Miền nắng gió được thiên nhiên ưu ái nhiều vẻ đẹp độc lạ
Ninh Thuận không chỉ sở hữu khí hậu nhiệt đới xavan, được coi là vùng sa thảo độc nhất tại Đông Nam Á, mà còn là một trong số các địa phương hiếm hoi hội tụ hai vườn quốc gia lớn của Việt Nam là: Phước Bình và Núi Chúa. Trong đó, Vườn Quốc gia Núi Chúa đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, mở ra những chuyến khám phá, tour trek.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận còn được biết đến với nền văn hóa Chăm đậm đà và được các nhà nghiên cứu đánh giá là đặc sắc nhất cả nước, để lại cho ngày nay làng nghề gốm Bàu Trúc, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp nổi tiếng, những tháp Chăm đẹp, vĩ đại, hấp dẫn. Các sinh hoạt bản địa, tri thức truyền thống không thể tách rời khỏi đời sống của người dân. Song song với đó là các sản phẩm nông nghiệp gồm nho và cừu nổi tiếng, tọa lạc trong vùng tam giác du lịch Khánh Hòa - Lâm Đồng - Bình Thuận... Tất cả điều này giúp tô đậm cho bản sắc vùng đất Ninh Thuận.
Đặc biệt, tỉnh có bãi biển đẹp dài và hoang sơ, khí hậu nắng ấm quanh năm, con người hiền hòa mến khách. Đến với Ninh Thuận, du khách còn có thể trải nghiệm về du lịch nông nghiệp với các tour tham quan vườn nho, táo, tỏi, măng tây...
Được tạo hoá ban tặng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thời gian gần đây, Ninh Thuận là điểm đến "hot" với giới trẻ. Vịnh Vĩnh Hy, đồng cừu, vườn nho, đồi cát Nam Cương, bãi biển Ninh Chữ, tháp Chàm PoKlong Garai... dần trở thành những background nổi tiếng - thiên đường mới của các tín đồ thích "xê dịch", yêu trải nghiệm, khám phá miền đất nắng gió được thiên nhiên ưu ái nhiều vẻ đẹp độc lạ.
Đi đến Đồng Cừu Suối Tiên du khách sẽ được chụp hình cùng những chú cừu xinh xắn, đáng yêu. Bầu không khí trong lành và tiếng kêu "be be" rộn rã của những chú cừu dễ thương sẽ xua tan hết mệt mỏi, căng thẳng của cuộc sống bộn bề.
Đến Tháp Chàm PoKlong Garai, du khách lại được trải nghiệm kiến trúc tâm linh tôn giáo cổ xưa nhất của người Chăm. Tháp được xây dựng bằng gạch Chăm - một loại gạch xây không cần đến xi-măng, khi thấm nước áp sát vào nhau một thời gian sau sẽ kết dính lại. Đến giờ loại gạch này vẫn còn là một điều huyền bí của người Chăm.
Sau đó, di chuyển qua bãi biển Ninh Chữ là một trong những bãi biển đẹp nhất nước ta, trải dài hình lưỡi liềm thơ mộng, du khách sẽ bị "hớp hồn" vì màu nước trong xanh, cát trắng, ít sóng và không khí rất trong lành.
Rời biển Ninh Chữ, sau khi dạo bước trên đồi cát Nam Cương và đã cảm nhận được sự "dịu dàng" của những hạt cát li ti, mềm mịn như nhung và có những bức hình "cực chất" trên sa mạc, du khách sẽ tiếp tục hành trình tới Hang Rái - một điểm du lịch nằm ở phía Nam của vịnh Vĩnh Hy thuộc xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải). Hang Rái độc đáo bởi những rạn san hô cổ hoá thạch 6.000 năm được ví như "Sao Hoả" bởi hình dáng độc lạ và nhấp nhô...
Ưu tiên phát triển du lịch biển
Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Thuận Phạm Thị Thanh Hường cho biết: Để khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng, lợi thế sẵn có phục vụ phát triển kinh tế biển và du lịch, tỉnh đã tiếp tục đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW. Đồng thời, tập trung thực hiện các chủ trương, khâu đột phá theo Nghị quyết số 17/NQ-TU ngày 17.1.2022 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển giai đoạn đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, phát triển du lịch biển được xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kinh tế biển chiếm 41- 42% cơ cấu GRDP của tỉnh. Trong đó, cơ cấu nội bộ nhóm ngành kinh tế biển gồm: đô thị, dịch vụ du lịch biển chiếm 16 - 17%. Cùng với đó, phấn đấu đến năm 2025 đón 3,5 triệu lượt khách (455.000 lượt khách quốc tế); năm 2030, đón 6 triệu lượt khách (900.000 lượt khách quốc tế). Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt 2.900 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt 5.900 tỷ đồng.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, tỉnh đã và đang tích cực tăng cường huy động các nguồn lực, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng các khu du lịch trọng điểm; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch biển; đa dạng hóa các loại hình du lịch sinh thái, giải trí, thể thao biển, du lịch cộng đồng để tăng tính kết nối với các địa phương.
Tỉnh cũng đẩy mạnh quảng bá, khai thác hiệu quả tuyến du lịch Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa gắn với tuyến du lịch quốc gia; hoàn thành các đồ án quy hoạch phân khu về phát triển đô thị du lịch, đồ án quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Ninh Chữ đến năm 2040, đồ án quy hoạch chung xây dựng khu du lịch ven biển phía Nam của tỉnh... Đồng thời, tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nhằm hỗ trợ và tăng tính trải nghiệm cho du khách.
Việc xây dựng, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển được tỉnh Ninh Thuận thực hiện trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc, kết nối với các tuyến du lịch địa phương và quốc tế nhằm xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Với mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ninh Thuận đã và đang phát triển ngành "công nghiệp không khói" theo hướng trọng điểm có đẳng cấp cao, khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch biển đặc thù, độc đáo riêng có để nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực Duyên hải miền Trung. Đây là chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, tạo bước đột phá cho du lịch Ninh Thuận trên bản đồ du lịch Việt Nam.