- Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 174/2024/QH15 về đồng ý tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; ông đánh giá thế nào về chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong bối cảnh hiện nay?
- Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, Việt Nam cần 150.000MW công suất nguồn điện; đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên khoảng 490.000 - 573.000MW. Với tốc độ tăng trưởng điện năng khoảng 10%/năm đòi hỏi Việt Nam phải tìm kiếm nguồn năng lượng ổn định, đáng tin cậy. Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo hiện nay là điện gió, điện mặt trời hay thủy điện chúng ta không còn nhiều dư địa phát triển, hoặc phát triển sẽ để lại nhiều hậu quả về môi trường. Do đó, trong giai đoạn này, điện hạt nhân là sự lựa chọn hợp lý, cần thiết đối với sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cao. Các nhà máy điện hạt nhân chạy nền sẽ thay thế nhiệt điện than, giúp giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính, đáp ứng mục tiêu Chính phủ đã cam kết trước hội nghị COP26 đến năm 2050 Việt Nam thực hiện phát thải ròng bằng 0.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận từ khi có chủ trương từ năm 2009, cho đến thời điểm tái khởi động vào cuối năm 2024 là 15 năm. Trong khoảng thời gian đó, người dân trong vùng dự án đã gặp rất nhiều khó khăn, thiệt thòi và chưa thể bù đắp. Hiện nay, người dân rất mong muốn Trung ương quan tâm ưu tiên chính sách thu hồi đất, trong đó chấp nhận đền bù cho các hộ đã sử dụng đất ổn định trong thời gian dài với mức đền bù hợp lý. Tỉnh cũng đề xuất hỗ trợ đền bù đáp ứng mong mỏi của người dân, cũng như phù hợp với các quy định của pháp luật theo mức thêm 1,5 lần. Với diện tích thu hồi bồi thường hơn 1.000ha đất ở, sản xuất, với 1.288 hộ/4.911 khẩu tại thời điểm năm 2015, theo chỉ đạo của Chính phủ hoàn thành công tác GPMB trong năm 2025 là nhiệm vụ nặng nề; vì vậy, cần thiết phải có cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên để Ninh Thuận sớm bàn giao mặt bằng sạch phục vụ dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận TRẦN QUỐC NAM
- Với vai trò là người đứng đầu UBND tỉnh, ông có thể chia sẻ cụ thể về quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh để chuẩn bị cho việc triển khai dự án điện hạt nhân trên địa bàn?
- Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã tạm dừng trong khoảng thời gian 8 năm. Nhân dân trong vùng dự án luôn tin tưởng, chấp hành mọi chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, thậm chí chấp nhận hy sinh lợi ích vì mục tiêu quê hương ngày càng giàu mạnh. Đối với Đảng bộ, chính quyền tỉnh Ninh Thuận thì đây là vinh dự rất lớn khi một dự án quan trọng cấp quốc gia được triển khai trên địa bàn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận cam kết sẽ đồng lòng, chung sức, sẵn sàng tâm thế phối hợp, hỗ trợ tối đa để dự án được triển khai bảo đảm tiến độ đã đề ra.
Trước mắt, tỉnh sẽ chủ động khảo sát, lấy ý kiến, xác định tâm tư, nguyện vọng Nhân dân vùng dự án, tăng cường tuyên truyền, thông tin, vận động tạo đồng thuận trong Nhân dân khi dự án được triển khai. Đồng thời, tỉnh cũng xin chủ trương của Trung ương điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bổ sung định hướng phát triển nhà máy điện hạt nhân. Tỉnh cũng sẽ lựa chọn phương án phát triển các ngành, lĩnh vực; bố trí lại không gian, phân bổ, khoanh vùng đất đai; tính toán lại kịch bản phát triển; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng vùng phát triển điện hạt nhân để bảo đảm điều kiện triển khai.
- Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín đang diễn ra, Chính phủ đang đề xuất 10 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; ông đánh giá như thế nào về những cơ chế, chính sách đặc thù này, thưa ông?
- Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án đặc biệt quan trọng, có công nghệ phức tạp, chỉ một số ít quốc gia sở hữu; nhu cầu vốn đầu tư rất lớn và lần đầu tiên được đầu tư xây dựng tại nước ta nên rất cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện. Tôi hoàn toàn đồng tình với 10 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù Chính phủ đề xuất. Việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù rất cần thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Ở góc độ địa phương, chúng tôi cũng mong muốn Trung ương xem xét hỗ trợ các nhóm chính sách đặc thù cho tỉnh như: đầu tư hạ tầng truyền tải, có chính sách hỗ trợ giá điện cho người dân; chính sách về đầu tư hạ tầng, y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội, giao thông, du lịch, nông nghiệp, công nghiệp… Tỉnh cũng mong được Trung ương hỗ trợ đầu tư hạ tầng khung kết nối trọng điểm, động lực, liên vùng hình thành các trục hành lang kết nối thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại và du lịch của tỉnh và các địa phương trong vùng, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhanh và bền vững, rút ngắn nhanh chênh lệch quá trình phát triển so với các tỉnh trong vùng và cả nước.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án lớn, lần đầu tiên được triển khai nên sẽ không tránh khỏi những vấn đề phát sinh, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, trình Trung ương xem xét quyết định một số cơ chế, chính sách để bảo đảm tiến độ dự án và bảo đảm quyền, lợi ích của Nhân dân, đặc biệt là Nhân dân trong vùng dự án.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!