Niềm vui của người trồng chè La Bằng
Mới đây, người trồng chè La Bằng (Thái Nguyên) liên tiếp đón những tin vui khi 2 hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn được trao tặng nhà mới để an cư, lạc nghiệp. Cùng với đó, chính quyền địa phương, tổ chức, doanh nghiệp đồng hành cũng đã tập huấn phát triển vùng nguyên liệu bền vững cho người trồng, thanh niên khởi nghiệp, đại diện hợp tác xã, doanh nghiệp gắn bó với cây chè địa phương, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thị trường thay đổi từng ngày.
Niềm vui an cư
Với diện tích canh tác gần 400ha, La Bằng đã được biết đến là một trong những vùng nguyên liệu chè nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên. Cây chè là mũi nhọn kinh tế của xã, nhờ chè mà đời sống người dân từng bước được cải thiện; hiện, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn khoảng 1,1%. Dù vậy, trên địa bàn cũng có những hoàn cảnh khó khăn; có những căn nhà tạm, nhà dột nát cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng, doanh nghiệp và các mạnh thường quân.
Chồng mất từ lâu, bà Nguyễn Thị Lợi - công nhân của HTX Chè La Bằng, một mình nuôi con ăn học, rồi lại tiếp tục một mình vất vả làm lụng nuôi cháu ngoại khi con gái đi làm xa. “Cháu ngoại còn quá nhỏ, không thể để ở nhà một mình. Đi làm hay đi đâu tôi đều dắt cháu theo. Cũng may cháu ngoan, cứ chơi tha thẩn bên cạnh bà để bà làm việc”, bà Lợi chia sẻ.
.jpg)
Ở tuổi 60, hoàn cảnh hết sức khó khăn, bà Lợi chưa từng nghĩ đến chuyện sẽ có một ngôi nhà mới để 2 bà cháu yên tâm trú mưa, trú nắng dù ngôi nhà cũ đã xập xệ, xuống cấp. Thế rồi, niềm mong mỏi cả cuộc đời bất ngờ đến với bà Lợi khi chính quyền địa phương, HTX Chè La Bằng và doanh nghiệp mạnh thường quân đã hỗ trợ xây mới lại căn nhà cho hai bà cháu. Đón nhận căn nhà kiên cố với diện tích 50m2, bà Lợi như vỡ òa vì giấc mơ an cư đã thành hiện thực.
Cùng với bà Lợi, ông Dương Văn Nam cũng được đón nhận ngôi nhà mới trong đợt trao tặng này. Bản thân có diện tích canh tác chè ít, sức khỏe yếu lại một mình chăm sóc mẹ già khi vợ đi làm ăn xa nên hoàn cảnh của ông Nam rất khó khăn. Căn nhà ông đang ở đã xuống cấp nhiều năm nay nhưng không có tiền để sửa chữa. Nay được sự hỗ trợ của doanh nghiệp xây sửa lại căn nhà trở nên khang trang, chắc chắn, ông Nam không còn mất ăn, mất ngủ mỗi khi trái gió, trở trời.
Đại diện lãnh đạo xã La Bằng cho biết: Lễ trao tặng nhà mới cho hai hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn nằm trong Chương trình thí điểm tập huấn phát triển vùng nguyên liệu chè bền vững tại địa phương do Trung tâm Bồi dưỡng và Đào tạo truyền thông số tổ chức dưới sự chủ trì của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thái Nguyên và doanh nghiệp đồng hành. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Quyết định số 539/QĐ- TTg tháng 6/2024.
Đưa cây chè vươn xa
Cũng theo lãnh đạo xã La Bằng cho biết, toàn xã hiện có gần 400 ha chè và là vùng nguyên liệu nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên với sản phẩm chè thơm ngon, đạt chuẩn chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 4 sao. Với riêng HTX Chè La Bằng, thành lập năm 2006 dưới sự dẫn dắt của bà Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, HTX hiện đã phát triển từ 13 thành viên ban đầu lên gần 200 hộ dân liên kết, quản lý vùng nguyên liệu 30ha (20ha VietGAP, 10ha hữu cơ và 6ha có mã vùng trồng).

Việc HTX Chè La Bằng chủ động áp dụng VietGAP từ năm 2012 và mạnh dạn chuyển hướng sang canh tác hữu cơ đã cho thấy tầm nhìn xa và tinh thần cầu thị trong quá trình hoạt động. Nhờ vậy, HTX nhận được nhiều giải thưởng; đặc biệt, là việc sản phẩm Đinh Tâm Trà được lựa chọn làm quà tặng quốc gia tại Hội nghị Cấp cao APEC 2017 và chứng nhận OCOP 4 sao cho Thanh Hải Trà, là những minh chứng không thể thuyết phục hơn về chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu của HTX.
Dù đạt những kết quả phát triển đáng ghi nhận với cây chè địa phương, nhưng lãnh đạo xã La Bằng cũng nhìn nhận, để nâng cao giá trị sản phẩm, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ và thương mại điện tử là vô cùng cấp thiết. Do đó, việc triển khai mô hình HTX - Doanh nghiệp - Nông dân tại La Bằng kỳ vọng được kỳ vọng sẽ trở thành hình mẫu tham chiếu cho các vùng nguyên liệu khác trong cả nước, góp phần nâng tầm ngành chè Việt Nam trên trường quốc tế.
Tham gia Chương trình thí điểm tập huấn phát triển vùng nguyên liệu chè bền vững, anh Nguyễn Văn Hòa (27 tuổi, thanh niên khởi nghiệp với sản phẩm chè La Bằng) cho biết: Được tập huấn phát triển chè bền vững từ kỹ thuật trồng chè, chế biến, an toàn lao động, đến kỹ năng bán hàng qua TikTok, các kênh online... đã mở ra cơ hội để anh và người trồng chè địa phương tiếp cận kiến thức mới và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thị trường thay đổi từng ngày.
Dù đã 58 tuổi, nhưng bà Nguyễn Thị Lan (người dân xã La Bằng) tham gia khóa học rất tích cực và tìm ra hướng đi mới cho hoạt động kinh doanh bằng cách mở rộng kênh online. Theo bà Lan, các chuyên gia đã chỉ ra những lợi thế của bản thân mà chính bà không nhận ra đó là kinh nghiệm với nghề, người thực, việc thực tại địa phương – là điều rất hấp dẫn với người mua hàng online ở xa.