Niềm tin và khí thế mới

- Thứ Ba, 26/01/2021, 05:08 - Chia sẻ
Trao đổi với báo chí, PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC THÀNH ỦY HÀ NỘI NGUYỄN THỊ TUYẾN nhận định, những thành tựu của nhiệm kỳ Khóa XII có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo niềm tin, khí thế mới cho đất nước phát triển trong giai đoạn tới. Tin tưởng Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ thành công tốt đẹp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng nêu rõ, Thành ủy Hà Nội sẽ chỉ đạo xây dựng các chương trình công tác, nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, kế hoạch, đề án theo từng lĩnh vực, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, cấp bách, đột phá, khâu yếu, việc khó, theo thời gian để triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đề ra.

Nhiều dấu ấn nổi bật

- Bà đánh giá như thế nào về những thành tựu mà đất nước đã đạt được trong nhiệm kỳ Khóa XII?

- Trong nhiệm kỳ vừa qua, đất nước ta đã gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và sự quản lý, điều hành của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục tăng, bình quân ở mức 6%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực, thế giới. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp, 3,15%, giảm mạnh so với mức 7,7% của giai đoạn trước, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, mức độ chống chịu của nền kinh tế được cải thiện đáng kể...

Chúng ta tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, thống nhất, đồng bộ; công tác tổ chức, thi hành pháp luật và ý thức thượng tôn pháp luật ngày càng được nâng cao. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng; thực hiện tốt các chính sách người có công, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; chủ động đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu, thực chất hơn.

Đặc biệt trong bối cảnh vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì, phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2020, chúng ta đã thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ, sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và sự chung tay chung sức, chung lòng của toàn dân, thể hiện truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.

Có thể nói rằng, đất nước trải qua những khó khăn nhưng cũng có những thời cơ và chúng ta đã cơ bản hoàn thành tất cả các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra. Theo tôi, những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo niềm tin, khí thế mới cho đất nước phát triển. Có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các địa phương và đặc biệt là sự nhất trí, đồng lòng, hưởng ứng rất cao của Nhân dân cả nước.

-  Theo bà, Thủ đô Hà Nội đã đóng góp như thế nào vào thành tựu chung đó của cả nước?

- Cùng với các địa phương khác trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô đã nghiêm túc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hà Nội đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố bằng 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và 8 chương trình công tác lớn.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, kinh tế Thủ đô đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch tích cực; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh được cải thiện. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 7,39%; GRDP bình quân đầu người đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 gấp 1,64 lần giai đoạn 2011 - 2015. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả vượt bậc, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 25 tỷ USD, gấp 3,9 lần giai đoạn 2011 - 2015. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 55 triệu đồng, gấp 1,36 lần so với năm 2016. Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại hơn.

Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt nhiều kết quả tích cực. Giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đạt kết quả quan trọng; tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia năm 2020 đạt 75%, hoàn thành kế hoạch sớm 2 năm. Phát triển khoa học và công nghệ được đẩy mạnh. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có nhiều đổi mới và tiến bộ. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đúng, đủ và kịp thời. Trong nhiệm kỳ, đã xây dựng 10.000 nhà ở cho người có công, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 7.565 nhà ở cho hộ nghèo. Tiếp tục giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện của Trung ương diễn ra trên địa bàn thành phố.

Tập trung vào khâu yếu, việc khó

- Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên địa bàn Thủ đô đã được triển khai như thế nào trong nhiệm kỳ vừa qua, thưa bà?

- Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng tại Hà Nội được triển khai thực hiện đồng bộ, đạt nhiều kết quả quan trọng. Thành phố đã cụ thể hóa những vấn đề lớn về xây dựng Đảng trong Khóa XII như, cụ thể hóa vấn đề về công tác tổ chức cán bộ. Từ Quyết định số 105-QĐ/TW, ngày 19.12.2017 quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử của Bộ Chính trị thì thành phố đã cụ thể hóa bằng Quyết định số 03 quy định rất rõ về thẩm quyền, trách nhiệm các cấp quản lý cán bộ; quan tâm tới công tác quản lý đảng viên, đánh giá, phân loại tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên chức, người lao động.

Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng cũng hết sức được quan tâm; công tác phòng, chống tham nhũng được chú trọng. Chính vì vậy mà những vụ việc được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ủy quyền cho các cơ quan tư pháp của Hà Nội triển khai và tổ chức xét xử đều bảo đảm tính minh bạch, công khai, đúng pháp luật. Chúng tôi cũng rất quan tâm tới vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao chất lượng, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị, trong vấn đề tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia giám sát, phản biện xã hội.

- Để đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng, mục tiêu và định hướng nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội trong giai đoạn 2021 - 2025 là gì, thưa bà?

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu tổng quát: Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300 - 8.500 USD.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000 - 13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Để thực hiện mục tiêu trên, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố xác định 5 định hướng lớn; 3 khâu đột phá để tập trung thực hiện và xác định rõ 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020 - 2025. Thành ủy Hà Nội triển khai xây dựng 10 chương trình công tác lớn để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Tới đây, căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương và tình hình thực tế, yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cụ thể, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo xây dựng các chương trình công tác, nghị quyết chuyên đề, chỉ thị, kế hoạch, đề án theo từng lĩnh vực, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, cấp bách, đột phá, khâu yếu, việc khó, theo thời gian để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

 - Xin cảm ơn bà!

Quỳnh Chi ghi