Những vấn đề đặt ra trong ký kết hiệp định FTA

Xuân Lan 24/03/2011 08:13

Việt Nam đang tích cực hoàn thiện Chiến lược đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) đến năm 2020 với các đối tác nước ngoài. Có thể khẳng định, sau khi nước ta đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do với 6 nước đã mở ra nhiều triển vọng về xuất khẩu hàng hóa với những ưu đãi về thuế quan, tiếp thu được nhiều công nghệ hiện đại trong sản xuất để nâng cao cải tiến chất lượng sản phẩm đáp ứng quá trình CNH - HĐH đất nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, cần tạo ra hàng rào kỹ thuật, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và có chiến lược ký kết đàm phán FTA hiệu quả hơn để sản phẩm hàng hóa đứng vững ở thị trường trong nước cũng như nước ngoài.

Một làn sóng tự do hóa thương mại đang diễn ra sôi động trên thế giới với việc hình thành các FTA song phương. Nhiều bên, nhiều quốc gia đã tham gia vào cuộc đua FTA vì lo ngại nếu không tham gia FTA hoặc tham gia quá chậm sẽ bị gạt ra khỏi cuộc chơi thương mại. Vì vậy, khi đã là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới, nước ta không thể đứng ngoài cuộc đua này. Hiện nước ta, với tư cách là thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), tham gia ký kết FTA ASEAN với 6 đối tác là Australia, New Deland, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ Nguyễn Đình Hoàn cho biết, Việt Nam chưa có chiến lược đàm phán FTA, nhưng thực chất đã tham gia trong khuôn khổ FTA trong khu vực bằng cách tạo được những thuận lợi trong việc mở rộng thị trường, tiếp thu công nghệ và vốn. Tuy còn nhiều hạn chế, như: bị động trong việc tìm kiếm và nhận định đối tác để chủ động đàm phán FTA. Việc hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, chính sách về hội nhập theo yêu cầu của FTA vẫn chưa đầy đủ; chưa xây dựng được những hàng rào kỹ thuật khi mở cửa thị trường trong FTA để bảo vệ hàng hóa; việc nâng cao năng lực cạnh tranh vẫn chưa làm tốt, chưa đáp ứng yêu cầu trong quá trình hội nhập. Theo ông Nguyễn Đình Hoàn, cần xác định nội dung, yêu cầu để xây dựng một chiến lược đàm phán FTA của nước ta trên tinh thần cầu thị, để thu hút vốn, nâng cao sức cạnh tranh cho lợi ích quốc gia, của doanh nghiệp; tận dụng cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế để phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH đất nước.

Trong vòng 5 năm tới, các Hiệp định FTA rất có ý nghĩa với phát triển kinh tế của Việt Nam. Nước ta sẽ đàm phán tiếp với các đối tác như EU, Nga, sẽ có 46 quốc gia mở cửa thị trường cho hàng hóa của nước ta. Vấn đề là, có thêm thị trường mở cửa nhưng có xuất khẩu được hàng hóa  hay không, hay là vấp phải vấn đề cạnh tranh với hàng hóa nước khác tràn vào nước ta.

Mấu chốt cuối cùng khi ký kết FTA là phải nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam thông qua nguồn vốn và công nghệ.  Đồng thời, cần có sự tham gia tích cực của các địa phương, vì địa phương và doanh nghiệp là nhân tố trực tiếp thực hiện các cam kết của FTA. Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao Nguyễn Nguyệt Nga, nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh, sẽ không thể có những đột phá, các FTA phải hỗ trợ tham gia chuỗi giá trị cung ứng trong khu vực và thế giới. Theo lộ trình, đến năm 2015- 2018 phải thực hiện các cam kết, nếu địa phương, doanh nghiệp không kịp chuyển đổi thì hàng hóa nước ngoài đổ vào nước ta. Cần thống nhất nhận thức của địa phương và doanh nghiệp.

Hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tham gia vào các FTA, tất yếu sẽ dẫn đến xu thế sắp xếp lại các ngành và phân bổ lại nguồn lực. Trong bối cảnh đó, Nhà nước cần tác động để tạo môi trường chu chuyển, vận động của lao động và nguồn lực một cách thuận lợi nhất, với chi phí ít nhất. Đây là một yếu tố quan trọng giúp ổn định kinh tế và an sinh xã hội khi tham gia FTA.

Từ thực tế của quá trình ký kết FTA, Việt Nam cần rút ra những bài học kinh nghiệm để đạt hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp trong việc phát triển sản xuất - xuất khẩu hàng hóa và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Những vấn đề đặt ra trong ký kết hiệp định FTA
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO