Niềm hoài vọng Châu Phi

- Thứ Tư, 14/10/2020, 20:09 - Chia sẻ
“Châu Phi nghìn trùng” - tác phẩm ra đời từ những trải nghiệm cá nhân nhưng lại mở ra một vùng đất rộng lớn... Qua cuốn hồi ức, châu Phi hiện lên lạ lùng trong mối tương giao giữa cái bản địa và thực dân da trắng, từ góc nhìn khác biệt, không khinh khi, xa cách, mà ẩn chứa tình yêu.

Isak Dinesen là bút danh của Karen Christenze Blixen - tác giả cuốn sách “Out of Africa”, tên tiếng Việt là “Châu Phi nghìn trùng”, vừa được NXB Phụ nữ  Việt Nam giới thiệu. Cuốn hồi ức ra đời từ những năm tháng bà sống tại châu Phi (1914 - 1931) tại một đồn điền cà phê rộng 4.000 mẫu Anh gần Nairobi.

Cuốn hồi ức ra đời từ những năm tháng Blixen sống tại một đồn điền cà phê ở châu Phi

“Châu Phi nghìn trùng” gồm 5 phần. Hai phần đầu tập trung mô tả cư dân bản xứ với những quan niệm lâu đời, độc đáo về công lý cũng như sự trừng phạt. Phần ba, các vị khách của đồn điền, chuyển sang khắc họa tuyến nhân vật tìm đến tá túc ở nhà Blixen. Phần bốn trích sổ tay một người nhập cư, bao gồm những ghi chép ngắn phản ánh đời sống của một thực dân da trắng tại châu Phi. Cuối cùng, phần năm khép lại dòng hồi ức: Đồn điền lụn bại, vài thân hữu của Blixen như thủ lĩnh Kinanjui, vận động viên Denys Finch-Hatton ra đi vĩnh viễn.

Duyên cớ nào đã đưa Blixen tới miền đất Kenya bấy giờ thuộc về Anh, để rồi về sau viết nên cuốn hồi ức này? Trong bối cảnh các đế quốc châu Âu tranh nhau xâu xé lục địa châu Phi hồi đầu thế kỷ XX, năm 1913, Karen Blixen cùng chồng rời quê hương Đan Mạch đặt chân đến đây, cai quản đồn điền cũng như nhân công bản xứ: dân bộ lạc Kikuyu. Năm 1925, đôi vợ chồng chia tay nhau, Blixen đảm đương toàn bộ điền sản. Nữ điền chủ coi sóc trang trại quy mô lớn một cách độc lập, và có mối quan hệ thân tình với con người châu Phi. Bà không ngại chữa bệnh cho dân bản xứ, mở lớp học buổi tối cho trẻ em, cố gắng lắng nghe và phân xử những sự vụ xảy ra trên vùng này...

Đáp lại, người châu Phi cũng yêu quý, tin tưởng Blixen, từ Farah Aden, anh đầy tớ người Somali đã gắn bó với bà trong suốt quãng thời gian Blixen ở châu Phi; chú nhóc Kamante thuộc bộ lạc Kikuyu “sống thui thủi giống con thú bị ốm” nhưng lại dành cho Blixen thiện chí khó phai mờ; đến ngài Kinanjui - vị thủ lĩnh tối cao cai quản hơn 100.000 dân Kikuyu... 

Nhà văn Karen Christenze Blixen (1885 - 1962)

Blixen khép lại cuốn hồi ức bằng một chương buồn, về thiên nhiên khắc nghiệt và những giây phút lực bất tòng tâm của con người. Kết cục chẳng thể tránh khỏi, Blixen buộc phải bán đồn điền rồi trở về Đan Mạch. Tại đây, bà bắt đầu viết lại - niềm mê thích từng bị ngăn cấm thời trẻ. Năm 1934, bà cho xuất bản tuyển tập truyện ngắn, sau đó năm 1937 là cuốn hồi ức “Châu Phi nghìn trùng”, được in lần đầu bằng tiếng Anh, lập tức gây tiếng vang lớn ở Mỹ rồi châu Âu. Tới nay, cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Âm hưởng chung của toàn bộ cuốn hồi ức là niềm hoài vọng châu Phi, ký ức sống động trên từng trang sách. Tác giả chọn cách hành văn gần gũi, mạch phi - tuyến tính làm mờ trật tự thời gian càng gợi nên khoảng cách “nghìn trùng” giữa Blixen và châu Phi, làm nỗi nhớ thêm day dứt.

Thái Minh