Nỗ lực cho mỗi công trình trên mảnh đất tái định cư
Năm 2009 sau khi chia tách huyện, từ một huyện đặc biệt khó khăn, huyện Tân Uyên (Lai Châu) đã vượt lên trên “hoàn cảnh” và trở thành vùng quê trù phú, kinh tế phát triển, cơ sở vật chất khang trang, đời sống người dân thực sự đổi mới. Sau 10 năm nỗ lực của người dân cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đến nay Tân Uyên đã ra khỏi danh sách 63 huyện nghèo cả nước.
Sức sống mới
Những ngày đầu khi bà con dân tộc Thái, Khơ Mú, Dao từ các xã Tà Mít (huyện Tân Uyên), Pha Mu và Tà Hừa (huyện Than Uyên) di dân, nhường chỗ phục vụ xây dựng Thủy điện Huổi Quảng - Bản Chát đến tái định cư tại 24 bản thuộc các xã: Nậm Cần, Tà Mít, Trung Đồng, Pắc Ta và thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên) gặp muôn vàn khó khăn do thiếu điện, nước sinh hoạt. Bấy giờ, đường, trường học vùng tái định cư trên địa bàn huyện đang trong giai đoạn hoàn thiện với bề bộn cốt pha, cát, sỏi. Trong khi đó, các hộ tái định cư đồng loạt nhận đất, dựng lán, làm nhà với khối lượng công việc lớn phải thực hiện cùng một lúc đến nay hệ thống đường, trường học khang trang, nhiều hộ xây dựng nhà ở 2 tầng và nhà sàn 3 - 4 gian khang trang, 100% hộ tái định cư trên địa bàn xã yên tâm an cư để lạc nghiệp thu nhập bình quân đầu người của huyện Tân Uyên đạt khoảng 27 triệu đồng/người.
Nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện là lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và thực hiện dự án di dân tái định cư Thủy điện Bản Chát. Huyện Tân Uyên đã quy hoạch và hình thành các vùng sản xuất tập trung, các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phát huy hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng và giá trị nông sản. Các sản phẩm từ nông nghiệp như: gạo, chè… đã từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường như trà Than Uyên, gạo Séng Cù, gạo Khẩu Ký, nếp Tan Co Giàng. Chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự đi vào đời sống người dân, hiện huyện đã có 6/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 100% đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 137 bản, tổ dân phố có đường xe máy đi lại thuận lợi; 4 xã có nhà văn hóa, 87 bản, tổ dân phố có nhà văn hóa; 98% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 95% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% các xã, thị trấn được phủ sóng điện thoại di động và kết nối internet...
Bên cạnh đó, huyện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ di chuyển 1.185 hộ/6.466 khẩu ra khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện Bản Chát đúng tiến độ, bảo đảm cho công việc thi công xây dựng và phát điện đúng tiến độ, vì dòng điện của Tổ quốc. Người dân tái định cư được quan tâm, hỗ trợ kịp thời, bảo đảm an sinh xã hội.
![]() Trụ sở huyện Tân Uyên |
Bảo đảm tiến độ các công trình
Năm 2018, đã ghi nhận nhiều nỗ lực trong đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn huyện Tân Uyên, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Ban quản lý Dự án Xây dựng cơ bản và Hỗ trợ bồi thường (QLDA XDCB và HTBT) của huyện đã làm tốt công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng, bảo đảm các tiêu chuẩn tiến độ, chất lượng… hỗ trợ bồi thường đúng quy định cho người dân, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo ông Lê Thanh Huy- Giám đốc Ban QLDA XDCB và HTBT huyện Tân Uyên cho biết: Với mục tiêu, các công trình thi công chất lượng, đúng kế hoạch đề ra, huyện chỉ đạo cơ quan chức năng chú trọng làm tốt khâu quy hoạch, lập dự án, khảo sát, thiết kế; công khai minh bạch đấu thầu, chỉ định thầu, lựa chọn các nhà thầu đủ năng lực thi công bảo đảm chất lượng công trình; chú trọng công tác tuyên truyền đến người dân về lợi ích, mục đích của công trình và tiến hành thu hồi, giải phóng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công bảo đảm thời gian. Chỉ đạo Ban QLDA huyện tăng cường nhắc nhở các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; kiểm tra bóc tách khối lượng trên hồ sơ, chất lượng công trình ngoài thực địa, kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các đơn vị thi công triển khai máy móc, nhân lực thi công các dự án đúng hợp đồng đã ký kết.
Đối với các dự án tái định cư Ban được giao quản lý và điều hành 104 công trình với tổng mức đầu tư là 875.747 triệu đồng. Các phương án bồi thường hỗ trợ được phê duyệt là 581 phương án với tổng kinh phí 647.252 triệu đồng. Để hoàn thành kế hoạch, Ban đã đẩy nhanh tiến độ các công trình đang thi công, tăng cường kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn; tiếp tục giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch giao của tỉnh, huyện, kiểm tra hoàn chỉnh thủ tục các công trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên đã đủ điều kiện và kế hoạch vốn để thanh toán dứt điểm. Trong quá trình thực hiện các dự án Ban luôn thực hiện nghiêm các quy định về giám sát và đánh giá đầu tư, thực hiện chế độ thông tin báo cáo đúng quy định, đồng thời luôn theo sát các nhà đầu tư tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc để bảo đảm tiến độ của dự án.
Chương trình 135 giai đoạn I của Chính phủ đã giúp Tân Uyên nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung nhựa hóa đường giao thông đến trung tâm cụm xã. Ðến nay, hầu hết đường ôtô đã mở về đến 100% số xã trong huyện, các dự án thủy lợi, dự án lò đốt rác, xây dựng nhà văn hóa... đang được Ban triển khai tích cực, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần tạo nên sự đổi thay căn bản bộ mặt đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc trong huyện. Có thể nói với những nỗ lực của mình, Ban QLDA XDCB và HTBT Tân Uyên thông qua việc thực hiện tốt các dự án bồi thường, di dân, tái định cư đã giúp ổn định đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân tại các khu, điểm tái định cư, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.