Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và đối với cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không phải tự nhiên mà có, nó được hun đúc từ thực tiễn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhân lên gấp bội niềm tin
Phát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, cùng với hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ,... khiến nền kinh tế - xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, rất gay gắt, nặng nề. Nhưng “với ý chí, quyết tâm cao và tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt", Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đảng ta, Đất nước ta vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện và đáng mừng trên nhiều lĩnh vực.
Niềm tin của Nhân dân không chỉ dựa vào quyết tâm chính trị của Đảng mà chủ yếu từ kết quả thực hiện. Thể hiện sinh động nhất từ sau Đại hội XIII đến nay, Tổng Bí thư của Đảng nêu rõ: Về kinh tế - xã hội, chúng ta đã cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhận định: Việt Nam là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6 - 6,5%, và là mức tăng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; tăng trưởng GDP trong quý I năm 2023 tuy chỉ đạt 3,2% so với cùng kỳ, nhưng theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, thì cả năm Việt Nam vẫn có thể đạt từ 6 đến 6,5%... Đặc biệt là, kinh tế vĩ mô vẫn cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức 4%; các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm; thị trường tài chính - tiền tệ vẫn cơ bản ổn định.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chăm lo. Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế và xã hội; kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng chính sách, từng bước đi. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục củng cố, tăng cường thế trận lòng dân; chủ động, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để an dân, phát triển đất nước.
Niềm tin của Nhân dân được nhân lên còn nhờ quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và kết quả trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Trong đó, Đảng xác định gốc của mọi vấn đề là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Từ đó, đã tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước đối với các sai phạm, trên tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; và không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào", được Nhân dân đồng tình ủng hộ.
Phụng sự lợi ích của Tổ quốc, Nhân dân
Niềm tin của Nhân dân cũng có thể giảm sút hoặc mất đi nếu Đảng không “tự soi”, “tự sửa” hoặc làm việc không hiệu quả. Bên cạnh những ưu điểm, kết quả đã đạt được, người đứng đầu của Đảng thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế, yếu kém tồn tại. Trong đó, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tổ chức thực hiện một số chính sách phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội có lúc, có nơi còn chậm. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rút ra 5 bài học kinh nghiệm lớn trong nửa đầu nhiệm kỳ Khóa XIII về việc đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách, lề lối làm việc của Đảng. Đó là những bài học về thực hiện thật các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; về xây dựng kế hoạch đến hàng tuần và làm việc theo kế hoạch; về tập trung ưu tiên ban hành đồng bộ và có chất lượng cao hơn nữa thể chế của Đảng, Nhà nước; về phát huy cao độ tính gương mẫu, tinh thần nêu gương, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng; nghiêm túc tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình và phải hết sức tránh tình trạng "Chân mình còn lấm bê bê; Lại cầm bó đuốc đi rê chân người!".
Tổng Bí thư của Đảng lưu ý các cấp, các ngành, địa phương không được chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được, cũng không quá bi quan, dao động trước những khó khăn, thách thức. Đồng thời, nhấn mạnh cần phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, phát huy thật tốt những kết quả, bài học kinh nghiệm đã có, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tập trung ưu tiên triển khai thực hiện thật tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế; về văn hóa, xã hội; về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị và chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Tổng Bí thư của Đảng nhắc nhở, lưu ý rằng: “... có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không; có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho Nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của Đại hội.”, mới chứng minh hành động của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”.