Những vệt cây màu xám

30/04/2020 08:43

Mối nhân duyên của vị cựu binh người Mỹ Ted Engelmann với Việt Nam không biết bắt đầu từ đâu. Có lẽ là từ nỗi ám ảnh của người lính 20 tuổi ngồi trên chiếc máy bay của không quân Hoa Kỳ rải chất độc màu da cam xuống vùng Biên Hòa, khiến cả một khu vực rừng rộng lớn bị hủy diệt, những vệt cây màu xám trải dài nhiều dặm đầy chết chóc khiến Ted hoảng sợ. Trong phút luống cuống, ngón tay ông che mất một phần ống kính nhưng tất cả đều hiện rõ trên bức ảnh in ra...

Mục đích duy nhất là “tồn tại để được về nhà”

Tháng 2.1989, Ted Engelmann đến Hà Nội trong lần đầu tiên trở lại Việt Nam kể từ sau chiến tranh. Khi ấy, rất ít cựu binh Mỹ dám làm điều đó. Dường như chấn thương tâm lý của người Mỹ sau cuộc chiến ở Việt Nam vẫn còn quá lớn. Những dư chấn vẫn ám ảnh ký ức về thời thanh xuân, một thời tuổi trẻ đầy hoài bão và ước mơ nhưng bị chôn vùi dưới nòng súng và bom đạn. Câu chuyện của Ted bắt đầu từ cái ngày định mệnh sau khi tốt nghiệp cấp 3 và được lệnh nhập ngũ, đứng trước hai lựa chọn: Hoặc làm lính hàng không, hoặc làm lính thủy. “Tôi quyết định trở thành lính hàng không, vì tôi không muốn phải ra chiến trường. Tôi nghĩ rằng, làm lính hàng không, công việc của tôi sẽ là lái máy bay, chứ không phải cầm súng”. Quyết định như vậy, Ted tự nhủ nhiệm vụ này sẽ trôi qua nhanh thôi, trong vòng một năm, cậu sẽ trở về nhà. 

“Ký ức Việt Nam của Ted” là tên buổi gặp gỡ, giao lưu giữa Ted Engelmann với các bạn trẻ ở Hà Nội cuối năm 2019. Như bao cuộc trò chuyện khác mà cựu phi công Mỹ đã thực hiện nhiều năm qua, từng lời kể của Ted đan xen với những bức ảnh mà ông luôn mang theo bên mình - những bức ảnh gói ghém một phần ký ức đau thương thời chiến, chất chứa nhiều tâm tư chưa thể nói hết bằng lời. 
Tháng 3.1968, Ted Engelmann được phái sang Việt Nam, không thể ngờ chỉ trong một năm ấy đã tạo ra bước ngoặt, thay đổi bao nhiêu suy nghĩ, bao nhiêu mục tiêu của đời mình. Lúc ấy, Ted trực thuộc đội không quân kiểm soát hỗ trợ sư đoàn bộ binh số 1 thuộc lữ đoàn 3 của Mỹ ở vùng Lai Khê, cách Sài Gòn 35 dặm về phía Tây Bắc, với công việc chính là phát hiện, kiểm soát và thông báo cho các phi công địa điểm thả bom. Những người lính Mỹ được trang bị rất nhiều súng, đạn - vũ khí của chiến tranh, nhưng vẫn không tránh khỏi nỗi lo sợ mình có thể chết. 

“Dù rằng tôi đang lái xe hay trên máy bay, tôi vẫn sợ rằng có thể đây là lần cuối mình được sống, có thể đây là lần cuối nhìn ngắm bầu trời này, hít thở không khí này. Đa phần lính Mỹ xung quanh tôi đều ở độ tuổi 19, đôi mươi, chúng tôi đều còn rất trẻ, và chiến tranh là một thứ gì đó hoàn toàn xa lạ. Một suy nghĩ thường trực trong đầu là tại sao, tại sao chúng tôi lại ở đây, chiến tranh là gì, điều gì sẽ diễn ra?... Một năm mà thật dài. Ai trong số chúng tôi cũng chỉ mong nó chóng qua. Mục đích duy nhất của chúng tôi khi thực hiện nhiệm vụ đó là tồn tại để được về nhà” - Ted nói.

Những người lính trẻ không nhìn thấy hoài bão, giấc mơ trong những lần được giao nhiệm vụ thả bom. Nhưng họ nhìn thấy một điều rất rõ ràng, rằng hành động của mình có thể gây ra bao nhiêu cái chết cho người vô tội. Lúc ấy, các phi công luôn có trong tay hai bản đồ, một dùng để xác định khu nhà dân và một chỉ điểm nơi giấu vũ khí. “Ban chỉ huy yêu cầu thả bom theo vị trí tấm bản đồ thứ nhất, nhưng họ không biết rằng họ chẳng bao giờ đạt được mục đích, bởi nhóm lính chúng tôi bảo nhau thả bom theo tấm bản đồ thứ hai” - Ted  chia sẻ. “Bởi vì chúng tôi chưa từng muốn giết người, càng không muốn nhân danh cho bất kỳ điều gì để biện hộ cho hành động này. Không có lý do gì để thả bom xuống những khu vực có trẻ em và phụ nữ sinh sống. Chúng tôi không muốn giết chết các gia đình. Đó là lý do mà lực lượng của chúng tôi luôn tìm cách tránh những nơi đó. Nếu cấp trên biết việc này, có lẽ chúng tôi đã phải vào tù”.

Khi được cử đến Việt Nam, trong túi quần của chàng lính Mỹ trẻ luôn mang theo chiếc máy ảnh nhỏ. Cha của Ted là một nhà báo nhiếp ảnh nên cậu đã học được nhiều kỹ thuật chụp hình, in ảnh từ nhỏ. Chiếc máy chỉ cần hai ngón tay để sử dụng, vì vậy, Ted có thể vừa làm việc, vừa chụp hình, chụp khi đang lái xe, chụp khi ở trên máy bay... “Dù ở đâu, bạn cũng chẳng thể biết chỗ mình đang đứng có thực sự an toàn không, bởi nguy hiểm luôn rình rập. Với chiếc máy ảnh đó, tôi đã nhanh chóng chụp lại xung quanh, khi quả bom rơi xuống tàn phá mọi thứ, sự hoang tàn chết chóc bao trùm... và cả những ám ảnh bên trong chính con người tôi nữa”. 


Vết thương lâu lành

Ted kể, ông đã chụp được những khoảnh khắc yên bình, những cánh đồng và rừng xanh... Đó là những bức ảnh của sinh sôi, khi sự sống vẫn còn. Nhưng Ted còn chụp những thời khắc khác, khi sự sống bị kéo căng ra, mỏng manh, héo úa và tàn lụi. Rồi Ted và đồng đội được nhận nhiệm vụ rải chất hóa học xuống phía dưới. “Tất cả những gì tôi biết là phải thực hiện nhiệm vụ. Khi giơ ống kính lên để chụp lại như mọi lần, hình ảnh những vệt rừng xám xịt phía dưới khiến tôi hoảng sợ. Trong phút luống cuống, ngón tay tôi che mất một phần ống kính, nhưng tất cả cảnh vật đều hiện rõ trên bức ảnh in ra. Chúng tôi đã thực hiện nhiệm vụ mà không biết chính mình đã rải thứ hóa chất độc hại gây nguy hiểm cho môi trường và con người, ảnh hưởng đến cả những đứa trẻ được sinh ra sau này”.

Những ngày sau đó, hình ảnh từng vệt cây loang lổ, xám ngắt cứ trở đi trở lại trong suy nghĩ của Ted. Ông đến nhà thờ, rất nhiều binh lính khác cũng đến đó với một tâm trạng buồn bã. “Ở đó, cha xứ nói với chúng tôi rằng phải giết quân địch, tiêu diệt đối thủ vì Chúa, nhưng tôi không tin vào điều đó nữa. Trong tấm name card của mình (gồm thông tin cá nhân để có vấn đề gì người ta sẽ biết cách chăm sóc cũng như nhận diện), tôi quyết định đề tôn giáo là không. Tôi không muốn giết người và cũng không muốn một tôn giáo nào lại ủng hộ việc giết người. Cảm xúc của tôi xáo trộn đến phát điên lên. Kể cả khi tôi từ Việt Nam về Mỹ, cảm giác tội lỗi, ân hận, sợ hãi đeo bám tôi suốt năm, suốt tháng. Có rất nhiều điều tôi không thể chia sẻ được với ai, vì mọi người không ở đó, không chứng kiến mọi thứ diễn ra...”.

Lần đầu tiên trở lại Việt Nam sau bao nhiêu năm, Ted muốn đối diện một lần nữa với những lỗi lầm ở Việt Nam - mà ông gọi là “sai lầm mãi mãi của tuổi trẻ”, những điều gây ra vết thương chưa bao giờ được chữa lành dù chiến tranh đã đi qua. Vẫn chiếc máy ảnh trên tay, Ted đi khắp các miền, chụp ảnh để nhắc nhở bản thân rằng đất nước này cũng đang vượt qua ký ức đau buồn và đứng lên. Trên hành trình ấy, ông nhặt nhạnh từng câu chuyện, lưu giữ từng hồi ức về những con người có cơ duyên gặp gỡ. Ted chính là người - vào năm 2005 - đem đến cho gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm CD ghi lại cuốn nhật ký “có lửa” của nữ bác sĩ - cuốn nhật ký mà cựu chiến binh Federic Withurs đã không đốt mà lưu giữ trong nhiều năm.

Từ rất nhiều lần trở lại dải đất hình chữ S, Ted đã mang theo những câu chuyện, những bức ảnh chụp trong chiến tranh và cả năm tháng hòa bình để kể về những gì đã qua, những điều đang tới. “Tôi muốn chia sẻ đến nhiều người về đất nước Việt Nam trong quá khứ và đất nước Việt Nam tươi đẹp hiện tại. Trong sâu thẳm, tôi muốn giúp chính mình và các cựu binh Mỹ thoát khỏi nỗi ám ảnh của bóng ma chiến tranh, tìm cách bù đắp cho lỗi lầm phải trả. Tôi biết chiến tranh kết thúc chưa chắc đã là câu trả lời, mọi thứ không đơn giản như người ta vẫn nghĩ, nhưng vết thương nhờ vậy sẽ được chữa lành, từng ngày...”.

   Hải Đường

______________

1. Bức ảnh “Những cây chết” được chụp lại khi Ted Engelmann ngồi trên máy bay rải thuốc diệt cỏ tại vùng Biên Hòa

2. Nhiều năm qua, Ted đã mang theo những câu chuyện, ảnh chụp trong chiến tranh và năm tháng hòa bình kể về Việt Nam

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Những vệt cây màu xám
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO