Hội nghị sẽ diễn ra ngày 15.11 tại khách sạn Continental Sài Gòn (134 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Sự kiện nhằm đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, kết nối xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại các tỉnh, thành phố là vùng trọng điểm kinh tế phía Nam của cả nước; thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư, thương mại, du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến công nghiệp, nhất là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; thông qua đó để thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hiện thực hóa quy hoạch tỉnh.
Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Ninh Thuận Trương Văn Tiến cho biết, hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Ninh Thuận tại TP. Hồ Chí Minh là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là dịp để tỉnh Ninh Thuận giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư của tỉnh Ninh Thuận, các khu, cụm công nghiệp Ninh Thuận tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh.
Đồng thời, là dịp để các tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư vào 5 cụm ngành quan trọng của tỉnh: Năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và thị trường bất động sản và các dự án đầu tư hạ tầng, đầu tư sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo sự bứt phá cho ngành công nghiệp của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí chiến lược nằm trên giao điểm nối liền 3 vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, là điều kiện thuận lợi để mở rộng giao thương và kết nối hợp tác đầu tư phát triển với các trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước.
Ninh Thuận có 3 Khu công nghiệp (Du Long, Phước Nam, Thành Hải) với tổng diện tích 855,187ha và 1 khu công nghiệp Cà Ná 827ha đang trình chấp thuận chủ trương đầu tư. Các khu, cụm công nghiệp của tỉnh thuận lợi về giao thông, có cảng biển nước sâu khả năng tiếp nhận tàu công suất đến 300.000DWT, hướng đến là cảng trung chuyển quốc tế, gắn với trung tâm logistic của khu vực. Các dịch vụ điện, nước và hạ tầng thiết yếu khác được đảm bảo, quỹ đất còn khá lớn, là điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận đất đai.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10.11.2023, Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tầm nhìn chiến lược về “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt” tạo dựng những giá trị khác biệt để tạo ra năng lực cạnh tranh nền kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh tạo dư địa cho tăng trưởng. Quy hoạch xác định chọn 5 cụm ngành đột phá, gồm: Năng lượng và năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và thị trường bất động sản.