Ninh Bình khắc phục "vùng trũng" về hạ tầng giao thông
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh triển khai hàng loạt công trình trọng điểm để hoàn thiện hạ tầng giao thông nhằm kết nối vùng và mở ra dư địa, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trước mắt và dài hạn.
Nhiều tuyến đường chưa được kết nối đồng bộ
Xác định giao thông đi trước một bước để tạo dư địa cho các ngành kinh tế phát triển, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã huy động tối đa các nguồn vốn từng bước đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, các chỉ tiêu quy hoạch về kết cấu hạ tầng giao thông cơ bản đã đạt được. Giai đoạn này, ngành giao thông vận tải thực hiện các dự án trọng điểm đầu tư cải tạo: xây mới tuyến cao tốc Bắc Nam qua tỉnh Ninh Bình, nâng cấp 2 tuyến quốc lộ (QL 1 tránh TP. Ninh Bình, QL 12B), xây dựng đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình, đường Bái Đính - Ba Sao - Mỹ Đình, tổng chiều dài đường được xây dựng, nâng cấp khoảng 100km đạt quy mô từ cấp III đồng bằng trở lên, với tổng kinh phí hơn 8.000 tỷ đồng, bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Quang Minh cho biết.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, một số địa bàn như Nho Quan, Yên Mô, Kim Sơn... vẫn còn nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư, mở rộng ngành nghề phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân chính do nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng còn hạn chế, giao thông đi lại không thuận lợi. Đơn cử tại huyện miền núi Nho Quan, tuy có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng và dư địa mở rộng thu hút đầu tư song lâu nay Nho Quan vẫn được coi là “vùng trũng” về hệ thống cơ sở hạ tầng, kết cấu hạ tầng giao thông còn chưa đồng bộ, nhất là những xã miền núi, vùng cao như: Phú Long, Kỳ Phú, Cúc Phương...
Khảo sát của các cơ quan chuyên môn cũng cho thấy, một số tuyến đường tỉnh kết nối các huyện khu vực phía Nam tỉnh Ninh Bình những năm trước đây chưa được đầu tư đồng bộ, như tuyến đường: ĐT 482 kết nối 4 địa phương TP. Ninh Bình, Yên Khánh, Kim Sơn, Yên Mô, tuyến đường T21 trên địa bàn TP. Ninh Bình, tuyến đường kết nối QL 12B với QL 21B đoạn từ cầu Tu đến cầu Cọ, huyện Yên Mô...

Hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng
Với quyết tâm đưa Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10 ngày 14.12.2021 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là cơ sở chính để xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách tạo đột phá mới, thúc đẩy phát triển vùng. Tiêu biểu trong số các dự án hạ tầng giao thông giai đoạn này phải kể đến dự án xây dựng tuyến đường Đông - Tây. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Ninh Bình Phạm Quốc Chính - đơn vị được UBND tỉnh giao làm Chủ đầu tư cho biết: Đây là dự án trọng điểm của tỉnh nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch tuyến Kim Sơn - Nho Quan; kết nối tuyến đường cao tốc Bắc - Nam (nút giao Đồng Giao), rút ngắn thời gian di chuyển và tiếp cận ngay với đường cao tốc Bắc - Nam đối với các vùng khó khăn về giao thông (Tam Điệp, Nho Quan).
Trong điều kiện hiện nay, việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường hành lang Đông - Tây kết nối liên vùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ với huyện Nho Quan mà cả đối với tỉnh Ninh Bình. Bởi đây sẽ là khu vực trọng điểm để tỉnh thu hút đầu tư mở rộng diện tích đất công nghiệp mà không ảnh hưởng đến không gian bảo tồn di sản phục vụ mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh.
Đồng thời, tuyến đường này cũng có vai trò quan trọng kết nối các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, các khu du lịch, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại khu vực TP. Tam Điệp, huyện Nho Quan và các vùng phụ cận; tạo không gian, quỹ đất thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.
Để tiếp tục mở ra dư địa phát triển, thu hút đầu tư vào những khu vực khó khăn, ngay từ đầu giai đoạn 2020 - 2025, HĐND tỉnh đã phê duyệt Chủ trương đầu tư và lập dự án triển khai khởi công xây dựng một số tuyến đường giao thông quan trọng, huyết mạch. Các tuyến đường có tính chất kết nối vùng, liên vùng, phát triển mở rộng không gian đô thị, kết nối các khu du lịch, điểm du lịch như: Đường vành đai phát triển kinh tế phía Nam tỉnh Ninh Bình kết nối Cúc Phương, Nho Quan - Đồng Giao, Tam Điệp - Yên Thắng, Yên Mô và Bình Minh, Kim Sơn (Đường Đông - Tây); Tuyến đường phát triển kinh tế kết nối thành phố Ninh Bình, huyện Yên Mô, huyện Yên Khánh và huyện Kim Sơn, giảm tải cho QL 10 (các tuyến đường tỉnh ĐT 482); Cầu sông Vân và đường T21 (đường Lê Duẩn)... với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian, dư địa mới cho các vùng khó khăn.
Cùng với đó, giai đoạn 2021 - 2030, công tác quy hoạch ngành giao thông đang được xây dựng đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Ninh Bình cũng tranh thủ các nguồn lực tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, chú trọng lồng ghép các chương trình, dự án, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để từng bước hoàn chỉnh hệ thống đường đến cấp xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn - ông Nguyễn Quang Minh cho biết.
Tuy nhiên, để bảo đảm kết nối giao thông thuận tiện, hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng, mở ra dư địa phát triển kinh tế - xã hội, hơn lúc nào hết, tỉnh Ninh Bình cần nhanh chóng hoàn thành và thực hiện Quy hoạch chung của tỉnh làm căn cứ, cơ sở tiếp tục thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh - quốc phòng.