Bước chuyển từ “nâu” sang “xanh”
Về cố đô Hoa Lư - vùng đất địa linh nhân kiệt những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận rõ không khí đón Xuân rộn ràng, vui tươi trên khắp các miền quê. Năm 2023, kinh tế - xã hội của Ninh Bình tiếp tục có sự bứt phá mạnh mẽ, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, ngành du lịch đã gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng.
Với tinh thần không ngừng đổi mới, sáng tạo và bản lĩnh vượt khó, tự lực, tự cường được xây dựng, bồi đắp qua nhiều thế hệ, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình tự tin, đoàn kết, cùng kề vai sát cánh, chung sức, đồng lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024; sớm hiện thực hóa khát vọng trở thành “Đô thị di sản thiên niên kỷ”, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình PHẠM QUANG NGỌC
Nếu như trước kia, muốn thoát nghèo, nhiều người dân Ninh Bình phải vào núi phá đá, đốt vôi bán lấy tiền trang trải cho cuộc sống. Song chính công việc này lại tạo nên sức ép cho công tác quản lý môi trường, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Đứng trước bài toán, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, Ninh Bình đã quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Đó là một quá trình bền bỉ, thực sự là quyết định đúng đắn.
Chia sẻ về chiến lược phát triển du lịch của địa phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc cho biết: Sở hữu khối di sản văn hóa đồ sộ, phong phú, Ninh Bình đã kiên định thực hiện xuyên suốt nhiều thập kỷ mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa mối quan hệ giữa văn hóa, kinh tế, môi trường và xã hội. Mở đầu là Nghị quyết số 03-NQ/TU năm 2001 về phát triển du lịch đến năm 2010. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên về phát triển du lịch, trong đó xác định chuyển hướng chiến lược phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, chuyển từ công nghiệp vật liệu xây dựng sang phát triển du lịch. Để đáp ứng nhu cầu phát triển thực tiễn, thêm 3 nghị quyết đã được ban hành. Cụ thể: Nghị quyết số 15-NQ/TU năm 2009 về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02-NQ/TU năm 2016 về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 07-NQ/TU năm 2021 về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045.
“Để Nghị quyết không chỉ là những nội dung trên giấy; những chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết không thể chỉ là những chỉ tiêu, đầu việc “vẽ ra cho có”..., người đứng đầu cấp ủy các cấp phải là tiên phong thấm nhuần Nghị quyết, phải “truyền lửa” để mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân đồng thuận trong tư duy và hành động. Tiếp đó, Ninh Bình liên tục ban hành những chủ trương, chính sách quan trọng nhằm huy động nguồn lực quản lý, bảo tồn, phát huy di sản; đầu tư hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông minh…” - Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh.
Xác định văn hóa là nguồn lực quan trọng hàng đầu, du lịch là thế mạnh nổi trội, thời gian qua, Ninh Bình đã không ngừng đầu tư tu bổ, phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Mới đây nhất, tỉnh đã tổ chức thành công Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ II, năm 2023 với chủ đề: “Sắc màu di sản - Hội tụ và lan tỏa”. Việc đổi mới cách thức tổ chức Festival lần này cho thấy quyết tâm của tỉnh về phát huy vai trò to lớn của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Và thật tự hào khi Ninh Bình đang là một trong những điểm du lịch “bậc nhất”, hấp dẫn du khách trong, ngoài nước. Minh chứng, năm 2023, lượng khách đến Ninh Bình cán mốc trên 6,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 6.500 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2022.
Có thể thấy, bao thế hệ người dân Cố đô Hoa Lư đều có chung khát vọng về con đường phát triển nhưng làm sao không đánh mất bản sắc văn hóa và di sản vô giá mà cha ông đã ngàn đời vun bồi, lưu giữ. Những quyết sách về du lịch của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình qua các nhiệm kỳ đã biến những khát vọng của người dân thành hiện thực. "Trái ngọt" của những nghị quyết về phát triển du lịch Ninh Bình chính là biến vùng đất này trở thành miền di sản. Từ một nền kinh tế thuần nông, quy mô nhỏ, đến nay vươn lên thành địa phương có thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 12 cả nước, tự cân đối ngân sách và có điều tiết về Trung ương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 7,27%, cao hơn mặt bằng chung cả nước. Đặc biệt, các ngành dịch vụ phát triển mạnh mẽ, nhất là dịch vụ du lịch với giá trị GRDP tăng 13,23% so với năm 2022, là năm thứ 2 liên tiếp có tốc độ tăng trưởng cao với hai con số, tiếp tục tác động lan tỏa thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Đây cũng là động lực tăng trưởng chính của tỉnh trong năm 2023.
Phát huy giá trị nổi bật toàn cầu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới
Từ nay đến cuối nhiệm kỳ là giai đoạn hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đang tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức; rà soát những chỉ tiêu chưa đạt hoặc đạt thấp để đề ra các giải pháp phù hợp và quyết tâm thực hiện có hiệu quả.
Để vững bước trên chặng đường phía trước, Ninh Bình đang tận dụng cơ hội phát triển được tạo lập sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, cộng hưởng với những xu hướng phát triển chung, nỗ lực phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành tỉnh khá vào năm 2030, cơ bản đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2035. Đồng thời, đặt quyết tâm xây dựng Ninh Bình thành cực tăng trưởng phía Nam đồng bằng sông Hồng; hình mẫu tiêu biểu phát triển chất lượng cao, kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời, xác lập một “đỉnh” của tam giác đô thị Hà Nội - Hải Phòng - Ninh Bình theo nguyên tắc cân bằng và đối trọng, dựa trên phát huy tính chất, chức năng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa tầm quốc gia và quốc tế.
Đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp hoàn thành các mục tiêu đặt ra, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc cho biết: Ninh Bình đã và đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao nhất. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, với mô hình phát triển “xanh”, lấy du lịch làm mũi nhọn, lấy công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế di sản làm đột phá, lấy công nghiệp công nghệ cao làm động lực, nông nghiệp làm trụ đỡ. Đồng thời, định hình đồng bộ hệ sinh thái phát triển cho từng sản phẩm chủ lực, tối đa hóa giá trị đặc sắc, thương hiệu, năng lực cạnh tranh theo định hướng phát triển kinh tế di sản, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số; phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn; bảo vệ môi trường sinh thái. Mặt khác, phát triển đô thị văn minh, hiện đại với trọng tâm là đô thị di sản thiên niên kỷ.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc khẳng định: Ninh Bình sẽ tiếp tục tập trung phục dựng, bảo tồn, phát huy di sản cố đô Hoa Lư và phát huy giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An. Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch và dịch vụ; coi trọng văn hóa cơ sở, xây dựng nếp sống văn minh. Tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế; bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, tổ chức hợp lý không gian, phân vùng chức năng; phát triển bền vững hệ thống đô thị; phát triển hài hòa giữa các vùng, miền, giữa đô thị và nông thôn; xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao và kiểu mẫu; đổi mới bộ mặt kiến trúc, cảnh quan hiện đại, giàu bản sắc; xây dựng hạ tầng kết cấu đồng bộ, hiện đại gắn với khai thác và sử dụng quỹ đất…