Ninh Bình - Một dự cảm tương lai vùng đồng bằng Bắc bộ

Tùy bút của Diệu Sương 29/03/2012 08:14

Có ai thao thức về mảnh đất này mà không biết, không nhớ về 20 năm trước?

Đường vào Tam Cốc
Đường vào Tam Cốc

Vâng, tròn hai mươi năm trước, thời gian chưa xa! Cái thị xã bé nhỏ trở thành trung tâm tỉnh lỵ của Ninh Bình (ngay sau khi Ninh Bình được chia tách, được tái lập từ tỉnh lớn Hà Nam Ninh) được mệnh danh là thị xã 3B – buồn, bụi, bẩn; nhà không số, phố không tên.

Buồn, bụi, bẩn – một trong những căn nguyên cơ bản là từ vô số các lò vôi. Không rõ đã có ai thống kê xem ngày đó cả cái thị xã nhỏ như lòng bàn tay ấy có tất cả bao nhiêu lò vôi và bình quân mỗi năm mỗi người dân nơi đây sản xuất mấy chục hay mấy trăm tấn vôi? Biết rằng rất nhiều lò vôi thủ công ở ngay những con phố trong lòng thị xã, lò vôi ở giữa các khu dân cư… ngày đêm đỏ lửa. Nhà nhà nung vôi, người người nung vôi. Đến nỗi, thị xã Ninh Bình được gọi vui là thành phố vôi.

Cái thời chưa xa ấy, người Ninh Bình năng động và cần mẫn mưu sinh một cách thô sơ như vậy. Và cái thời chưa xa ấy, nhiều người Ninh Bình tự phát, chỉ biết tận dụng tiềm năng quý của vùng núi đá vôi bằng cách phá đá… nung vôi một cách khó nhọc và hủy hoại thiên nhiên như vậy.

Có lẽ mọi chuyện gói gọn trong chữ: nghèo

Chuyện bất thành văn, nhiều người vẫn kể rằng, cái thời chung tỉnh lớn Hà Nam Ninh, Ninh Bình xa trung tâm tỉnh lỵ nên dẫu có muốn thì cũng khó có những điều kiện cần và đủ, khó hội đủ tâm huyết để Ninh Bình bật dậy. Kể thật công bằng thì, thời điểm ấy, Ninh Bình được xem là em út so với ông anh cả Nam Định. Khi ra ở riêng, đội ngũ cán bộ chủ chốt của Ninh Bình trở về bắt tay xây dựng quê hương – gần như tất cả là cấp phó của tỉnh lớn. Giàu con út, khó con út. Cơ ngơi công nghiệp khi đó đếm được trên đầu ngón tay: Nhà máy xi măng Hệ Dưỡng sản xuất theo công nghệ cũ, Xí nghiệp sản xuất rượu và nước chấm xì dầu cung ứng cho người dân trong vùng…

Bây giờ, một số người tâm huyết với Ninh Bình thì rằng: khó đấy, nghèo đấy nhưng mà may. Vì chậm phát triển nên Ninh Bình mới giữ được gần như nguyên vẹn tài sản vô giá mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này. May, vì người Ninh Bình bắt tay vào gây dựng cơ ngơi cho mình ngay từ đầu. Gây dựng từ đầu nên dễ toan tính, dễ quy củ, dễ  chuyên nghiệp và dễ đàng hoàng…

Xem ra cái lý ấy đúng nhưng chưa đủ.

Khi chia tách, Ninh Bình được xem là vùng đất giàu tiềm năng với 3 vùng địa hình khá rõ nét: vùng đồi núi, bán sơn địa với rừng tự nhiên và núi đá ở Nho Quan, Tam Điệp, Gia Viễn; vùng đồng bằng trù phú ở Yên Khánh, Yên Mô, Hoa Lư; vùng ven biển Kim Sơn (Núi Vàng) với 15km bờ biển. Do phù sa bồi đắp, mỗi năm đất Núi Vàng lấn ra biển hàng trăm mét và sau nhiều năm, người Ninh Bình lại lập làng, lại có thêm một địa bàn hành chính mới; lại rửa mặn, thau chua, cải tạo đất để có vùng đất bồi phì nhiêu, mầu mỡ ven biển Kim Sơn.

Cũng sau tái lập tỉnh không lâu, một kiểm kê khoa học cho thấy toàn tỉnh có gần 800 di tích danh thắng (trong đó gần một trăm danh thắng được xếp hạng quốc gia) với đủ các loại hình kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, tín ngưỡng tôn giáo… Trong đó có nhiều danh thắng nổi tiếng: Tam Cốc – Bích Động (được mệnh danh là Nam Thiên đệ nhị động), Nhà thờ đá Phát Diệm, Khu di tích đền thờ Vua Đinh - Vua Lê…

Có thể hình thành 3 vùng kinh tế rõ nét: kinh tế biển, kinh tế đồi rừng, kinh tế nông nghiệp; có tiềm năng phát triển du lịch - ngành công nghiệp không khói, nhưng tại sao sau nhiều năm tái lập, Ninh Bình vẫn nghèo? Năm đầu tái lập tỉnh, tổng thu ngân sách trên địa bàn khoảng 40 tỷ đồng, mà một nửa trong số đó từ nông nghiệp. Gần chục năm sau, ngân sách thu được cũng chỉ khoảng 150 tỷ đồng. Thời đó, tỉnh đã xác định rõ: từng bước đưa ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng trong nhiều năm vẫn lúng túng trong những phép tính cơ học rằng: có bao nhiêu lượt khách du lịch đến Ninh Bình? Tại sao khách du lịch chỉ đến và đi trong ngày mà không lưu trú tại địa phương? Và câu hỏi lớn nhất: tại sao một vùng đất giàu tiềm năng; một vùng đất đi đến đâu cũng gặp lịch sử, cũng nghe thấy truyền thuyết; chạm đến đâu cũng thấy danh thắng - lại có thể nghèo?

Toàn cảnh vùng Bái Đính, Ninh Bình Nguồn: giacngo.vn
 Toàn cảnh vùng Bái Đính, Ninh Bình                                                                   Nguồn: giacngo.vn

Câu trả lời là cả một câu chuyện dài và đầy lòng tự trọng của người Ninh Bình. Gây dựng cơ đồ cho mình, chắc chắn người Ninh Bình không thể đi theo lối đi của TP Hồ Chí Minh, không thể đi theo con đường của Hà Nội hoặc của bất kỳ tỉnh, thành phố nào, dù đó có thể là những con đường lớn, cũng có thể chỉ là những lối mòn. Trong hành trình 20 năm qua, có nhiều trăn trở về hướng đi, có lúng túng về cách làm, có eo hẹp về nguồn vốn và có cả sự phá sản của dự án kinh tế lớn vì chạy theo phong trào… Song người Ninh Bình biết khát vọng.  Có tài nguyên, có tiềm năng chưa bao giờ là đủ. Nhận ra tài nguyên, nhận ra tiềm năng, hiểu rõ tài nguyên và tiềm năng mà mình đang sở hữu cũng vẫn chưa đủ. Sau này, một chuyên gia đã nói với người Ninh Bình rằng, chúng ta đã tính đến một bài toán có tâm hơn với trời đất và có tầm hơn với quốc dân – xây dựng một nền kinh tế du lịch trên cơ sở phát huy tối đa tài nguyên thiên nhiên được  nhận ra. Bắt buộc phải tự hiểu mình để phát triển. Không làm ào ào. Không trống giong cờ mở kiểu phong trào. Tự trọng, cần mẫn và chắc chắn – đó là cách làm của những con người ở xứ sở được cho là đậm đặc cái đẹp và cái lạ của tài nguyên thiên nhiên này.

Có hai câu chuyện nhỏ về sự tự trọng, cởi mở và không phát triển bằng mọi giá. Chuyện thứ nhất: bàn tay của tạo hóa đã hào phóng đặt ngay giữa trung tâm thành phố Ninh Bình một hòn núi mà người Ninh Bình trìu mến đặt tên Ngọc Mỹ Nhân. Ngọn núi có hình dáng của một người con gái tóc xõa ngực trần. Nhưng tự hào bao nhiêu lại xót xa bấy nhiêu, bởi lịch sử để lại, nhiều chục năm qua, Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình nằm sát ngọn núi đẹp này. Ống khói Nhà máy lại càng sát Ngọc Mỹ Nhân hơn. Nếu ai đó đi từ phía Nam ra, theo Quốc lộ 1A sẽ chiêm ngưỡng được toàn bộ vẻ đẹp của nàng, nhưng chao ôi, nàng đang… hút thuốc. Cái ống khói Nhà máy điện chẳng khác gì điếu thuốc khổng lồ ngày đêm nhả khói. Chính vì xót xa như vậy nên mấy năm trước Ninh Bình kiên quyết từ chối dự án Nhà máy Nhiệt điện mới, dù có lời ì xèo, qua lại… Chuyện thứ hai: say vẻ đẹp thơ mộng, kỳ ảo của hang động Tràng An, khoảng gần chục năm trước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Xuân Thảo đã xông xáo theo cách chẳng giống ai, đứng ra đề xuất, gợi mở, bảo vệ những ý tưởng về bảo tồn, xây dựng để đưa khu sinh thái Tràng An lên vị trí Di sản thiên nhiên thế giới, xây dựng thành phố du lịch Hoa Lư thành trung tâm du lịch lớn của cả nước, chọn địa điểm để xây dựng ngôi chùa lớn nhất Việt Nam - chùa Bái Đính. Khi đó, Bí thư tỉnh ủy Phạm Minh Tuyên đã đáp từ ông Thảo một bức tâm thư đầy cảm xúc: ý kiến của anh gợi cho chúng tôi những vấn đề vừa cụ thể, vừa chi tiết, vừa có tính chiến lược nhằm xây dựng thị xã Ninh Bình thành thành phố du lịch trong tương lai. Tôi sẽ truyền đạt những ý tưởng tốt đẹp của anh tới Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các đồng chí lãnh đạo địa phương để nghiên cứu thực hiện… Mong anh tiếp tục gợi cho chúng tôi những cách làm mới; mong được anh cùng chúng tôi chuyển tải những ý tưởng như anh đã nêu tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương để tạo sự đồng cảm, sự quan tâm giúp đỡ nhiều hơn, hiệu quả hơn…

Người Ninh Bình trọng chữ tình, chân chất và không biết giấu dốt. Cũng có lẽ vì thế mà có đường hướng và đà làm ăn tốt cũng như cơ ngơi du lịch bề thế như hiện nay, người Ninh Bình vẫn nói trung ương, cả nước đã cùng nghĩ, cùng lo toan giúp Ninh Bình. Giờ đây, Ninh Bình đã dần khẳng định thương hiệu du lịch của mình. Số lượng khách du lịch đến Ninh Bình đã tăng 562 lần so với hồi mới tách tỉnh. Cùng với đó doanh thu từ hoạt động du lịch cũng đạt 655 tỷ đồng, tăng 725 lần so với 20 năm trước.

Ninh Bình đã quyến rũ và gợi cảm hơn rất nhiều. Người Ninh Bình đã và đang biết làm cho xứ sở của mình quyến rũ hơn, gợi cảm hơn…

***

Nếu ai đó nghĩ Ninh Bình 20 năm, không phải. 20 năm chia tách, 20 năm tái lập. Đây là vùng đất cổ, mà dấu ấn của con người đã có từ hơn 3 vạn năm trước. Không gian lịch sử, không gian văn hóa từ nghìn năm trước vẫn còn đậm đặc và hào sảng.  “Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo/ Hoa Lư đô thị Hán Tràng An”- đôi câu đối ở đền thờ Vua Đinh, tạm dịch: Nước Đại Cồ Việt sánh ngang niên hiệu Khai Bảo của nhà Tống, Kinh đô Hoa Lư như Kinh đô Tràng An của nhà Hán. Hơn nghìn năm trước, Hoa Lư là kinh đô của nước Đại Cồ Việt– nơi hình thành Nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên của Việt Nam. Với ý nghĩa khởi thủy như vậy, giờ đây, ngay tại bái đường đền thờ Vua Đinh, là một bức đại tự lớn: “Chính thống thủy”. Cố đô gắn với ba triều đại Đinh, tiền Lê và Lý với những truyền thuyết và câu chuyện lịch sử vừa lạ, vừa lý thú. Lạ, lý thú về Dương Vân Nga – hoàng hậu hai vua. Khi vua Đinh mất, con còn nhỏ, quân Tống lăm le thôn tính nước Đại Cồ Việt, lượng sức không đảm đương nổi việc nước, hoàng hậu Nhà Đinh đã lấy áo long cổn khoác lên mình Lê Hoàn, chính thức trao ngôi báu cho Lê Hoàn. Việc truất bỏ cơ nghiệp nhà Đinh, xây dựng nhà tiền Lê, trở thành hoàng hậu nhà tiền Lê của Dương Vân Nga, theo các nhà nghiên cứu lịch sử là việc làm hợp với lòng trời và lòng người khi đó, vì vận mệnh đất nước. Ngày nay, tượng thờ Dương Vân Nga đặt ở đền thờ vua Lê, nhưng mặt bà quay về hướng đền thờ vua Đinh. Và Cố đô huyền thoại vẫn còn con sông Sào Khê (có nghĩa là Suối Gốc) dài hơn 20 km uốn lượn mềm mại – đầu mối giao thông thủy quan trọng nhất ở kinh thành Hoa Lư xưa - là nơi luyện tập thủy quân của vua Đinh, vua Lê; là nơi đón tiễn các sứ thần Trung Quốc; là nơi đoàn thuyền của Lý Công Uẩn dời bến về Đại La để hôm nay có Thăng Long nghìn tuổi.                       

Ai bảo Dương Vân Nga không lạ, không cuốn hút? Ai bảo Suối Gốc không lạ, không cuốn hút? Và ai bảo không gian cũ dễ khám phá? Sẽ có một Ninh Bình mới, rất trẻ và thịnh vượng trên nền không gian cũ đầy cuốn hút. Vâng, thế thì Ninh Bình còn phải tiếp tục tự khám phá và tiếp tục biết trân trọng chính mình!

Ai bảo Ninh Bình không quyến rũ?

Ai bảo Ninh Bình tương lai không gợi cảm hơn?

 Các mục tiêu chủ yếu của Ninh Bình
đến năm 2015

- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm: 14%.

- Tốc độ tăng GTSX bình quân hàng năm (theo giá CĐ 1994): 15%. Cụ thể từng lĩnh vực: công nghiệp – xây dựng: 15% (trong đó công nghiệp 16%); dịch vụ: 19%;  nông, lâm nghiệp, thủy sản: 2,5%.

- Cơ cấu kinh tế (theo GDP, giá hiện hành): công nghiệp – xây dựng 48%;  dịch vụ 42%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 10%.

- GDP bình quân đầu người đến năm 2015 theo giá hiện hành: 50 triệu đồng.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân đạt 15.000 tỷ đồng/năm

- Sản lượng lương thực có hạt bình quân hàng năm: 48 vạn tấn trở lên

- Thu ngân sách đến năm 2015 đạt 4.200 tỷ đồng

- Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2015 đạt 300 triệu USD

- Khách du lịch đến năm năm 2015 đạt 6 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế 1 triệu lượt khách); khách lưu trú đến năm 2015 đạt 1 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế 350 nghìn lượt khách).

- Tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 (theo tiêu chí 2010): 100%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2015: Mầm non: 70%; Tiểu học (đạt chuẩn mức độ II): 50%; Trung học cơ sở: 70%; Trung học phổ thông: 40%.

- Số bác sỹ bình quân trên 1 vạn dân đến năm 2015: 8,9 bác sỹ. Mức giảm tỷ lệ sinh hàng năm: 0,2 0/00; Mức giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng bình quân hàng năm: 0,6%.

- Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đến năm cuối nhiệm kỳ: 40%

- Mỗi năm giảm bình quân 2,5% hộ nghèo trở lên theo tiêu chí hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 để đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn khoảng 7%

- Tỷ lệ xã được công nhận nông thôn mới đến năm 2015: 20% trở lên

- Tỷ lệ dân số thành thị được cung cấp nước sạch đến năm 2015 là 98%. Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến năm 2015 đạt trên 90%.

- Tỷ lệ diện tích đất có rừng che phủ đến năm 2015 đạt 20%.

- Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; chính quyền, đoàn thể cơ sở vững mạnh 85%; kết nạp đảng viên mới 2.500 người/năm (trong đó đảng viên là người có đạo 60 người).

Từ Hoa Lư đến Thăng Long

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, vùng đất và con người Ninh Bình đã để lại những dấu ấn đặc biệt. Đầu Công nguyên, Hai Bà Trưng dựa vào địa hình rừng núi Tam Điệp để chống lại quân Đông Hán do Mã Viện chỉ huy, tại đây nhân dân trong vùng đã cung cấp lương thảo, gia nhập nghĩa quân đánh giặc.

Những năm đầu thế kỷ X, Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền dựa vào dãy núi Tam Điệp đắp thành lũy để xây dựng và bảo vệ lực lượng miền Thanh Hóa, rồi tiến quân đánh thắng quân Nam Hán, lập chiến công vang dội ở Đại La năm 930, Bạch Đằng năm 938.

Vào nửa cuối thế kỷ X, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối vào năm 968, lập vương triều phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta, đặt tên nước Đại Cồ Việt, dựng kinh đô ở đất Hoa Lư, ban hành nhiều chính sách cách tân để xây dựng đất nước.

Những năm cuối thế kỷ X, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua lập vương triều nhà Lê (thay thế vương triều Đinh) trực tiếp thống lĩnh quân sỹ kháng Tống, bình Chiêm giữ vững nền độc lập và bờ cõi đất nước.

Tiếp theo nhà Lê, năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập ra nhà Lý. Tuy nhiên, Lý Thái Tổ thấy đất Hoa Lư, cố đô của Đại Cồ Việt chật hẹp, không thể mở mang làm chỗ đô hội được, bèn định dời đô về thành Đại La (hay La Thành), ngày nay là Hà Nội. Quyết định rời bỏ hẳn một kinh đô từ vùng núi non hiểm trở ra vùng đồng bằng có thể thấy bản lĩnh và tầm nhìn của vị Hoàng đế khai sáng ra triều Lý và Thủ đô Hà Nội ngày nay. Trong Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu), Lý Thái Tổ khẳng định quyết định dời đô không phải theo ý riêng như các cựu triều Đinh và Tiền Lê, mà để mưu việc lớn, thấy thuận tiện thì thay đổi. Cũng trong Chiếu dời đô, Ông còn viết Thăng Long là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.

Tháng 7 năm Thuận Thiên thứ nhất (năm 1010), Lý Thái Tổ khởi sự dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La. Khi ra đến Đại La, trông thấy có điềm Rồng Vàng bay lên trời nên đổi tên Đại La thành sang Thăng Long thành, tức là Thủ đô Hà Nội ngày nay.

 

 Ngọc Mỹ Nhân

Núi Ngọc Mỹ Nhân, còn có tên là núi Cánh Diều, là di tích lịch sử văn hóa nằm ở phía Đông thành phố Ninh Bình, thuộc địa phận phường Thanh Bình. Cũng giống như núi Non Nước, Ngọc Mỹ Nhân nằm gần bên bờ sông Đáy.

Ở trung tâm thành phố, trông núi có 3 đỉnh, đỉnh giữa cao, hai đỉnh tả hữu chĩa ra như cánh chim. Bên núi có chùa Cánh Diều và đền Thánh Cả, xung quanh núi có nhiều hang động u minh, dưới núi có sông ngầm xuyên thủy.

Theo truyền thuyết, Cao Biền, xưa là Tiết độ sứ, một pháp sư giỏi đời nhà Đường sang cai trị Việt Nam, thường cưỡi diều giấy đi dò phá long mạch nước Nam, khi bay đến đất Hoa Lư đã bị một đạo sỹ (do thần Thiên Tôn hóa thân) cùng nhân dân ở đây dùng tên bắn, Cao Biền bị trọng thương, diều gãy cánh rơi xuống núi này, từ đó núi mang tên Cánh Diều.

Núi cũng được gọi là Ngọc Mỹ Nhân vì đứng từ Quốc lộ 1A ở phía nam hoặc Quốc lộ 10 ở phía bắc cách thành phố Ninh Bình khoảng 3 – 5km nhìn hướng về trung tâm thành phố, du khách sẽ thấy dãy núi xanh thẫm hình một cô gái tóc xõa, mình trần nằm trên cánh đồng rộng mênh mông giữa thanh thiên bạch nhật. Với quan niệm Mẫu hệ, thì Ngọc Mỹ Nhân như là một biểu hiện phồn thực giữa vùng đồng bằng Bắc bộ. Năm 1821, Vua Minh Mạng (1820 - 1840) tuần du ra Bắc ghé thăm núi và cho khắc dòng chữ trên vách núi ở phía bắc, dịch là:

Dựng một nhà nhỏ nghỉ chân, khi lên núi xem thấy chùa tháp của sơn thành, cột buồm bến sông, cảnh đẹp như vẽ, cúi xuống giặt chiếc áo bụi đời.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ninh Bình - Một dự cảm tương lai vùng đồng bằng Bắc bộ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO