Niềm vui của đồng bào!

- Chủ Nhật, 17/10/2021, 06:00 - Chia sẻ
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025 vừa được Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phê duyệt. Theo đó, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào… Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ rất vui, nếu như mục tiêu này sớm trở thành hiện thực.

Trong những năm qua, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Nhiều chính sách đã được ban hành góp phần cải thiện đời sống của đồng bào. Tuy nhiên, sự chênh lệch phát triển kinh tế - xã hội giữa khu vực miền núi và các khu vực khác vẫn còn khá lớn. Đây là vấn đề mà trong nhiều nhiệm kỳ qua, không ít đại biểu Quốc hội vẫn còn băn khoăn, trăn trở.

Nhận định về vấn đề này, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, đại biểu Quốc hội (Đoàn Thị Lê An) Cao Bằng cho rằng, các tỉnh miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay vẫn còn là khu vực nhiều khó khăn nhất. Đây là khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, thu nhập bình quân đầu người thấp nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất…

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến điểm nghẽn phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi thời gian qua. Đó là giao thông đi lại khó khăn, diện tích đất canh tác hạn chế, người dân còn thiếu tư liệu sản xuất. Theo thống kê, hiện nay, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khoảng 58.000 hộ thiếu đất ở, đất sản xuất. Trên 300.000 hộ thiếu nước sinh hoạt. Trình độ dân trí chưa đồng đều, chất lượng nhân lực thấp. Ngoài ra, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, dù được ban hành kịp thời nhưng một số chính sách dành cho khu vực này vẫn còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Thậm chí, có những chính sách được ban hành nhưng lại thiếu nguồn lực để triển khai thực hiện, dẫn đến có lúc chính sách bị “treo”. Những điểm “nghẽn” này cần được tháo gỡ kịp thời.

Để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết. Trong đó có Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong Nghị quyết số 120/2020/QH14, Quốc hội giao Chính phủ tập trung nguồn lực đầu tư để giải quyết các vấn đề bức thiết của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo thứ tự ưu tiên, đến năm 2025, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu...

Và gần đây nhất, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia và Dự án quan trọng quốc gia, Quốc hội đã quyết định bố trí 100.000 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Quốc hội quy định rõ, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 50.000 tỷ đồng.

Việc Quốc hội ban hành hàng loạt nghị quyết, trong đó có quy định rõ ngân sách dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho thấy, Quốc hội rất chủ động, và luôn dành chính sách ưu tiên đối khu vực còn không ít khó khăn này. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Để nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống, đồng bào sớm thụ hưởng được chính sách, đòi hỏi Chính phủ khẩn trương chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, dự án. Tuy nhiên, để chính sách không bị “treo”, việc xây dựng các chương trình, dự án cần được tính toán thận trọng, kỹ lưỡng, “liệu cơm gắp mắm” để bảo đảm tính khả thi. Và đặc biệt, cần giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình triển khai các chương trình, dự án. Có như vậy, nguồn lực đầu tư mới không bị lãng phí, thất thoát; chính sách mới đến đúng đồng bào được thụ hưởng.

Hà An