No ấm từ những cánh rừng

Cao Linh 15/12/2023 15:58

Lấy việc trồng rừng làm sinh kế, nhiều năm qua, người dân huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang có cuộc sống ngày càng ấm no. Thành quả từ những tán rừng xanh đang trỗi dậy đầy sức sống là nhiều ngôi nhà mới, khang trang, kiên cố.

Chú trọng phát triển rừng

Nhằm phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu, gia đình anh Bùi Quang Thảo tại thôn 4, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn đã tập trung vào việc phát kinh tế nông lâm nghiệp, trong đó chú trọng phát triển rừng. Hiện nay, gia đình anh được đánh giá là hộ gia đình có kinh tế vững tại địa phương. Được biết, đình anh đã phát triển kinh tế nông lâm nghiệp từ năm 1995 đến nay.

Với diện tích đất khai hoang ban đầu, anh đã trăn trở suy nghĩ cũng như tìm tòi học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế nông lâm nghiệp từ các hộ gia đình có kinh nghiệm. Từ đó, anh đã xác định mục tiêu và có kế hoạch phát triển về kinh tế nông lâm kết hợp để làm hướng đi cho gia đình mình. Nhưng thời điểm đó gia đình anh đang thiếu vốn và kinh nghiệm trồng rừng chưa có, chu kỳ thu hoạch các sản phẩm từ rừng lại dài ít nhất từ 7 đến 10 năm. Bằng sự quyết tâm, nỗ lực, ý chí vươn lên của bản thân, anh Thảo suy nghĩ muốn làm giàu phải trồng rừng, phủ xanh đất trống, phát triển cây đa mục đích.

Ban đầu, gia đình anh trồng keo với diện tích khoảng 10ha, nhận thấy hiệu quả kinh tế chưa như mong đợi; năm 2016 anh mua thêm 10ha để mở rộng diện tích đất lâm nghiệp. Anh tập trung chủ yếu vào giống cây phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương như: Keo hạt thường, keo hạt Úc, keo hạt nội, mỡ. Nhiều diện tích đã cho thu hoạch, giá trị ước tính tại thời điểm hiện tại khoảng 2 tỷ đồng.

Cùng với đó, nhận thấy nhu cầu phát triển cây keo, mỡ ở địa phương cao nên anh đã đầu tư phát triển ươm giống để cung ứng ra thị trường, phục vụ bà con nhân dân trong địa phương. Bên cạnh đó, anh cũng hướng dẫn, giúp đỡ bà con trong địa phương từ việc chọn giống phù hợp, chăm sóc sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Anh Thảo cho biết: “Sau hơn 20 năm thực hiện phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, tôi thấy hiệu quả kinh tế từ rừng mang lại rất cao, giúp gia đình tôi có được cuộc sống ổn định hơn. Trong thời gian tới gia đình tôi tiếp tục phát triển cây keo, mỡ theo hướng hữu cơ, bền vững. Bảo vệ, chăm sóc phát triển diện tích rừng giống keo, mỡ để cung cấp giống cho nhân dân trong vùng phát triển”.

No ấm từ những cánh rừng -0
Những cánh rừng mang lại no ấm cho người dân Tuyên Quang. Ảnh: ITN

Cũng giống như anh Thảo, anh Nguyễn Đức Bình, Trưởng thôn 2, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn cũng là một tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế lâm nghiệp. “Vạn sự khởi đầu nan”, những ngày đầu làm kinh tế lâm nghiệp, anh Bình đã gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. “Làm gì để phát huy hiệu quả từ 7 ha rừng bố mẹ để lại” - đó là trăn trở mỗi đêm của anh. Cách đây hơn chục năm, giá gỗ rẻ và bấp bênh, vốn kinh nghiệm còn hạn chế, diện tích rừng của gia đình anh thường bị sâu bệnh nên rừng không đem lại hiệu quả. Anh Bình không ngại khó đi nhiều nơi, học hỏi kinh nghiệm về trồng rừng. “Trong 7 ha đất rừng, không phải 100% thổ nhưỡng giống nhau. Quan trọng là xác định thổ nhưỡng của từng lô, khoảnh để trồng các loại cây cho phù hợp. Ví như, với loại đất đá thì trồng cây mỡ; đất thịt trồng cây keo; đất khô, độ ẩm ít trồng bạch đàn”, anh Bình chia sẻ.

Kết hợp phát triển nông nghiệp, chăn nuôi

Để lấy ngắn nuôi dài, anh Bình trồng xen các loại cây thức ăn gia súc trên đất rừng trong năm đầu tiên của mỗi chu kỳ rừng. Đồng thời, phát triển chăn nuôi gà, lợn, cá để tận dụng nguồn sản phẩm phụ; nuôi ong dưới tán rừng. Nhờ áp dụng hiệu quả vốn kiến thức trong trồng rừng, mô hình kinh tế rừng của anh Bình từng bước cho thu nhập cao.

Từ diện tích 7 ha rừng năm 2010, đến nay, anh Bình đã tích lũy, đầu tư hàng tỷ đồng để nhân rộng diện tích rừng lên 20 ha. Vốn ham học hỏi, phát huy vai trò đảng viên tiên phong, gương mẫu, nói là làm, anh Bình thường xuyên đi nhiều nơi học hỏi các mô hình kinh tế, trồng và chăn nuôi thử nghiệm hàng chục loại cây trồng, vật nuôi trong suốt những năm qua. Anh Bình nhẩm tính: trung bình mỗi năm có 3 ha rừng được khai thác, thu nhập khoảng trên 300 triệu đồng. Cùng nguồn thu từ các loại cây trồng, vật nuôi khác, ngành nghề thu mua nông sản, gỗ rừng, dịch vụ vận tải, tổng nguồn thu nhập của gia đình ước trên 400 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

No ấm từ những cánh rừng -0
Gia đình anh Bùi Quang Thảo, thôn 4 mở rộng mô hình kinh tế thành trang trại, kết hợp phát triển nông nghiệp, chăn nuôi để lấy ngắn nuôi dài. Ảnh: BN

Cũng như gia đình anh Bình, gia đình anh Thảo cũng kết hợp phát triển nông nghiệp, chăn nuôi để lấy ngắn nuôi dài. Năm 2021, anh đầu tư hơn 1 tỷ đồng mở trang trại nuôi bò, lợn với hơn 30 con bò và 80 con lợn. Lứa đầu tiên xuất chuồng gia đình anh đã thu về gần 400 triệu đồng.

Có thể khẳng định rằng, công tác trồng rừng kinh tế đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ gia đình anh Thảo, anh Bình nói riêng, nhân dân trên địa bàn huyện Yên Sơn nói chung. Để tiếp tục đưa ngành lâm nghiệp  trở thành ngành chính của nền kinh tế địa phương, thời gian tới với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành bằng các chỉ tiêu kế hoạch cụ thể là hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế lâm nghiệp, nhân rộng các mô hình kinh tế từ rừng trồng, làm tốt công tác phát triển rừng, gắn với phát triển cây keo, mỡ theo hướng bền vững; đưa các giống cây lâm nghiệp mới năng suất, chất lượng vào trồng kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững tại địa phương.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        No ấm từ những cánh rừng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO