7 điểm mới quy chế tuyển sinh đại học năm 2025
Chiều 15.2, trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết Bộ GD-ĐT đã có quyết định về các điểm mới, sửa đổi trong Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, thông tư này sẽ áp dụng từ mùa tuyển sinh 2025. Trước đó, Dự thảo Thông tư ban hành tháng 11.2024, Bộ GD-ĐT quy định việc xét tuyển sớm giới hạn chỉ tiêu khoảng 20%.

Tuy nhiên, khi tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, Bộ GD-ĐT quyết định loại bỏ xét tuyển sớm. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy phân tích, giai đoạn trước đây, các trường đại học thường dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, trong khi đó chưa có những phân tích, căn cứ và minh chứng khoa học để đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành đào tạo.
7 điểm mới của quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 gồm:
Thứ nhất, năm 2025 sẽ không còn xét tuyển sớm và tất cả tuân theo quy trình xét tuyển chung. Riêng xét tuyển thẳng, được thực hiện theo đúng quy chế của Bộ GD-ĐT.
Thứ hai, các trường đại học, cao đẳng dùng kết quả học tập tất cả 3 năm học THPT của thí sinh để xét tuyển theo yêu cầu trong quy chế.
Thứ ba, bắt buộc các cơ sở đào tạo có cách thức quy đổi tương đương giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển. Các trường không phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển.
Thứ tư, đại học, cao đẳng có quyền quy đổi các chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm ngoại ngữ để xét tuyển. Vì vậy thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định không nhất thiết tham dự môn thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thứ năm, Bỏ yêu cầu mỗi ngành, mỗi chương trình có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển. Đáng chú ý, năm 2025 chưa áp dụng quy định yêu cầu số môn chung giữa các tổ hợp xét tuyển phải chiếm trọng số 50%, quy định này bắt đầu được áp dụng từ năm 2026.
Thứ sáu, điểm cộng ưu tiên không vượt quá 10% mức tối đa tổng điểm xét tuyển (tức vượt quá 30 điểm). Điểm ưu tiên này gồm điểm cộng ưu tiên về khu vực, đối tượng theo quy chế tuyển sinh và các điểm ưu tiên khác theo quy định của nhà trường.
Thứ bảy, chưa áp dụng những điều chỉnh về ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng khối ngành Sức khỏe và Đào tạo giáo viên trong kỳ tuyển sinh năm học 2025-2026, tức vẫn giữ quy định hiện hành.
Liên quan đến thay đổi trong việc điểm xét tuyển, trúng tuyển của thí sinh phải được quy đổi tương đương giữa các phương thức, các tổ hợp xét tuyển và các trường sẽ lấy từ cao xuống thấp, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết điều này nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức và tổ hợp xét tuyển.
"Cuối cùng, chúng ta phải lựa chọn thí sinh trúng tuyển dựa vào năng lực, phẩm chất, kỹ năng của các em. Những bạn giỏi hơn sẽ trúng tuyển trước, không phụ thuộc vào chỉ tiêu của một phương thức cụ thể nào", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.
Việc các trường đại học xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập của cả năm lớp 12 của thí sinh, thay vì dùng điểm 3 đến 5 kỳ học như trước đây cũng là thay đổi rất quan trọng, để các em không lơ là học tập ở năm lớp 12, nhất là học kỳ hai. Thí sinh vẫn phải hoàn thành thật tốt việc học để có điểm tổng kết tốt trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bộ GD-ĐT đánh giá thay đổi này sẽ góp phần tích cực, ảnh hưởng trở lại tới việc học tập ở bậc THPT của học sinh.
Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm: Học sinh tìm lại "tinh thần tự học", nhà giáo giữ được sự tôn nghiêm
Ngày 14.2, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực.
Quan điểm xuyên suốt của Thông tư 29 là thay đổi tư duy từ “không quản được thì cấm” sang “quản lý để đảm bảo chất lượng”.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giáo viên cần đổi mới phương pháp giảng dạy để học sinh có thể tiếp thu đầy đủ kiến thức ngay trong giờ học chính khóa, thay vì phải tham gia thêm các lớp học bên ngoài. Đồng thời, nhà trường cần tạo điều kiện cho học sinh tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, thể thao, nghệ thuật để đảm bảo sự phát triển toàn diện.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Thông tư 29 quy định rõ những hoạt động dạy thêm, học thêm nào đúng quy định; hoạt động nào không đúng quy định để chính quyền các cấp, các tổ chức cá nhân và toàn xã hội tham gia giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quá trình tổ chức thực hiện, vì vậy Thông tư lần này đã bổ sung các các lực lượng (chính quyền các cấp, tổ chức cá nhân có liên quan) cùng tham gia quản lý hoạt động này.
Thứ trưởng nhấn mạnh, Thông tư 29 bảo vệ, giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm của nhà giáo, của ngành giáo dục, đồng thời giúp các thầy cô thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng đổi mới phương pháp giảng dạy. Học sinh chủ động, sáng tạo; thầy cô đóng vai trò định hướng, tổ chức các hoạt động giáo dục, hình thành cho các em thói quen, phương pháp, ý thức tự học và tự học suốt đời. Đây cũng chính là cốt lõi của nền giáo dục Việt Nam.
Toàn cảnh thi đánh giá năng lực năm 2025
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, tới thời điểm này dù vẫn chưa chính thức mở cổng đăng ký dự thi đánh giá năng lực (HSA) năm 2025 nhưng Đại học Quốc gia Hà Nội đã nhận được khá nhiều hồ sơ, trong đó có những hồ sơ của học sinh quốc tế đến từ Nga, Đức, Mông Cổ và nhiều nước châu Á.
Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội vừa có thông tin chính thức về việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) năm 2025. Theo đó, kỳ thi năm nay sẽ được tổ chức làm 6 đợt, đợt thi sớm nhất diễn ra vào hai ngày 15.3 và 16.3. Thí sinh bắt đầu chọn ca thi từ 9h ngày 23.2.

Đến thời điểm này, đã có gần 100 trường đại học, học viện dự kiến sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển năm 2025.
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, điểm mới trong kỳ thi ĐGNL HSA năm 2025 là lùi lịch đăng ký ca thi, chọn địa điểm thi đến ngày 23.2.
Năm 2025, việc đăng ký dự thi có những điểm mới. Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội yêu cầu thí sinh phải đăng ký dự thi bằng số điện thoại để tránh trường hợp nhiều thí sinh ảo, chỉ đăng ký chỗ mà không dự thi. Chúng tôi cũng xác minh thông tin thí sinh qua số căn cước công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo việc đăng ký là chính xác, đảm bảo quyền lợi cho tất cả thí sinh.
Cấu trúc bài thi cũng có những sự thay đổi. Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những bài thi tuyên bố về dạng thức, cấu trúc sớm nhất trong trong những bài thi triển khai năm 2025. Theo đó, bài thi gồm có 3 phần. Phần đầu tiên đánh giá tư duy định lượng (lĩnh vực Toán học & Xử lí số liệu) với 50 câu hỏi, làm trong 75 phút. Phần thứ hai là tư duy định tính (lĩnh vực Văn học - Ngôn ngữ), đánh giá về khả năng ngôn ngữ và khả năng cảm nhận, cảm thụ văn học với 50 câu hỏi, làm trong 60 phút.
Hai phần này về mặt hình thức giống với cấu trúc của những bài thi năm 2021 đến 2024. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở nội hàm bên trong, khi câu hỏi thiết kế theo chương trình GDPT 2018. Việc đánh giá năng lực sẽ nhiều hơn trước đây và chúng tôi cũng đưa vào những loại câu hỏi mới, cách thức đánh giá mới. Có những câu hỏi được gọi là “câu hỏi chùm”, có thể đánh giá ngay lập tức thí sinh nằm trong nhóm năng lực thấp, trung bình hay năng lực cao. Trước đây, mỗi câu hỏi đơn chỉ có thể đánh giá thí sinh ở 1 trong 3 cấp độ năng lực thì nay với câu hỏi chùm có thể đánh giá tương đối toàn diện, loại bỏ được xác suất các em đoán mò.
Ở phần thứ ba của bài thi, trước đây, thí sinh được đánh giá qua 5 chủ đề đồng thời gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí với 50 câu hỏi, làm bài trong 60 phút thì năm 2025, thí sinh có nhiều lựa chọn hơn. Các em có thể lựa chọn 3 trong 5 chủ đề nêu trên, hoặc chọn phần thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, cùng với 50 câu hỏi trong 60 phút. Thay đổi này giúp phát huy sở trường khi học sinh lựa chọn môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em hơn và các trường đại học cũng có nhiều cơ hội lựa chọn hơn.
Những lưu ý khi đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Ngoại thương năm 2025
Ngày 22.1 vừa qua, Trường Đại học Ngoại thương đã có thông tin về các phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2025, với tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 4.150 sinh viên.
Để làm rõ hơn các thông tin liên quan đến phương án tuyển sinh của nhà trường năm nay, cũng như những lưu ý tới thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào trường, Báo Đại biểu Nhân dân đã có trao đổi với PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương.

Căn cứ trên những điểm mới trong Quy chế tuyển sinh dự kiến của Bộ GD-ĐT sẽ được ban hành trong năm 2025, Trường Đại học Ngoại thương cơ bản giữ ổn định các phương thức xét tuyển của mình để không làm ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh, giúp các em có thời gian chuẩn bị lâu nhất cho lựa chọn của mình. Chúng tôi chỉ có một vài điều chỉnh nhỏ để đảm bảo thuận lợi cho các em khi đăng ký xét tuyển.
Riêng với các điều kiện đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Ngoại Thương có điều chỉnh tăng một số điều kiện tại một số phương thức xét tuyển, trên cơ sở kết quả xét tuyển của các năm trước.
Trên thực tế, ngay khi nắm bắt được xu hướng thay đổi trong các kỳ thi THPT cũng như sự đổi mới trong giáo dục phổ thông, Trường Đại học Ngoại thương đã thực hiện đa dạng, đổi mới trong các phương thức xét tuyển của mình từ rất sớm.
Nhà trường tiếp tục giữ các phương thức xét tuyển kết hợp giữa kết quả học tập cũng như các chứng chỉ quốc tế. Căn cứ trên yêu cầu của từng chương trình đào tạo, chúng tôi sẽ xác định phương thức xét tuyển phù hợp để làm thế nào tuyển sinh được các sinh viên phù hợp với chương trình.
Đối với các chương trình đào tạo được giảng dạy bằng Tiếng Anh và có tính tích hợp quốc tế cao, Trường Đại học Ngoại thương sẽ sử dụng phương thức kết hợp giữa đánh giá năng lực và khả năng sử dụng ngoại ngữ trong học tập. Đây là lý do chúng tôi có phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập cũng như kết hợp kết quả học tập với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Đồng thời, chúng tôi cũng sử dụng các kết quả đánh giá năng lực đối với thí sinh trong nước cũng như quốc tế. Ở chương trình giảng dạy bằng Tiếng Việt sẽ sử dụng các kết quả đánh giá năng lực của Việt Nam còn chương trình giảng dạy bằng ngoại ngữ (Tiếng Anh), chúng tôi sẽ sử dụng các kết quả đánh giá năng lực quốc tế như SAT, ACT hay A-Level.
Thí sinh nếu mong muốn theo đuổi các chương trình đào tạo của Trường Đại học Ngoại thương có thể tìm hiểu kỹ các chương trình hỗ trợ của trường. Chúng tôi đang cấp học bổng 30% cho tất cả sinh viên theo học các ngành mới và có những chính sách hỗ trợ khác dành cho các em, với sự tham gia, đồng hành của nhiều chủ thể khác nhau.