Nợ công - tâm điểm của năm 2014

- Thứ Bảy, 21/12/2013, 08:33 - Chia sẻ
Trong bối cảnh bội chi ngân sách nhà nước được nới đến 5,3% GDP và trái phiếu Chính phủ được phát hành thêm tới 170 nghìn tỷ đồng cho ba năm tới, nợ công sẽ là tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận về an ninh tài chính quốc gia trong năm tới. Nhận định này được nêu tại Hội thảo Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2014 - 2015 tổ chức ngày 19.12.

Các báo cáo chính thức cho thấy, năm 2011, tỷ lệ nợ công so với GDP là 54,9%; năm 2012 là 55,7%. Tỷ lệ dư nợ Chính phủ so với GDP năm 2011 là 43,1%; năm 2012 là 43,3%. Còn tỷ lệ dư nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP các năm 2011, 2012 lần lượt là 41,5% và 41,1%.


Nguồn: baocongthuong.com.vn
Tại nghiên cứu của mình, Pgs.Ts Đào Văn Hùng (Giám đốc Học viện Chính sách phát triển), Ts Trịnh Quang Anh và các cộng sự đặc biệt lưu ý với áp lực phát hành trái phiếu Chính phủ gộp, cả để đảo nợ đến hạn (tổng hai năm 2014 - 2015 là khoảng 320 nghìn tỷ đồng, dự đoán sẽ phát hành tập trung trong năm 2014), nguy cơ nợ công chuyển sang trạng thái mất an toàn là có khả năng, kéo theo đó là nguy cơ bất ổn hệ thống ngân hàng. Nguyên nhân là do hệ thống tổ chức tín dụng hiện đang nắm giữ tới 450 nghìn tỷ đồng tín phiếu và trái phiếu Chính phủ, chiếm khoảng 90% tổng lượng trái phiếu Chính phủ.

Là một diễn giả được đặt bài về nợ công, Quyền Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý - Trường Đại học Kinh tế quốc dân Ts Phạm Thế Anh chỉ rõ, việc thâm hụt ngân sách kéo dài, nợ của chính quyền địa phương có phần bị buông lỏng và đặc biệt là sự thua lỗ của nhiều doanh nghiệp nhà nước trong những năm qua là nguyên nhân gây ra những nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nợ. Với tỷ lệ nợ công/GDP tính đến cuối năm 2012 vào khoảng 55,7% GDP (chưa kể các khoản nợ chưa được hạch toán của các chính quyền địa phương và nợ có thể phải trả thay cho doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ), thì việc mở rộng tài khóa (nới bội chi ngân sách lên 5,3% GDP) rất có thể sẽ khiến mức trần nợ công là 65% GDP vào năm 2015 do Quốc hội quy định sẽ nhanh chóng bị phá vỡ.

Ở góc độ nghiên cứu chuyên sâu, Ts Phạm Thế Anh cho rằng, rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công có lẽ không phải ở những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách. Những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước, mà rất có thể sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để trả, mới là mầm mống đe dọa sự bền vững nợ công.

Theo báo cáo số 490/BC-CP của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 25.11.2013, tổng nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tính đến cuối năm 2012 là gần 1.550 ngàn tỷ đồng, tương ứng với khoảng 52,5% GDP. Nếu loại trừ phần có thể đã được Chính phủ bảo lãnh (5,17% GDP) trong nợ công nước ngoài và 6,5% GDP trong nợ công trong nước), thì vẫn còn tới khoảng 40,9% GDP nợ của doanh nghiệp nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh, vị chuyên gia này cho biết. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu cộng thêm số nợ đọng trong xây dựng cơ bản và con số công bố chính thức, thì nợ công hiện nay sẽ lên tới xấp xỉ 98,2% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn (65% GDP) được khuyến cáo bởi các tổ chức quốc tế.

Nhìn ở góc độ đầu tư và nợ nần của nền kinh tế, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho biết, mặc dù khối doanh nghiệp là khối quan trọng nhất quyết định sự thành, bại của đất nước, nhưng suốt từ năm 2006 - 2011, các doanh nghiệp cứ có một đồng thì phải vay trên 2 đồng. Đặc biệt, khối doanh nghiệp nhà nước có một đồng vốn chủ sở hữu thì phải vay đến trên ba đồng. Tỷ lệ nợ của doanh nghiệp nhà nước so với nguồn vốn chủ sở hữu có thể còn cao hơn nhiều nếu đánh giá lại tài sản của khu vực này. Theo ông, nền kinh tế mà tỷ lệ vay mượn của cả khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nhà nước đều cao như vậy là nền kinh tế bất ổn.

Về cấu trúc nợ công những năm gần đây, có sự thay đổi của tỷ trọng nợ trong nước so với nợ nước ngoài. Theo thống kê chính thức, nợ công nước ngoài tính đến cuối năm 2012 là 29,7% GDP, chiếm tỷ trọng khoảng 53,4% tổng nợ công và đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, nợ trong nước là 26% GDP, chiếm 46,6% tổng nợ công và đang có xu hướng tăng lên. Đây chưa hẳn là một tín hiệu tốt dù tránh được rủi ro tỷ giá. Bởi, lãi suất hữu hiệu của nợ công nước ngoài chỉ nằm trong khoảng 2 - 3% và có kỳ hạn trung bình lên tới hàng chục năm. Ngược lại, nợ công trong nước, chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh lại có lãi suất hữu hiệu khoảng 11%/năm và chủ yếu (90%) có kỳ hạn ngắn từ 2-5 năm. Với tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài như hiện nay, sức ép phát hành trái phiếu để đảo nợ và gánh nặng trả lãi của nợ công trong nước là khá lớn. Việc này khiến cho lãi suất trong nước luôn ở mức cao, chèn ép mạnh đầu tư của khu vực tư nhân và làm giảm tăng trưởng kinh tế một khi đồng vốn vay không được khu vực công sử dụng hiệu quả.

Trước những thách thức này, các chuyên gia dự Hội thảo Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2014 - 2015 nhấn mạnh, cần có một cuộc cải cách tài khóa triệt để và toàn diện nhằm đưa ngân sách dần trở về trạng thái cân bằng, bảo đảm tính bền vững của nợ công và duy trì sự ổn định lâu dài cho nền kinh tế. Ts Phạm Thế Anh cho rằng, trước tiên, cần phải xây dựng một chuẩn mực hạch toán thâm hụt ngân sách và nợ công theo thông lệ quốc tế. Các khoản chi để ngoại bảng phải được tuyệt đối tránh. Các gánh nặng ngân sách phát sinh trong tương lai như chi trả lương hưu hay bảo hiểm y tế, cũng cần được đưa vào các dự báo về thâm hụt ngân sách nhằm có được bức tranh chính xác hơn về triển vọng nợ công trong trung hạn. Việc phân tích và đánh giá nợ của doanh nghiệp nhà nước phải được coi là một phần không thể tách rời trong báo cáo về nợ công, ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, Ts Vũ Đình Ánh (Bộ Tài chính) lại cho rằng, trả lời câu hỏi nợ công được sử dụng như thế nào là đặc biệt quan trọng khi mà trong một vài năm gần đây, tốc độ nợ công tăng rất nhanh, gần như vượt qua các giới hạn. Hiện quy mô nợ công đã lên đến 100 tỷ USD là con số không hề nhỏ. Theo vị chuyên gia này đây là một vấn đề rất lớn, không rõ trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của Bộ Tài chính với tư cách cơ quan quản lý nợ công hay của Ngân hàng Nhà nước là cơ quan gần như chuyên đi ký các khoản vay.

Phương Anh