Ninh Bình: Giải quyết kịp thời chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
Nhằm hỗ trợ người lao động thất nghiệp được thụ hưởng đúng quyền lợi, sớm quay trở lại thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình đã thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết nhanh chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động… Qua đó, bảo đảm quyền lợi chính đáng, giảm bớt khó khăn cho người lao động khi mất việc.
Nhiều giải pháp hỗ trợ lao động thất nghiệp
Trong 6 tháng đầu năm 2023, do gặp khó khăn về đơn hàng, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn tiếp diễn tình trạng cắt giảm giờ làm, ngừng tăng ca, không tái kí hợp đồng lao động mới, tạm hoãn hợp đồng lao động chờ đơn hàng...đặc biệt là tại các đơn vị, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may, điện tử, chế biến gỗ, giày da.

Theo số liệu thống kê từ Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 42.000 nghìn lao động đang làm việc tại 73 doanh nghiệp ở các khu công nghiệp của tỉnh. Tính đến tháng 6.2023, toàn tỉnh Ninh Bình có 21 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động (tăng 5 doanh nghiệp so với quý I năm 2023) với tổng số công nhân lao động bị ảnh hưởng là trên 20.000 người. Trong đó, số lao động bị giảm giờ làm là 19.788 người, số lao động bị chấm đứt hợp đồng lao động là 669 người.
Ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã tiếp nhận trên 3.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Trong đó có 2.894 trường hợp đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định với tổng số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp là trên 40,5 tỉ đồng.
"Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉ lệ người làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp đã tăng gấp đôi so với thời điểm trước đó, trung bình mỗi ngày Trung tâm tiếp khoảng gần 200 lượt người tới làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp" - ông Tùng cho hay.
Nhằm hỗ trợ giúp người lao động thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động, trong thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình luôn đẩy mạnh nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp.
Nhiều hình thức tư vấn, hướng đến chuyển đổi số phù hợp với người lao động như: Tư vấn trực tiếp; tư vấn trực tuyến qua mạng internet, thư điện tử, thông qua hội thảo, hội nghị… và các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh…
Cùng với đó, công tác thu thập thông tin về thị trường lao động cũng được chú trọng. Qua đó, để nắm bắt, cập nhật tình hình biến động thị trường lao động, khai thác vị trí việc làm trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh để tư vấn, giới thiệu cho người lao động. Đồng thời cung cấp thông tin về thị trường lao động cho người sử dụng lao động, góp phần điều hòa thị trường lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Ngoài ra, Trung tâm cũng đã chủ động phối hợp với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm
Để tăng hiệu quả của chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến được nhiều người lao động hơn nữa, trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục tổ chức và đa dạng hóa các hình thức hoạt động thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo cho người lao động đủ điều kiện đều được tham gia bảo hiểm thất nghiệp…

Bên cạnh giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, công tác tư vấn, giới thiệu, kết nối việc làm cũng luôn được đẩy mạnh song song. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cung cấp thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp, tư vấn cho lao động thất nghiệp biết và tham gia ứng tuyển.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng đã chủ động, linh hoạt triển khai nhiều biện pháp nhằm kết nối cung - cầu lao động. Từ đầu năm tới nay, Trung tâm đã tiếp nhận hàng chục nghìn chỉ tiêu việc làm do các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng.
Ngoài tổ chức tuyển dụng lao động trực tiếp tại sàn giao dịch, Trung tâm cũng tổ chức các phiên giao dịch việc làm dưới hình thức trực tuyến; đăng thông tin tuyển dụng lên các website để người lao động trực tiếp trao đổi với nhà tuyển dụng…
Với nhiều giải pháp thực hiện, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động (đạt 51% kế hoạch năm). Nửa cuối năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời rà soát, tổng hợp nhu cầu việc làm của người lao động để tư vấn, định hướng đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động…