Thực hiện theo Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh, những ngày qua, các địa phương, đơn vị trong tỉnh Ninh Bình đã tăng cường kiểm tra, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, công trình thi công dở dang, rà soát quy trình vận hành thủy lợi bảo đảm chủ động khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng vật tư phòng, chống lụt bão.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương triển khai công tác ứng cứu tại những điểm xung yếu, nắm chắc thủy triều để mở cống cho nước cân bằng trong, ngoài đê.
Ghi nhận tại huyện Kim Sơn, địa phương được dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3, đến thời điểm sáng 7.9, toàn bộ 119 phương tiện, 267 thuyền viên đã về bờ neo đậu an toàn; toàn bộ 347 lao động tại 218 lều chòi khu vực đê biển Bình Minh 3 đến Cồn Nổi đã vào bờ tránh trú bão an toàn. Các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải đã thành lập các tổ tuyên truyền, vận động, thực hiện di dân khu vực ngoài đê biển Bình Minh 2 đến nơi tránh trú bão an toàn. Đồng thời, thành lập các chốt kiểm soát không để người dân đi ra ngoài đê biển Bình Minh 2 cho đến khi bão tan.
Riêng đối với công tác tiêu nước đệm, đã triển khai vận hành 27 máy bơm tiêu tại 8 trạm; 44 cống dưới đê; 12 cống hồ… huy động máy móc, thiết bị khơi thông dòng chảy đảm bảo sẵn sàng tiêu úng kịp thời cho lúa mùa và cây trồng cạn khi mưa lớn gây ngập úng.
Các địa phương cũng đã chủ động rà soát diện tích lúa Mùa, cây màu để đánh giá khả năng chịu úng và chỉ đạo tiêu nước đệm ứng phó với mưa lớn. Đối với diện tích nuôi trồng thủy sản, chỉ đạo kiểm tra, gia cố bờ ao, cống ao, kiểm tra chất lượng nước ao nuôi, chuẩn bị sẵn sàng các phương án xử lý kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của bão.
Đối với huyện Nho Quan, hiện có có 42,6 km đê sông, 61,5 km đê bao, 78 trạm bơm, 38 hồ lớn, nhỏ với trữ lượng nước trên 20 triệu m3. Về sản xuất nông nghiệp, huyện hiện có gần 5.000 ha lúa và rau màu chưa thu hoạch, trong đó diện tích lúa vùng trũng có nguy cơ bị ngập úng cao là trên 500 ha. Huyện đã tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê; phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các vị trí đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục; các công trình đang thi công theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với bão số 3.
Còn tại các điểm du lịch bến thuyền Tràng An, trước ảnh hưởng khó lường của cơn bão số 3, Sở Du lịch đã tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, các chủ đầu tư, Ban quản lý các khu, điểm du lịch, các hãng lữ hành có biện pháp cảnh báo, thông tin để du khách nắm bắt tình hình về cơn bão. Tạm thời ngừng hoạt động các chương trình, tuyến du lịch đi qua hang động, khu vực sông, hồ; chủ động phòng ngừa các tai nạn, tình huống xấu có thể xảy ra.
Trước diễn biến phức tạp của bão Yagi, thành phố Tam Điệp đã chủ động xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp với bão. Theo đó, thành phố chỉ đạo phường Yên Bình, Tân Bình và xã Yên Sơn chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và tài sản, thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình bão, mưa lũ, thông tin kịp thời để Nhân dân chủ động các biện pháp phòng tránh.
Về phương án phân luồng giao thông trong trường hợp Quốc lộ 1A bị ngập úng cục bộ, UBND thành phố đã giao Công an thành phố xây dựng phương án riêng và bố trí lực lượng hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông bằng ô tô di chuyển qua tuyến cao tốc Bắc - Nam. Đối với các phương tiện bằng mô tô và xe máy, di chuyển theo các tuyến đường nội thành.
Kiểm tra công tác ứng phó với bão tại các địa phương, lãnh đạo tỉnh lưu ý: Ninh Bình là địa phương có nguy cơ xảy ra lũ quét và ngập úng cao do hoàn lưu bão. Chính vì vậy, việc xây dựng kịch bản ứng phó cần phải được triển khai ở mức cao nhất, song song với thường xuyên cập nhật tình hình của bão, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tránh tâm lý chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo và trong Nhân dân. Cùng với đó, lãnh đạo chủ chốt các cấp triển khai trực 24/24 giờ để kịp thời chỉ đạo ứng phó với các tình huống. Đặc biệt, những địa bàn xung yếu, nguy cơ cao, cần chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện vật chất, hậu cần, vừa thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, vừa điều phối trên toàn tỉnh theo phương châm tập trung cao cho các vùng trọng điểm.
Đồng thời, đề nghị các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Phát huy cao nhất các phương tiện thông tin đại chúng, đài truyền thanh, mạng xã hội để tuyên truyền, vận động người dân, cán bộ ở tất cả các địa bàn, đặc biệt là địa bàn trọng yếu.
Ngoài ra, cần đề cao cảnh giác, chủ động phòng tránh, phòng ngừa, ứng phó với bão. Cần rà soát phương tiện tại chỗ tại tất cả các địa phương, đặc biệt ưu tiên bố trí cho các địa bàn xung yếu, bám sát, nắm chắc địa bàn, theo dõi diễn biến của thời tiết, đường đi của cơn bão. Tập trung chỉ đạo sát sao, nhất là phương án tiêu úng ứng phó với hoàn lưu bão. Mưa bão, ngập úng sẽ tiềm ẩn nguy cơ các doanh nghiệp xả thải ra môi trường, do đó, lực lượng công an cần tăng cường giám sát, tuyên truyền vận động, bảo đảm các doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường…