Chính trị

Những vấn đề thấy rõ bất cập cần khẩn trương tháo gỡ

H.Ngọc 17/05/2025 17:44

Chính phủ cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu cho phù hợp với Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, những vấn đề đã thấy rõ bất cập thì cần khẩn trương sửa đổi, tháo gỡ điểm nghẽn.

Chiều 17/5, thảo luận tại Tổ 17 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Tuyên Quang, Nam Định, Quảng Ngãi, Cà Mau), các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Dành sự quan tâm đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) đề nghị, đối với mua sắm thường xuyên từ 100 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng nên thực hiện chỉ định thầu với hồ sơ thủ tục rút gọn, thay vì phải chào hàng cạnh tranh với hồ sơ thủ tục không khác gì đấu thầu.

ĐBQH Khương Thị Mai (Nam Định) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

ĐBQH Khương Thị Mai (Nam Định) nêu rõ, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết nêu rõ, thực hiện chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát. Chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế.

Nghị quyết cũng quy định ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, đó là: Gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa, gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp sử dụng ngân sách nhà nước có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên doanh nghiệp do thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật làm chủ, doanh nghiệp ở miền núi, biên giới, hải đảo.

Đại biểu đề nghị cần cụ thể ngay hai quy định nêu trên của Nghị quyết khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu.

Liên quan đến khoản 4, Điều 16, Nghị quyết giao Chính phủ chậm nhất ngày 31/12/2025, hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; thực hiện giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.

Căn cứ vào quy định nêu trên, đại biểu Khương Thị Mai đề xuất khẩn trương sửa đổi những quy định trong Luật Đầu tư cho phù hợp với quy định của Nghị quyết.

Đơn cử, về thủ tục thành lập cụm công nghiệp, Nghị định 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp đã quy định rất rõ, nếu hai nhà đầu tư cùng nộp hồ sơ thì phải chấm điểm (xem nhà đầu tư nào có điểm cao hơn), như vậy gần như là thủ tục về đấu thầu. Và bộ hồ sơ của thành lập cụm công nghiệp giống hệt như hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư. Vì vậy, trong Nghị định 32/2024/NĐ-CP mới nêu đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cơ quan có thẩm quyền dự án thành lập cụm công nghiệp không phải thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2024. Tuy nhiên, chúng ta chưa có điều kiện sửa Luật Đầu tư.

"Khi đã nhìn thấy rõ bất cập, trong lần sửa đổi này, cần tháo gỡ ngay những điểm nghẽn", đại biểu Khương Thị Mai nhấn mạnh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Những vấn đề thấy rõ bất cập cần khẩn trương tháo gỡ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO