Niềm vui ngắn hay dài?

- Thứ Bảy, 21/12/2013, 08:33 - Chia sẻ
Càng gần cuối năm, giá lúa gạo trong nước và xuất khẩu càng tăng mạnh, tuy nhiên, đà tăng này không thực sự bền vững và nông dân vẫn không được lợi nhiều diễn biến này.

Trang thông tin chuyên nghiên cứu và phân tích thị trường lúa gạo thế giới www.oryza.com ngày 19.12 cho biết, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam chào bán gạo 5% tấm với giá 410 – 420 USD/tấn, đồng giá với  Ấn Độ, trong khi đó, Thái Lan chào bán chỉ 390 - 400 USD/tấn (đối với gạo 100%B của Thái Lan, tương đương gạo 5% tấm của Việt Nam và gạo 5% tấm của  Ấn Độ). Trước đó ít ngày, giá chào xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và vượt qua cả Thái Lan,  Ấn Độ để lần đầu tiên trong năm  trở thành quốc gia có giá chào xuất khẩu cao nhất thế giới (trong số 3 quốc gia bán nhiều gạo là  Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan). Niềm vui quả thực đầy đặn hơn khi nhìn lại những tháng đầu năm nay, giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn nằm ở nhóm cuối trong số 3 quốc gia bán gạo nhiều nhất thế giới hiện nay (gồm  Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan) và có lúc thấp hơn của Thái Lan đến 120 – 130 USD/tấn. Ở trong nước, diễn biến thị trường lúa gạo cũng theo đà tích cực, giá lúa tăng bình quân khoảng 230 - 240 đồng/kg, giá gạo tăng bình quân đến 350 đồng/kg và hiện đã vượt lên mức giá cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Nhưng niềm vui có kéo dài hay không lại là chuyện khác. Nhiều ý kiến cho rằng, giá gạo tăng thực ra chỉ là hoàn cảnh xô đẩy, do nước ta đã ký được hợp đồng xuất khẩu sang Philippines 500 ngàn tấn gạo, với Cuba 50 ngàn tấn trong tháng 11. Còn việc tăng giá nhờ đột phá ở khâu chất lượng thì chúng ta tiếp tục phải chờ đợi trong tương lai.

Dù vậy, sau những hợp đồng lớn này, khả năng thiếu nguồn gạo xuất khẩu đã ngay lập tức xuất hiện. Đầu tháng này,  Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phải nhóm họp bàn giải pháp cân đối để có đủ nguồn gạo cung ứng cho đơn hàng 500.000 tấn vừa trúng thầu tại Philippines. Với tình hình hiện tại, VFA nhận định việc phải giao một khối lượng gạo khá lớn trong vòng 1 tháng là thách thức đối với doanh nghiệp. Một nguồn tin cho biết đến đầu tháng 12 này, lượng gạo tồn kho còn khá thấp và rất có thể đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam còn rất ít gạo gối đầu cho năm sau. Nhận định này cũng phù hợp với tình hình thực tế thị trường đang diễn ra. Dù không có công bố chính thức về guyên nhân lúa gạo nội địa đột ngột thiếu hụt so với nhu cầu xuất khẩu, nhưng theo nhận định có thể do việc bán gạo sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch tăng đột biến, hơn cả triệu tấn so với năm ngoái - một con số kỷ lục từ trước đến nay.

Một điều đáng nói nữa là tuy diễn biến tình hình xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm đang tăng, có lợi cho cả doanh nghiệp và nông dân sản xuất lúa, tuy nhiên, số hộ được lợi trực tiếp từ việc tăng giá không có bao nhiêu vì diện tích lúa chưa thu hoạch còn rất ít. Bộ NN và PTNT cho biết, tính đến cuối tháng 11.2013, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ còn 150.000 ha lúa vụ thu đông (lúa vụ 3) chưa thu hoạch (trong tổng số 800.000 ha). Trong khi đó, phải 2 tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch vụ lúa đông xuân sớm 2013 - 2014. Với phần diện tích lúa chưa thu hoạch còn lại, toàn vùng ĐBSCL hiện chỉ còn khoảng 750.000 tấn lúa hàng hóa (năng suất bình quân 5 tấn/ha). Số hộ nông dân còn trữ lúa lại chờ giá cũng hầu như không có bởi trước đó, khi thu hoạch xong họ đã ngay bán lúa tươi tại ruộng. Điều này đồng nghĩa hiện sản lượng lúa hàng hóa lưu thông đã không còn nhiều. Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco Trần Thanh cho biết, các doanh nghiệp không còn lúa gạo trong kho nên đẩy mạnh việc thu mua trong dân nhưng vẫn khan hàng.

Dự đoán thị trường lúa gạo thế giới trong năm tới vẫn trầm lắng, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần có những tính toán, chính sách hỗ trợ cho người trồng lúa và doanh nghiệp; đồng thời, cần tăng cường xúc tiến thương mại cấp Chính phủ, tạo điều kiện ký các hợp đồng tập trung lớn để dẫn dắt giá gạo xuất khẩu.

Hà Lan