hồ Chí Minh đã quyết định hỗ trợ đợt 2 với tổng kinh phí hơn 900 tỷ đồng từ ngân sách. Các đối tượng được thụ hưởng, bao gồm người lao động tự do, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ lao động nghèo sống trong nhà trọ, khu lưu trú công nhân... được nhận 1,5 triệu đồng hoặc phần quà tương đương.

UBND tỉnh Bình Dương cũng kịp thời có văn bản yêu cầu giảm tiền nước cho toàn bộ người dân đang sử dụng nước sạch trên địa bàn trong tháng 8 và tháng 9.2021. Trước đó, tỉnh cũng triển khai gói hỗ trợ 260 tỷ đồng cho khoảng 500.000 công nhân nhà trọ ở lại Bình Dương trong thời gian giãn cách xã hội. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cũng chi tiền hỗ trợ cho công nhân bị F0 là 1,5 triệu đồng/người, công nhân F1 là 1 triệu đồng/người và F2 là 500.000 đồng/người. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cũng chi tiền hỗ trợ cho 93.825 người theo Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Ổn định cuộc sống tại quê nhà

Cục Việc làm đã nêu rõ, đối với các địa phương phải tiếp nhận lao động trở về từ vùng giãn cách, cần có chính sách hỗ trợ bảo đảm đời sống an sinh của lao động hồi hương, lao động tự do để họ vượt qua khó khăn cũng như ổn định cuộc sống, yên tâm ở lại quê nhà làm việc.

Để cụ thể chính sách hỗ trợ, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi người dân hoàn thành việc cách ly, ổn định lại đời sống, tỉnh sẽ đánh giá lại, xem xét nguyện vọng của người dân. Những người trong độ tuổi lao động, có các ngành nghề phù hợp có thể chuyển đổi được thì thực hiện chuyển đổi. Những ngành nghề nào có thể vào được nhà máy, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ ở tỉnh phù hợp thì tỉnh sẽ xem xét làm việc với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động vào làm việc. Hiện, tỉnh Quảng Nam đang yêu cầu các phòng Lao động, Thương binh và Xã hội trên địa bàn, nơi người dân đăng ký hộ khẩu thường trú tổng hợp danh sách để có phương án hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.

Cũng trên tinh thần hỗ trợ lao động hồi hương, tại Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVIII, các đại biểu cũng đề xuất phải tạo việc làm lâu dài cho người lao động hồi hương, đặc biệt là người dân miền núi. Được biết, theo đề án 5 năm tới, tỉnh Nghệ An sẽ tăng lao động nội tỉnh từ 37% lên 66%, giảm lao động ngoại tỉnh; xuất khẩu lao động giảm một phần, tăng cường giải quyết việc làm tại chỗ. Như vậy, tỉnh Nghệ An cũng đang chú trọng việc giữ chân người lao động ở lại quê hương.

Còn đối với Thừa Thiên Huế, từ ngày 28.4 đến nay đã có hơn 36.000 lao động hồi hương. Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế Đặng Hữu Phúc cho biết, lãnh đạo tỉnh đang rất quan tâm đến công tác tạo việc làm, ổn định sinh kế cho người dân nói chung, đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nói riêng. Để tận dụng nguồn lao động này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đang phối hợp với các địa phương trên địa bàn rà soát, nắm bắt số lượng, ngành nghề, trình độ tay nghề đối với lao động làm việc ngoài tỉnh trở về; rà soát, thăm dò ai đi, ai ở lại để đưa những lao động này nhanh chóng tham gia sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Sở sẽ tổ chức đào tạo nghề theo chuyên đề dành riêng cho ngành may và chuyển đổi nghề nghiệp; đồng thời, tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. 
____________

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Dương lê