Vì Một Việt Nam Khỏe Mạnh
Trong 15 năm qua, Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khỏe, cụ thể như tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng từ 73,3 tuổi lên 73,7 tuổi; các chỉ số về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em ngày càng được cải thiện; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi cũng giảm từ 33,9% năm 2007 xuống còn 18,9% năm 2022...
Nhưng chúng ta sẽ không vì những thành tựu bước đầu đó mà bỏ qua thực tế rằng chất lượng sống của người dân còn nhiều hạn chế: số năm sống với bệnh tật nhiều dù tuổi thọ trung bình cao so với các nước cùng mức sống. Trung bình một người Việt có đến 10 năm sống trong bệnh tật, mắc 3-4 bệnh ở tuổi trên 60… Tình trạng thừa cân, béo phì cũng gia tăng ở mức báo động. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 7,4% (9,8% ở thành thị, 5,3% ở nông thôn) và 19% ở trẻ em lứa tuổi học sinh. Tỷ lệ người trưởng thành thừa cân béo phì là 19% vào năm 2020.
Bên cạnh đó là sự gia tăng các nguy cơ bệnh tật từ môi trường khi môi trường sống ở Việt Nam nhiều nơi bị ô nhiễm nặng, ý thức giữ gìn vệ sinh chung, riêng của người dân còn hạn chế. Các thói quen, hành vi có lợi cho sức khỏe chưa được quan tâm, thực hiện thường xuyên.
Việc thiếu hụt các hành lang pháp lý quản lý các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng với sức khỏe, sức khỏe tâm thần, quản lý bệnh không lây nhiễm…đang rất báo động hiện nay đã đang đặt ra thách thức không nhỏ cho hệ thống y tế.
Những tồn tại, bất cập càng chống chất khi Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã ban hành từ năm 2007, đến nay đã 18 năm chưa được sửa đổi, không còn phù hợp với tình hình xã hội hiện tại, làm giảm hiệu quả của công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm. Đơn cử như việc hiện tại đã xuất hiện rất nhiều bệnh truyền nhiễm mới như SARS, cúm A/H1N1, MERS-CoV, bệnh do virus Zika, Covid-19, đậu mùa khỉ… càng thúc giục việc sửa đổi, bổ sung Luật để quản lý các bệnh truyền nhiễm được linh hoạt hơn, tăng khả năng ứng phó khi có dịch bệnh mới xảy ra.
Không chỉ vậy, nhận thức của người dân tại một số nơi về bệnh truyền nhiễm và các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm còn nhiều hạn chế; đội ngũ cán bộ y tế dự phòng còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao, cơ cấu cán bộ chưa hợp lý; một số địa phương chưa thực hiện dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng.
Hơn lúc nào hơn, việc cần xây dựng một đạo luật đảm bảo bao phủ việc quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện hơn cho nhân dân đang là một yêu cầu cấp thiết.
Hướng đến mục tiêu hoàn thiện quản lý và nâng cao chăm sóc sức khỏe toàn dân
Ngày 23/4/2024, Bộ Y tế đã có tờ trình số 235/TTr-BYT trình Chính Phủ đề nghị xây dựng Dự án Luật Phòng bệnh. Đây là động thái cho thấy sự khẩn trương và quyết tâm của Bộ Y Tế trong việc hướng đến mục tiêu“Nâng cao sức khỏe cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng sống của người Việt Nam” như được Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã thông qua trong Nghị quyết số 20/-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Bộ Y Tế thống nhất quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh, y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng.
Xây dựng Dự án Luật Phòng bệnh nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe trên cơ sở kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành về phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta và bổ sung các quy định nhằm khắc phục các khoảng trống pháp luật để tạo hàng lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động dự phòng và nâng cao sức khỏe.
Đồng thời cũng khuyến khích và huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội từ hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước đến mọi người dân và các tổ chức xã hội dân sự vào công tác dự phòng và nâng cao sức khỏe; Bảo đảm tính dự báo trong tương lai, dự liệu những quan hệ xã hội nảy sinh liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe, bên cạnh đó phải phù hợp, hài hòa với xu hướng pháp luật quốc tế trong xu thế hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.
5 chính sách được Bộ Y Tế đưa ra trong dự án xây dựng Luật phòng bệnh bao gồm:
Chính sách thứ nhất: Bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng nguy cơ có dịch
Chính sách thứ hai: Dinh dưỡng với sức khỏe.
Chính sách thứ ba: Phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần.
Chính sách thứ tư: Phòng, chống bệnh không lây nhiễm.
Chính sách thứ năm: Quản lý sức khỏe đối với người dân.
Việc hoàn thiện xây dựng và ban hành Luật Phòng bệnh càng sớm sẽ càng tạo điều kiện cho người dân được đảm bảo chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện hơn, hệ thống y tế được trang bị đầy đủ hơn về hành lang pháp lý, các quy định, chính sách để đảm bảo vận hành trơn tru và hiệu quả hơn, từ đó giúp nâng cao sức khỏe cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng sống của người Việt Nam”