Bộ GD-ĐT phản hồi về kiến nghị thống nhất 1 bộ sách giáo khoa
Trả lời kiến nghị của cử tri Hưng Yên về thống nhất một bộ sách giáo khoa, được gửi đến trước kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28.11.2014 của Quốc hội quy định: “Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”.
Mỗi môn học, hoạt động giáo dục có nhiều sách giáo khoa và xã hội hóa sách giáo khoa là chủ trương có tính đột phá, thay đổi việc xuất bản sách giáo khoa theo cơ chế độc quyền.
Đồng thời, việc xã hội hóa tạo điều kiện cho nhiều cá nhân, tổ chức có khả năng, điều kiện tham gia biên soạn, xuất bản sách giáo khoa có sự cạnh tranh, tạo động lực cho các nhóm tác giả, các nhà xuất bản có được những bộ sách chất lượng tốt.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa đến nay đã bước sang năm thứ 5, các địa phương, cơ sở giáo dục đánh giá cao Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và triển khai thực hiện dần đi vào ổn định, nâng cao chất lượng.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tổng kết việc biên soạn sách giáo khoa, trong đó sẽ đánh giá cụ thể về xã hội hóa sách giáo khoa, trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu và báo cáo với Chính phủ, Quốc hội về sự cần thiết ban hành thống nhất, đồng bộ sách giáo khoa trên toàn quốc.
Công bố kết quả Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024-2025
Ngày 18.1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024-2025. Năm nay có 3.803 thí sinh đạt giải trong tổng số 6.482 thí sinh tham dự, chiếm tỷ lệ 58,68%.
Theo Bộ GD-ĐT, số học sinh đạt giải năm nay phủ đều ở hầu khắp các địa phương. Một số địa phương miền núi, biên giới, có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn cũng có học sinh đạt thứ hạng cao nhất trong kỳ thi.
Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng tiếp tục là 3 địa phương dẫn đầu về số lượng học sinh giỏi quốc gia năm nay. Trong khi đó, các vị trí bên ngoài top 3 xuất hiện hai cái tên mới so với năm trước là Huế và Thái Nguyên thay thế cho Nam Định và Thanh Hoá.
Một điểm đáng chú ý, Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm nay là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT áp dụng phương thức vận chuyển đề thi qua hệ thống của Ban Cơ yếu chính phủ trên phạm vi toàn quốc.
Công tác vận chuyển đề thi, tổ chức thi diễn ra thuận lợi là tiền đề quan trọng để việc triển khai phương thức vận chuyển đề thi qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và Kỳ thi chọn học sinh quốc gia THPT các năm tiếp theo.
Ủng hộ thành lập “Trường học Nga” tại Việt Nam
Tuần qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đã làm việc với đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Trao đổi về dự án xây dựng “Trường học Nga” tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc chia sẻ sự ủng hộ việc thành lập cơ sở giáo dục theo các chương trình của Nga tại Việt Nam do Chính phủ Nga đầu tư, là cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục Liên bang Nga Korneev Andrey chia sẻ mong muốn về việc thúc đẩy hơn nữa việc dạy và học tiếng Nga tại Việt Nam với việc nhân rộng hơn nữa, đặc biệt là trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Quốc vụ khanh, Thứ trưởng Korneev Andrey cũng đã trao đổi cụ thể về một số nội dung như tài liệu học tập tiếng Nga, việc lưu trú của giáo viên Nga giảng dạy tại Việt Nam, nâng cao trình độ giáo viên dạy tiếng Nga tại Việt Nam, tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục, trao đổi học sinh tại hai quốc gia…
Không dừng lại ở đó, tại buổi làm việc giữa đại diện Bộ GD-ĐT Việt Nam với Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga Konstantin Mogilevsky cùng các thành viên đoàn công tác đã trao đổi với Bộ GD-ĐT Việt Nam về việc triển khai ký kết Hiệp định giữa hai Chính phủ về thành lập và hoạt động của Trung tâm Puskin, tổ chức Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam - Liên bang Nga, trao đổi đào tạo sinh viên, giảng viên giữa các cơ sở giáo dục đại học.
Hai bên cam kết sẽ cùng nhau hợp tác, hỗ trợ, thống nhất, triển khai các nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong thời gian tới, qua đó thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ lâu bền giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Đại học Bách khoa Hà Nội công bố phương thức tuyển sinh năm 2025, bổ sung thêm tổ hợp mới K01
Ngày 15.1, Đại học Bách khoa Hà Nội công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2025. Theo đó, dự kiến tuyển sinh 9.680 sinh viên và áp dụng ba phương thức xét tuyển. Đặc biệt, Nhà trường bổ sung 1 tổ hợp mới là K01.
Ba phương thức tuyển sinh gồm: Phương thức xét tuyển tài năng, khoảng 20% chỉ tiêu; Phương thức xét tuyển theo điểm thi Đánh giá tư duy khoảng 40% chỉ tiêu; Phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 (THPT) khoảng 40% chỉ tiêu.
Đối với phương thức Xét tuyển tài năng, Đại học Bách khoa Hà Nội xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ GD-ĐT; Xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế; Xét tuyển dựa theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn.
Phương thức Xét tuyển theo điểm thi Đánh giá tư duy (TSA) dành cho thí sinh tham dự kỳ thi Đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Điều kiện dự tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp THPT, đạt ngưỡng điểm TSA do Đại học Bách khoa Hà Nội quy định (thông báo sau).
Phương thức Xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 dành cho thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 do Bộ GD-ĐT và các Sở GD-ĐT tổ chức. Điều kiện dự tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp THPT, đạt ngưỡng điểm sàn do Đại học Bách khoa Hà Nội quy định (thông báo sau).
Đại học Bách khoa Hà Nội giữ nguyên 10 tổ hợp xét tuyển và môn chính theo các năm trước bao gồm: A00, A01, A02, B00, D01, D04, D07, D26, D28 và D29. Đồng thời, Nhà trường bổ sung 1 tổ hợp mới K01 bao gồm các môn: Toán, Ngữ văn, Lý/Hóa/Sinh/Tin. Trong đó Toán, Ngữ văn là 2 môn bắt buộc, kết hợp với 1 trong 4 môn Lý hoặc Hóa hoặc Sinh hoặc Tin có nhân hệ số.
Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển sinh 65 chương trình đào tạo. Cụ thể gồm 37 chương trình đại trà; 23 chương trình chất lượng cao Elitech; 2 chương trình PFIEV; 3 chương trình liên kết đào tạo quốc tế.
Bộ GD-ĐT điều chỉnh hoạt động thi, cấp chứng chỉ tiếng Trung HSK
Ngày 13.1, Bộ GD-ĐT ký Quyết định số 62/QĐ-BGDĐT về việc điều chỉnh hoạt động liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tiếng Trung HSK.
Theo đó, Bộ GD-ĐT cho phép điều chỉnh hoạt động liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tiếng Trung HSK giữa Trường Đại học Thành Đông và Công ty TNHH Công nghệ Giáo dục Quốc tế khảo thí Hán ngữ (Bắc Kinh) theo Quyết định số 4385/QĐ-BGDĐT ngày 19.12.2022 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Điều chỉnh tên chứng chỉ được cấp từ “HSK Examination Score Report” thành “HSK Test Score Report”.
Thời hạn hoạt động của liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ với nước ngoài tiếng Trung HSK thực hiện theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 4385/QĐ-BGDĐT (5 năm tính từ ngày Quyết định có hiệu lực thi hành) và chấm dứt khi thỏa thuận hoặc hợp đồng hợp tác giữa các bên liên kết hết thời hạn.
Trường THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây thành trường chuyên của Hà Nội
Ngày 15.1, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 265 và 266 về việc tổ chức lại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (quận Tây Hồ) và Trường Trung học phổ thông Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), theo đó, công nhận 2 trường này trở thành trường chuyên của Hà Nội.
Theo các quyết định của UBND thành phố, đổi tên hai trường THPT Chu Văn An và trường THPT Sơn Tây thành THPT chuyên Chu Văn An và THPT chuyên Sơn Tây.
Hai trường này được tổ chức và hoạt động tuân thủ các quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT đối với trường trung học phổ thông chuyên theo quy định. Các trường chịu chỉ đạo, quản lý trực tiếp, toàn diện của Sở GD-ĐT Hà Nội và các cơ quan khác có liên quan.
Như vậy hiện nay, Hà Nội có 4 trường THPT chuyên trực thuộc Sở GD-ĐT là Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Trường THPT chuyên Chu Văn An, Trường THPT chuyên Sơn Tây.
Nhiều hiệu trưởng tại TP. Hồ Chí Minh bị yêu cầu kiểm điểm
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức kiểm điểm nhiều hiệu trưởng liên quan đến sai phạm trong quản lý các gói thầu mua sắm tài sản và trang thiết bị.
Theo Thông báo số 613 ngày 16/2/2023, Sở GD-ĐT xác định các sai sót như: lưu trữ hồ sơ, chứng từ kế toán không đầy đủ dẫn đến mất hồ sơ tại Trường THPT Gia Định; chấp hành chỉ đạo mua sắm, đấu thầu không đúng quy định, gây chi sai nguồn kinh phí tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; và không đảm bảo hồ sơ xây dựng phương án thu xã hội hóa để mua sắm bảng tương tác theo chủ trương của UBND TP.HCM.
Ngoài ra, 66 đơn vị không đáp ứng quy định về hồ sơ xã hội hóa, còn 23 đơn vị bảo quản thiết bị không đảm bảo, khiến nhiều thiết bị hư hỏng và sử dụng không hiệu quả.
Sở GD-ĐT yêu cầu các hiệu trưởng và cá nhân liên quan tại các đơn vị lập báo cáo giải trình, viết kiểm điểm trung thực, tự nhận trách nhiệm và đề xuất biện pháp khắc phục. Các sai phạm sẽ được phê bình, nhắc nhở sau khi báo cáo được hoàn tất.
Đây là động thái nhằm chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, tài sản trong ngành giáo dục, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Vụ việc một trẻ mầm non bị người lạ vào trường dẫn đi
Theo xác minh từ lực lượng chức năng khoảng hơn 16h ngày 13/1 Đồng Thị Hà Thu (SN 2007, thường trú tại phường Hoàng Lâm, TP Thủy Nguyên) đến Trường Mầm non Thiên Hương đưa cháu N.T.M rời khỏi trường và đón taxi sang khu vực đường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân.
Ngay sau khi nhận được tin báo, UBND TP Thủy Nguyên đã chỉ đạo các lực lượng tổ chức truy tìm.
Đến 15h30, ngày 14/1, các lực lượng phối hợp với quần chúng nhân dân tìm được cháu N.T.M đang đi bộ trên vỉa hè phố cùng Đồng Thị Hà Thu tại địa phận quận Ngô Quyền
Ngày 15.1, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thiên Hương (TP. Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã ban hành quyết định tạm đình chỉ công việc đối với hai giáo viên liên quan đến vụ việc thất lạc trẻ em tại Nhà trường.
Theo quyết định này, hai giáo viên sẽ bị tạm đình chỉ công việc trong vòng 15 ngày do trước đó đã vi phạm cam kết đảm bảo an toàn cho trẻ trong các thời điểm ở trường, cụ thể là làm thất lạc trẻ.