Ninh Hòa sau cơn bão dữ

Bài và ảnh: Phạm Duy 20/11/2017 18:39

Ninh Tây là xã miền núi của thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 12 vừa qua. Hiện cuộc sống của hàng trăm hộ dân, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai đang hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều gia đình đã đầu tư tiền tỷ vào trồng rừng, trồng keo cũng bị thiệt hại hết sức nặng nề. Từ những gia đình khá giả, nhiều hộ đang có nguy cơ trở thành hộ nghèo "bất đắc dĩ”.

Thôn nghèo gieo neo sau bão

Đã hơn nửa tháng sau khi cơn bão số 12 đi qua, hàng chục hộ gia đình dân tộc Raglai ở thôn Sông Búng, xã Ninh Tây nằm cách thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa chưa đầy 30 km vẫn sống trong cảnh tạm bợ vì tài sản giá trị nhất là căn nhà đã bị cơn bão cuốn đi. Anh Cao Xe, thôn Sông Búng cho biết, nhà bị cơn bão làm sập hoàn toàn. Ngay sau cơn bão, dân làng chung tay giúp gia đình anh dựng túp lều bằng những cây cột còn sót lại sau trận bão để lấy chỗ sinh sống. “Giờ nhà mình cũng thiếu cái ăn nên phải đi vay mượn để sống. Mai mốt mình đi làm thuê rồi sẽ lấy tiền trả dần. Giờ là những tháng cuối năm, ngô, lúa, mía gia đình mình cũng bị bão làm hư hỏng hết, việc làm không có nên mình chưa biết phải xoay xở như thế nào nữa. Rất mong Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ gia đình mình cũng như những người nghèo của thôn bị bão làm sập nhà, hư hại hoa màu” - anh Cao Xe mong muốn.

Trưởng ban Mặt trận thôn Sông Búng Y Kim cho biết: Thôn có 186 hộ, 986 nhân khẩu thì có đến hơn 90% là dân tộc Raglai. Vì sản xuất nông nghiệp là chủ yếu nên có đến 115 hộ nghèo, 20 hộ cận nghèo. Hiện tại, địa phương đã thống kê thiệt hại của người dân. Qua thống kê thực tế trong thôn, có 11 căn nhà bị sập hoàn toàn. Hầu hết số nhà còn lại đều bị thiệt hại ít nhiều khác nhau. Hiện tại thôn đã lập danh sách và đề nghị chính quyền các cấp sớm hỗ trợ người dân gạo để ăn hàng ngày và tiền, vật liệu để dựng lại những căn nhà sập hoàn toàn và sửa chữa những căn nhà bị hư hỏng để người dân ổn định cuộc sống.

Chồng chất nỗi lo

 Báo cáo của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thị xã Ninh Hòa cho biết, cơn bão số 12 đã làm 19 người bị chết. Tổng tàu thuyền bị chìm, hư hỏng là 319 chiếc; số nhà bị thiệt hại từ 50% trở lên là 6.464 căn; diện tích lúa, rau hoa màu bị thiệt hại là 4.969 ha; diện tích rừng nguyên sinh và rừng trồng bị thiệt hại 3.694 ha và 1.131 lồng, bè nuôi thủy, hải sản các loại bị cuốn trôi, hư hỏng hoàn toàn.

Không chỉ có sập nhà, mà nhiều diện tích cây hoa màu và cây keo từ 1 đến 5 năm tuổi của người dân thông Sông Búng cũng bị thiệt hại nặng nề. Anh Nguyễn Văn Huyên, người đã đầu tư trồng 50ha keo từ 1 - 7 năm cho biết, cơn bão số 12 đã làm gẫy đổ hoàn toàn 30ha keo từ 1 đến 2 năm; 10 ha keo từ 4 năm và 10 ha keo từ 7 năm chuẩn bị cho thu hoạch cũng gẫy đổ hoàn toàn. Tổng thiệt hại diện tích keo của gia đình anh lên đến 2,5 tỷ đồng.

Theo thống kê của UBND xã Ninh Tây, toàn xã có 1.300 hộ dân với 5.200 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai và Êđê thì cơn bão số 12 đã làm ảnh hưởng đến hầu hết các căn nhà, trong đó có 38 căn nhà bị sập; 113 nhà tốc mái, hư hỏng nặng. Về nông nghiệp có 2.900ha mía bị gẫy đổ lúa ; 240 ha lúa bị hư hỏng; 1.700 ha keo bị gẫy đổ; 65 ha cao su gẫy đổ cùng 200 ha cây trồng khác bị thiệt hại. Đáng chú ý là hơn 300 ha diện tích rừng căm xe hàng trăm năm tuổi tại thôn Sông Búng bị gẫy đổ hoàn toàn.

Chủ tịch UBND xã Ninh Tây Lê Xuân Tuyên cho biết: Cùng với chính quyền địa phương, bà con nhân dân cũng chung tay giúp đỡ để dựng lại lều tạm hoặc khắc phục sự cố hư hỏng nhà cửa cho các gia đình bị thiệt hại. Bên cạnh đó, mỗi gia đình có nhà sập hoàn toàn được các tổ chức, cá nhân và nhà hảo tâm tặng số tiền 2 triệu đồng để mua gạo ăn. Riêng Tập đoàn tôn Hoa Sen tặng 22 gia đình, mỗi gia đình 50m2 tôn để lợp nhà. Xã cũng đã nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước mỗi khẩu 15kg/tháng và đang phát cho người dân. Hiện địa phương cũng đang tiến hành làm các thủ tục để các gia đình được hưởng chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước để có thể xây dựng căn nhà mới hoặc sửa chữa để ổn định cuộc sống”, ông Tuyên cho biết.

Không chỉ bị thiệt hại do bão gây ra, mà đến thời điểm này những người trồng keo ở địa phương cũng đang gặp khó khăn bởi các nhà máy thu mua nguyên liệu lấy lý do keo bị gẫy đổ nên đã giảm giá từ gần 1,1 triệu đồng/tấn cây xuống còn dưới 1 triệu đồng/tấn. Trong khi đó giá nhân công thu hoạch keo và vận chuyển từ rừng ra đường lớn cho xe ô tô vận chuyển đến nhà máy cũng tăng từ 300 nghìn/tấn lên 500 nghìn/tấn khiến người dân đã khó khăn lại càng thêm khó. Hiện tại cũng với sự chung tay hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng, người dân ở đây còn mong muốn địa phương sớm can thiệp với các nhà máy chế biến gỗ ổn định giá cả, thu mua keo nguyên liệu để họ bớt thiệt thòi.

Ảnh: Rừng Căm xe hàng trăm năm tuổi bị gãy đổ
Ảnh: Hàng trăm ha keo của người dân bị gãy đổ do bão số 12
Ảnh: Gia đình anh Cao Xe sống trong căn lều tạm bợ sau bão

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ninh Hòa sau cơn bão dữ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO