Ninh Bình tạm dừng đón khách du lịch bằng phương tiện đường thủy để tránh bão WIPHA
Căn cứ diễn biến phức tạp của bão số 3 (WIPHA), Sở Du lịch Ninh Bình yêu cầu tạm dừng toàn bộ hoạt động đón khách du lịch bằng phương tiện đường thủy nội địa tại tất cả khu, điểm du lịch từ 13h ngày 21/7/2025 cho đến khi có thông báo mới.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia hồi 9h ngày 21/7, cơn bão số 3 (WIPHA) đang tiến vào gần khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ gió cấp 10-11, giật cấp 14. Bão di chuyển theo hướng Tây - Tây Nam, với tốc độ 15-25km/h, vẫn có thể tiếp tục mạnh thêm. Dự kiến chiều - tối 21/7, bão sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ, sau đó đổ bộ đất liền các tỉnh Bắc Bộ đến Nghệ An trong ngày 22/7.
Căn cứ diễn biến phức tạp của bão số 3 (WIPHA) và dự báo mưa lớn, gió giật mạnh có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực tỉnh Ninh Bình, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách và người lao động, trưa ngày 21/7, Sở Du lịch Ninh Bình đã có văn bản gửi Ban quản lý khu, điểm du lịch của tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh.


Theo đó, yêu cầu tạm dừng toàn bộ hoạt động đón khách du lịch bằng phương tiện đường thủy nội địa tại tất cả khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh kể từ 13h ngày 21/7/2025 cho đến khi có thông báo mới.
Ban Quản lý các khu, điểm du lịch trên địa bàn chủ động thông báo tới du khách, đơn vị lữ hành, hướng dẫn phương án di chuyển an toàn, đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tại bến, bãi.
Sở Du lịch Ninh Bình cũng yêu cầu các đơn vị vận hành phương tiện thủy tổ chức neo đậu tàu, thuyền tại vị trí an toàn; kiểm tra trang thiết bị cứu sinh, sẵn sàng phối hợp cứu hộ khi có yêu cầu.

Trước đó, ngày 20/7, Sở Du lịch Ninh Bình đã có văn bản gửi UBND các xã, phường; Ban quản lý khu, điểm du lịch của tỉnh; các cơ sở kinh doanh du lịch; Hiệp hội Du lịch tỉnh về việc chủ động ứng phó với bão WIPHA.
Sở Du lịch đề nghị các khu, điểm du lịch chủ động triển khai phương án phòng chống bão, mưa lũ kịp thời, hiệu quả, đặt an toàn tính mạng du khách lên hàng đầu, tuyệt đối không chủ quan. Khi thời tiết xấu, ngừng ngay hoạt động tham quan và thông báo kịp thời cho du khách, đơn vị lữ hành và cơ quan chức năng.
Bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ tại các điểm trọng yếu; công khai số điện thoại đường dây nóng; lắp đặt đầy đủ biển chỉ dẫn, cảnh báo nguy hiểm. Tổ chức tập huấn kỹ năng sơ cứu, xử lý tình huống khẩn cấp cho nhân viên và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong mọi tình huống.

Các khách sạn, nhà hàng du lịch, các cơ sở dịch vụ khác chủ động theo dõi tình hình thời tiết, xây dựng và triển khai phương án phòng chống bão phù hợp. Các cơ sở phải kiểm tra, gia cố hạ tầng, bảo đảm an toàn cho du khách và nhân viên; chuẩn bị nhu yếu phẩm, bố trí nhân lực trực 24/24 trong thời gian bão. Đồng thời, cần thông tin kịp thời cho khách về tình hình thời tiết, hướng dẫn các biện pháp an toàn, công khai số điện thoại liên lạc và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để xử lý sự cố khi cần thiết.
UBND các xã, phường phối hợp với các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú triển khai phương án phòng chống bão, bảo đảm an toàn cho du khách. Theo dõi thời tiết, kịp thời chỉ đạo dừng hoạt động du lịch khi cần thiết. Hỗ trợ tuyên truyền, kiểm tra an toàn và sẵn sàng lực lượng phối hợp cứu hộ, xử lý sự cố do bão, mưa lũ gây ra…