Những trang viết hòa nhịp với tuổi thơ

Thảo Nguyên 04/06/2022 06:19

Từ khi hình thành đến nay, văn học cho thiếu nhi Việt Nam đã có đội ngũ tác giả hùng hậu. Các tác phẩm của họ góp phần gieo mơ ước, khát vọng, nuôi dưỡng tâm hồn các thế hệ trẻ em. Tuy vậy, vẫn có những nhu cầu, mong mỏi của độc giả trẻ hiện đại với người cầm bút. 

Gắn bó, nâng cánh ước mơ

Tại giao lưu với các tác giả viết cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng tổ chức sáng 3.6, nhiều nhà văn cho rằng, văn học thiếu nhi Việt Nam đã qua nhiều thập kỷ hình thành và phát triển, đặc biệt tính từ mốc NXB Kim Đồng được thành lập (ngày 17.6.1957) với việc hình thành đội ngũ sáng tác và cổ vũ được đông đảo tác giả chuyên nghiệp dành những trang viết tươi xanh nhất cho trẻ em. 

Phong phú tác phẩm văn chương cho thiếu nhi
Phong phú tác phẩm văn chương cho thiếu nhi. Nguồn: ITN

Đến nay, không ít tác phẩm văn chương đã hòa nhịp, gắn bó cùng trẻ thơ, nâng đỡ tâm hồn, chắp cánh ước mơ nhiều thế hệ. Từ tài năng văn chương và tầng sâu cảm xúc của các nhà văn mà tuổi thơ Việt Nam có Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Dòng sông thơ ấu của Nguyễn Quang Sáng, Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán, bộ tiểu thuyết lịch sử về nhà Trần của Hà Ân, bộ truyện Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh, bộ sách văn học về thiên nhiên Việt Nam của Vũ Hùng...

Tuyển chọn “65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi” - ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 65 năm thành lập NXB Kim Đồng nhìn lại phần nào diện mạo của văn học thiếu nhi Việt Nam. Nhà văn Trần Đức Tiến tuyển chọn tác phẩm của 3 thế hệ tác giả, phong phú về đề tài, đa dạng về phương pháp sáng tác. Từ tác phẩm của những người đặt viên gạch đầu tiên cho văn học thiếu nhi Việt Nam như: Võ sĩ Bọ Ngựa của Tô Hoài, Con cóc là cậu ông Giời của Nguyễn Huy Tưởng, Con chuột láu của Vũ Tú Nam... cho tới tác phẩm của những cây bút sinh trưởng trong thiên niên kỷ mới như Hoàng tử rơm của Nguyễn Thị Kim Hòa, Ông nội của Thụy Anh, Nghé con không muốn lớn của Hương Thị... Qua đó, người đọc có thể thấy được sự vận động, phát triển của nghệ thuật kể chuyện, những đề tài thu hút sự quan tâm của thiếu nhi.

Cùng với văn xuôi, thơ cho thiếu nhi cũng khá phong phú. Tuyển chọn “65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi”, nhà thơ Cao Xuân Sơn đã “cắm một bình hoa từ những đóa hoa đẹp nhất mà tôi có thể nhìn thấy. Tôi chọn những đóa hoa thơ đẹp nhất theo cảm nhận của tôi nhưng có tham chiếu góc nhìn từ các em... Mỗi tác giả một bài. Có Bắc, Trung, Nam. Có trẻ, có già. Có cũ có mới. Có quen có lạ. Có thơ rộn ràng vào nhạc và thơ tung tăng bước ra từ ca khúc. Có trong vắt trong veo của tia nắng hạt mưa. Có vị chát đầu đời của lấm lem, cơ nhỡ...”.

Trong tập thơ, ta gặp những bài thơ nằm lòng trong trí nhớ của nhiều thế hệ độc giả Việt Nam như: Chú bò tìm bạn của Phạm Hổ, Câu chuyện vẽ tranh của Võ Quảng, Đi học của Hoàng Minh Chính, Mẹ ốm của Trần Đăng Khoa, Mèo con đi học của Phan Thị Vàng Anh...

Khi trẻ em “đặt hàng” nhà văn

Biên tập viên Ban Văn học, NXB Kim Đồng Nguyễn Thúy Loan nhận định: “Qua thời gian đã có sự thay đổi trong đề tài viết cho thiếu nhi. Trước kia các thế hệ hay viết truyện đồng thoại, giáo dục và lịch sử, thì hiện tại, các tác giả trẻ tiếp cận với đời sống sinh hoạt của thiếu nhi nhiều hơn, không gian rộng hơn, tiến vào thế giới giả tưởng, tiếp cận cả về khoa học, cũng có những câu chuyện đi vào thế giới nội tâm, nỗi buồn. Các tác phẩm hiện nay vừa kế thừa giá trị truyền thống, vừa sáng tạo, tiếp cận kỹ hơn, trực diện hơn với đời sống sinh hoạt của thiếu nhi, mở ra cánh cửa mới, mang hơi thở đời sống hiện tại”.

Bà Nguyễn Thúy Loan cũng cho biết, hiện nay, Nhà xuất bản nhận được nhiều bản thảo phong phú về nội dung, thể loại, của nhiều tác giả viết cho thiếu nhi, nhưng bản thảo hay, có giá trị, đạt yêu cầu xuất bản khá ít. Điều đó cho thấy, viết cho thiếu nhi không chỉ đòi hỏi tâm huyết, mà tác giả phải hiểu lứa tuổi, có tài năng giao tiếp bằng trí tưởng tượng, bằng ngôn ngữ, thâm nhập vào thế giới trẻ thơ.

Dù thị trường sách thiếu nhi ngập tràn màu sắc, nhưng độc giả trẻ vẫn có những đề tài muốn “đặt hàng” nhà văn. Ở tuổi thiếu niên, Lê Bảo Châu chia sẻ: “Em mong muốn có nhiều sách văn học viết về cuộc sống của các bạn nhỏ bình thường, đang chịu áp lực từ việc học hành, gia đình. Các truyện hiện nay khai thác nhiều hơn về mặt sáng, những ngây thơ đầu đời, chưa khai thác “góc tối” giới trẻ hiện nay phải đối mặt, hay ảnh hưởng của mạng xã hội... Có những cuốn sách như vậy sẽ giúp em và các bạn có thể được đồng cảm, tiếp thêm động lực khi thấy ở ngoài kia cũng có những bạn như mình...”. Nhiều độc giả cũng muốn các nhà văn viết về thế giới tưởng tượng, tâm lý của thế hệ trẻ hiện nay...

Cho rằng, nhu cầu của các em là đúng và chính đáng, nhà văn Trần Đức Tiến thừa nhận, cái thiếu nhất trong văn chương cho thiếu nhi là mảng truyện giả tưởng, bởi các tác phẩm như vậy đòi hỏi trí tượng tưởng lớn. Tại NXB Kim Đồng, nơi xuất bản nhiều nhất tác phẩm viết cho thiếu nhi, phần lớn tác phẩm viết về truyện sinh hoạt thường ngày. “Thường các nhà văn khai thác từ những cái mình trải nghiệm, nếu viết về những cái họ không trải qua có khi lại thành giả. Trong khi các bạn trẻ ngày nay phải đối mặt với nhiều thứ hơn thế hệ chúng tôi”, nhà văn Trần Đức Tiến nói.

Theo TS. Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con, các bạn nhỏ hiện nay, đặc biệt là tuổi mới lớn và bắt đầu bước vào tuổi mới lớn, bắt đầu nghĩ về mình, không ngại nói về mình. Theo dõi ở Câu lạc bộ, đề nghị các em trích một câu mà mình thích nhất trong tác phẩm văn học, các bạn 10 - 11 tuổi trở lên luôn chọn câu triết lý, khái quát, chia sẻ sâu sắc, thậm chí các em còn biết nói về mình với những xáo động của tuổi mới lớn... Với độc giả hiện đại, các nhà văn tới đây sẽ phải suy nghĩ viết gì và viết như thế nào, độ dài, tiết tấu của câu văn, đồng thời chú ý cả vẻ đẹp của câu chữ làm nên sự sâu sắc, phong phú cho tâm hồn các em. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Những trang viết hòa nhịp với tuổi thơ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO