Những từ khóa làm nên năm 2021

- Chủ Nhật, 02/01/2022, 05:52 - Chia sẻ
Vaccine ngừa Covid-19, chung sống với dịch bệnh… và hàng loạt từ khóa khác đã xuất hiện với tần suất dày đặc trong năm 2021 cho thấy vấn đề dịch bệnh với một cách tiếp cận mới là câu chuyện nổi bật nhất trong năm qua.

Như một nhà bình luận đã nói, nếu dịch bệnh là từ khóa hot nhất của năm 2021 thì vaccine có lẽ là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2022 với ý nghĩa là công cụ hữu hiệu nhất để đẩy lùi dịch bệnh và hướng đến “bình thường mới”. Việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê chuẩn sử dụng khẩn cấp nhiều loại vaccine ngừa Covid-19 và các nước đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng đại trà đã tạo động lực để hàng loạt quốc gia chuyển hướng coi Covid-19 là "pandemic" (đại dịch) sang "endemic" (bệnh đặc hữu). Điều này có nghĩa thay vì kiên trì chính sách “zero Covid”, các nước điều chỉnh sang mô hình "sống chung an toàn", vừa kiểm soát các đợt bùng phát dịch, vừa mở cửa trở lại nền kinh tế và khôi phục cuộc sống bình thường.

Tại Mỹ và các nước châu Âu có tỷ lệ bao phủ vaccine cao, giấy chứng nhận tiêm chủng gần như trở thành “tấm vé” để người dân tham gia các hoạt động công cộng. Từ 1.7, các nước Liên minh châu Âu (EU) triển khai chứng nhận kỹ thuật số Covid-19 chung, tạo điều kiện cho người dân đi lại trong khối. Với tỷ lệ tiêm chủng trong nước đạt 85%, Hàn Quốc đã thành lập “Ủy ban hỗ trợ khôi phục đời sống thường nhật” để giải quyết các vấn đề phát sinh khi trở lại với “cuộc sống bình thường mới”. Singapore đạt mốc khoảng 85% dân số tiêm phòng đầy đủ vào tháng 5.2021, Thủ tướng Lý Hiển Long đã điều chỉnh chiến lược chống dịch bởi “không thể phong tỏa toàn quốc vô thời hạn vì điều này rất tốn kém, người dân không thể duy trì cuộc sống, tham gia các hoạt động xã hội”.

Tuy nhiên, cùng với những hy vọng mà từ khóa vaccine và bình thường mới mang lại, năm 2022 cũng chứng kiến những hoang mang liên quan đến “biến thể”. Sự xuất hiện của một loạt biến thể nguy hiểm như Delta sau đó là Omicron buộc các nước phải từng bước thận trọng trở lại.

Khi biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ cuối năm 2020, có lẽ ít ai lường trước được rằng đây sẽ là thủ phạm chính gây ra gần 200 triệu ca nhiễm mới trong năm 2021, làm đảo lộn các lộ trình chống dịch và phục hồi của cả thế giới. Theo WHO, 99,5% số ca mắc Covid-19 có giải trình tự gene được công bố trên cơ sở dữ liệu công khai đều là Delta.

Với thời gian ủ bệnh ngắn, tải lượng virus trong mũi cao gấp 1.260 lần và có khả năng lây truyền nhanh hơn 125% so với khi nhiễm virus phiên bản gốc ở Vũ Hán, trong các trường hợp nhiễm Delta, nguy cơ nhập viện cũng tăng 108%, nguy cơ phải điều trị tích cực tăng 235% và nguy cơ tử vong cao hơn 133%. Biến thể Delta còn giảm hiệu quả của vaccine cùng các phương pháp chữa trị, đặt ra thách thức lớn đối với nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch.

Delta càn quét qua hầu hết các khu vực đúng lúc thế giới có phần “thả lỏng”, cho rằng dịch sắp đến hồi kết vì đã có trong tay vũ khí vaccine. Kết quả, hơn 3,3 triệu người đã thiệt mạng vì Covid-19 trong 12 tháng qua, vượt xa con số 1,9 triệu ca của năm 2020. Nhiều nước châu Á, vốn kiểm soát khá tốt đợt dịch đầu tiên, chịu thiệt hại nặng nề nhất vì sớm mở cửa trong khi tỷ lệ bao phủ vaccine còn thấp. Điển hình là Ấn Độ. Việc người dân chủ quan, bỏ qua các biện pháp phòng dịch trong mùa lễ hội đầu năm đã dẫn đến làn sóng lây nhiễm lên tới 200.000 ca/ngày vào tháng 4, đỉnh điểm có ngày ghi nhận hơn 414.000 ca nhiễm hay ca tử vong cao nhất là hơn 3.600. Có giai đoạn, số ca mắc mới ở Ấn Độ chiếm hơn 46% tổng số ca mắc mới trên toàn cầu. Đợt dịch thứ hai, được coi là “cơn sóng thần” Covid-19, thực hiện làm “chao đảo” đất nước Ấn Độ, gây ra cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế trầm trọng.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron ngay trước thời điểm Giáng sinh và Năm mới đang khiến cả thế giới lo ngại bởi các chuyên gia nhận định biến thể này có khả năng lây nhiễm rất nhanh do có số lượng đột biến nhiều nhất trong số các phiên bản của virus SARS-CoV-2.

Được phát hiện đầu tiên ở miền Nam châu Phi vào giữa tháng 11.2021, chỉ trong gần nửa tháng, Omicron đã lây lan “thần tốc” đến châu Âu, châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương, tới hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hàng loạt nước tái áp đặt những biện pháp hạn chế đi lại, hoãn các kế hoạch mở cửa hoặc siết chặt những biện pháp phòng dịch ở mức cao.

Mặc dù hầu hết các ca nhiễm Omicron đều có những triệu chứng nhẹ, nhưng tốc độ lây nhiễm cao có thể khiến hệ thống y tế quá tải. Đơn cử như tại Anh, biến thể Omicron đang lây lan "chóng mặt". Số ca nhiễm tăng gấp đôi cứ sau hai đến ba ngày và hiện chiếm 40% ca mắc mới Covid-19 ở London. Anh cũng đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do biến thể Omicron.

Hàn Quốc chuyển sang chung sống với Covid-19

Nguồn: Reuters 

Trong khi đó, Đan Mạch đang là nước châu Âu đứng đầu về tỷ lệ lây nhiễm biến thể Omicron. Đan Mạch ngày 13.12 ghi nhận 7.799 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ đầu dịch, trong đó gần 4.000 ca nhiễm Omicron.

Giáo sư Ravi Gupta tại Đại học Cambridge cho rằng, quá trình tái tổ hợp của virus là một nguồn sinh ra biến thể mới, đặc biệt ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Chuyên gia nghiên cứu cấp cao Michael Head tại Đại học Southampton cũng đồng quan điểm rằng, sự xuất hiện của các biến thể mới là “hệ quả tự nhiên của việc tiêm chủng quá thấp trên thế giới”.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng sự xuất hiện của các biến thể mới là do khả năng miễn dịch của con người suy giảm dần trong khi dịch bệnh tiếp tục kéo dài. Bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia dịch tễ học đứng đầu bộ phận ứng phó với Covid-19 thuộc WHO, đánh giá nếu đạt được mục tiêu 70% dân số tiêm đủ vaccine, thế giới sẽ ở tình thế rất khác về mặt dịch tễ học.

Các nhà khoa học cũng cảnh báo khi dịch bệnh chưa chấm dứt, virus SARS-CoV-2 có thể tiếp tục biến đổi, với nhiều biến thể nguy hiểm hơn, có khả năng lây lan mạnh hơn. Thêm một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tức là virus đã tiến hóa và có khả năng “thích nghi” tốt hơn, buộc thế giới phải điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch và nâng cấp vaccine, bào chế và phát triển các loại vaccine có khả năng chống biến thể virus.

Trong năm qua từ khóa COP26 - tên đầy đủ là Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu diễn ra vào tháng 11 cũng là một sự kiện được nhắc đến với nhiều kỳ vọng. Hội nghị đánh dấu một cột mốc đáng nhớ bởi các nước đã đạt được một thỏa thuận khí hậu mới mang tên "Hiệp ước khí hậu Glasgow," hứa hẹn nhiều thay đổi đáng kể trong thời gian tới. Đây cũng là lần đầu tiên thế giới đạt được một thỏa thuận quốc tế về việc giảm sử dụng than đá và lộ trình hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C.

Taliban có lẽ cũng là cụm từ được đặc biệt chú ý trong năm qua khi lực lượng này bất ngờ trở lại. Chỉ trong ngày 15.8.2021, Taliban thành công chiếm giữ thủ đô Kabul và buộc Tổng thống Ashraf Ghani phải rời khỏi đất nước. Như vậy, đúng 2 thập kỷ sau khi liên minh quốc tế do Mỹ và Anh đứng đầu lật đổ Taliban vào năm 2001, lực lượng này đã quay trở lại nắm quyền ở Afghanistan với chiến thắng chóng vánh đáng kinh ngạc. Quá trình cầm quyền của Taliban sẽ như thế nào, cởi mở hơn hay sẽ đưa Afghanistan trở lại chế độ thần quyền trước kia; thái độ của các nước với chính quyền mới ở Kabul sẽ ra sao, công nhận hay từ bỏ… sẽ là những vấn đề cần tiếp tục quan sát trong năm tới.

Một sự kiện cũng đặc biệt được quan tâm trong năm 2021 là việc Mỹ, Anh và Australia ra thông báo chính thức về thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên, (gọi tắt là AUKUS), ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự ra đời của AUKUS nằm trong bối cảnh Mỹ tiếp tục nhấn mạnh đến ưu tiên chiến lược an ninh, đối ngoại số một của mình là Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có việc củng cố các trụ cột của chiến lược là QUAD (Nhóm bộ tứ gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản), quan hệ của Mỹ với 5 đồng minh trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Australia), quan hệ của Mỹ với ASEAN và các đối tác quan trọng như Indonesia, Việt Nam và Singapore…

Đạt Quốc