Ninh Bình đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số
Những kết quả nổi bật trong công tác chỉ đạo điều hành, nâng cao nhận thức, phát triển hạ tầng và dữ liệu số là tiền đề quan trọng để Ninh Bình đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.
Phổ cập kỹ năng số, phát triển nhân lực số
Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, các bộ, ngành Trung ương, năm 2024, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ về phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Cụ thể, hàng loạt văn bản đã được ban hành, gồm 1 nghị quyết, 13 quyết định, 13 kế hoạch, 2 thông báo, 1 báo cáo và 5 văn bản chỉ đạo điều hành về thúc đẩy chuyển đổi số. Đặc biệt, Nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua Đề án chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025 cùng Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, Kế hoạch hành động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số năm 2024, đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các hoạt động.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh cũng đã kịp thời cụ thể hóa các chỉ đạo từ Trung ương, phối hợp tổ chức thành công Diễn đàn “Chiến lược dữ liệu cho phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình”.

Ninh Bình đang tập trung xây dựng, trình HĐND tỉnh dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2026 - 2030 và Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết...
Xác định nhận thức đóng vai trò quyết định trong thành công của chuyển đổi số, "muốn chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi nhận thức”, Ninh Bình triển khai quyết liệt các giải pháp nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân.
Theo đó, tỉnh đã tổ chức Lễ ra quân tuyên truyền chuyển đổi số với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ, ứng dụng để phát triển kinh tế số”, mang chuyển đổi số đến gần hơn với người dân.
Hiện tại, Ninh Bình có hơn 700 công chức, viên chức chuyên trách/kiêm nhiệm về công nghệ thông tin, quản trị mạng và chuyển đổi số. Đáng chú ý, toàn tỉnh có 1.679 Tổ công nghệ số cộng đồng với 8.529 thành viên, đóng góp quan trọng vào việc phổ cập kỹ năng số đến cộng đồng.
Tập trung vào hạ tầng và dữ liệu số
Hạ tầng và dữ liệu số đóng vai trò quan trọng, là nền tảng và động lực then chốt trong quá trình chuyển đổi số. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, 100% cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến xã đã thiết lập mạng nội bộ (LAN); 100% công chức cấp tỉnh, 90% cấp huyện, xã có máy tính phục vụ công vụ; 100% cơ quan Đảng, Nhà nước sử dụng đường truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD).
Trung tâm Dữ liệu tỉnh đã cơ bản hoàn thành các cấu phần chính; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) đã kết nối với nền tảng quốc gia và phát huy hiệu quả với số lượng giao dịch đạt cao.

Về hạ tầng bưu chính, viễn thông: 7 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông. Tổng số trạm phát sóng di động mặt đất (BTS) đạt 2.407 trạm, trong đó có 37 trạm 5G. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng internet đạt 90,5% và tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh đạt 91%. 100% xã, phường, thị trấn có điểm phục vụ bưu chính, khu vực trung tâm được triển khai mạng internet băng rộng và có sóng di động 4G.
Dữ liệu số là trung tâm của mọi hoạt động chuyển đổi số, được coi là "tài nguyên vàng", "dầu mỏ mới" của nền kinh tế số. Nhằm phát triển dữ liệu số, tỉnh đã xây dựng và đưa vào khai thác, vận hành Cổng dữ liệu mở (open data portal), đồng thời tích cực triển khai Kho dữ liệu dùng chung và Nền tảng điện toán đám mây dùng riêng.
Các sở, ban, ngành, thành phố, huyện đẩy nhanh tiến độ triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ về chuẩn hóa, làm sạch các cơ sở dữ liệu của Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; việc kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đang được tập trung thực hiện theo đúng lộ trình…
Thời gian tới, theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình, tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, là giải pháp đột phá thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.