Nhượng bộ?

Long Hoàng 06/07/2011 07:18

Có vẻ như bất kỳ sự bá quyền nào cũng đi kèm với chính sách tiêu chuẩn kép. Một mặt Mỹ có những đồng minh thân cận trong thế giới Ảrập; mặt khác quốc gia này lại luôn được ví với quỷ Satan và cần phải bị tiêu diệt bởi những tổ chức khủng bố Hồi giáo. Đã từ lâu người ta quen thuộc với hình ảnh khủng bố và chống khủng bố giữa Mỹ và các tổ chức cực đoan này.

Nhưng giờ đây, có vẻ “quỷ Satan” đã có được một cách tiếp cận thông minh hơn với “những chiến sĩ tử vì đạo” sau nhiều thập kỷ.  Phát biểu tại Budapest, Hungary mới đây, Ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết Mỹ đang tìm cách liên lạc với các thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo Ai Cập trước cuộc bầu cử vào cuối năm nay, cũng như với tổ chức Hồi giáo Ennahda của Tunisia. Nói chuyện với các phóng viên, Ngoại trưởng Clinton cho biết: “Chúng tôi tin rằng, trong bối cảnh thay đổi môi trường chính trị tại Ai Cập, Hoa Kỳ có lợi ích trong việc tham gia với tất cả các đảng phái có ý định tranh cử vào Quốc hội và ghế Tổng thống với mục đích hòa bình, và cam kết bất bạo động”.

Đây rõ ràng là bước đi thông minh của Washington. Từ hàng thập kỷ nay, nhiều tổ chức Hồi giáo tồn tại với tôn chỉ duy nhất là chống lại Mỹ. Và cũng trong ngần ấy thập kỷ, Mỹ đã đối phó lại bằng cách đưa các tổ chức này vào danh sách “ngoài vòng pháp luật”. Nhưng hiệu quả của chính sách này không được như mong muốn. Sự phủ nhận của nước Mỹ không làm cho các tổ chức chính trị Hồi giáo suy yếu, mà ngược lại, những tổ chức này còn trở nên mạnh mẽ hơn và trở thành các đảng phái chính trị được tổ chức tốt nhất như ở tại Ai Cập hay Tunisia. Hơn thế nữa, một chính sách thù địch từ Mỹ lại càng khiến cho động lực chống Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn và đương nhiên là chống cả những chính quyền độc đoán thân Mỹ.

Nhưng giờ đây, khi công khai thừa nhận các tổ chức này như những đảng phái có khả năng “tranh cử vào Quốc hội hay ghế Tổng thống”, tức là có khả  năng lãnh đạo đất nước trong tương lai, Mỹ rõ  ràng đã lựa chọn một chính sách đối ngoại khác hẳn. Ai Cập hay Tunisia đều là những đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Phi. Khi thừa nhận tổ chức Anh em Hồi giáo hay Hồi giáo Ennahda cũng tức là Mỹ  ngầm cho thấy nước này sẵn sàng “bắt tay” các tổ chức này nếu họ thành công trong cuộc bầu cử sắp tới. Khi không có được lựa chọn tốt nhất, hãy hài lòng với lựa chọn tốt thứ hai. Rõ ràng chủ nghĩa hiện thực đang chiếm ưu thế trong bộ máy điều hành của Mỹ.

Đương nhiên là tuyên bố trên của bà Hillary đã gây ra những phản ứng tiêu cực từ những người bảo thủ ở Washington. Viện Chính sách Cận đông ở Washington mới đây đã tuyên bố tổ chức Anh em Hồi giáo là “lực lượng chính trị mà nếu thành công sẽ gây tổn hại cho nước Mỹ”.

Nhưng khủng hoảng kinh tế và những rắc rối từ hai cuộc chiến tranh liên tiếp đã khiến nước Mỹ không còn hùng mạnh như trước. Giờ không phải là lúc của những tiêu chuẩn kép kiểu “dân chủ cho tất cả trừ những kẻ Hồi giáo cực đoan”. Phát biểu tại Cairo hồi tháng sáu năm 2009, Tổng thống Obama đã tuyên bố: “nước Mỹ tôn trọng quyền được tự do ngôn luận của mọi tiếng nói hòa bình và tuân thủ luật pháp trên khắp thế giới, ngay cả khi không cùng quan điểm. Nước Mỹ cũng chào đón mọi chính phủ hòa bình do bầu cử  nếu họ có được sự tôn trọng từ người dân của mình”.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama tiếp tục, “chính phủ của nhân dân, do nhân dân đặt ra một tiêu chuẩn duy nhất cho tất cả những người nắm giữ quyền lực: duy trì quyền lực thông qua sự đồng thuận, chứ không phải cưỡng chế; tôn trọng quyền của thiểu số, và tham gia với một tinh thần khoan dung và thỏa hiệp, đặt lợi ích của người dân và các hoạt động hợp pháp của tiến trình chính trị ở trên đảng phái của bạn”.

Ngoại trưởng Clinton cũng đã nhắc lại những điều kiện này, nhấn mạnh rằng trong bất kỳ liên lạc nào với các đảng Hồi giáo, Mỹ “sẽ tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguyên tắc dân chủ và đặc biệt là cam kết bất bạo động, tôn trọng các quyền dân tộc thiểu số, và quyền của phụ nữ trong bất kỳ nền dân chủ nào.” Điều đó cho thấy, Mỹ vẫn còn những e ngại một khi các tổ chức Hồi giáo này lên cầm quyền sẽ đưa ra các chính sách độc đoán và không theo các tiêu chuẩn dân chủ của Mỹ.

Nhưng dù thế nào, công việc của Mỹ hiện tại vẫn chỉ là ủng hộ và thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ tại Ai Cập và Tunisia, chứ không phải “chọn mặt gửi vàng” cho một tổ chức có nhiều khả năng thắng cử. Điều đó nằm ngoài khả năng của Mỹ lúc này. Nước Mỹ cần phải dựa vào các cải cách kinh tế và chính trị để tạo nền tảng cơ bản cho các thể chế minh bạch trong tương lai, chứ không chỉ đơn thuần là lựa chọn ai sẽ lên cầm quyền một đất nước ở Trung Đông nữa. Chú Sam cũng phải thích nghi dần với việc một chính phủ thắng cử trong điều kiện như vậy sẽ có những quan điểm trái ngược, thậm chí là thù địch với mình. Nếu thật sự muốn thúc đẩy dân chủ ở khu vực này, đó là lựa chọn duy nhất - không tiêu chuẩn kép và không bá quyền.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nhượng bộ?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO