Covid-19 và tâm lý tuổi trẻ

Những tổn thương khó đong đếm

- Thứ Ba, 12/10/2021, 08:21 - Chia sẻ
Trong suốt hai năm qua, cuộc sống học tập, làm việc của trẻ em cũng như thanh thiếu niên trên toàn thế giới đã bị xáo trộn vì đại dịch Covid-19. Điều này đã dẫn tới tình trạng sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tâm lý, tinh thần của thế hệ này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mặc dù đại dịch Covid-19 hiện nay đang phần nào được kiểm soát nhờ vào các chương trình phủ sóng vaccine, nhưng ảnh hưởng tiêu cực của nó vẫn chưa hề suy giảm. Báo cáo về tình hình trẻ em thế giới năm 2021 vừa được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) công bố, đã cảnh báo tác hại của đại dịch Covid-19 đến tình trạng sức khỏe tinh thần của trẻ em và thanh thiếu niên.

Nguồn: unicef.org
Nguồn: unicef.org

Tuổi thơ bị "đánh mất"

Khoảng gần 2 năm qua là quãng thời gian thách thức đối với tất cả mọi người nhưng đặc biệt hơn đối với những đối tượng là trẻ em và thanh thiếu niên. Vì để bảo đảm sự an toàn, cũng như kiểm soát được dịch bệnh, tất cả các quốc gia đều phải thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa mọi hoạt động xã hội. Điều này đã làm cho những đối tượng đang phát triển tò mò về thế giới bên ngoài phải ở nhà, xa bạn bè, trường lớp, cũng như hoàn toàn mất đi những không gian hoạt động ngoại khóa, điều đó vô hình trung khiến các em mất đi một khía cạnh của tuổi thơ. Hơn nữa, những khoảng cách đáng kể giữa nhu cầu sức khỏe tâm thần và kinh phí dành cho vấn đề này vẫn đang tồn tại, và chỉ có khoảng 2% ngân sách y tế công cộng được phân bổ cho sức khỏe tâm thần trên toàn thế giới.

Theo các thống kê toàn cầu gần đây nhất, trong 7 thanh thiếu niên thì có từ 1 đến 2 em, từ 10 - 19 tuổi đang sống cùng chứng rối loạn tâm thần được chẩn đoán, và hơn 1,6 tỷ trẻ em, thanh thiếu niên toàn cầu bị ảnh hưởng tiêu cực tới việc học hành. Đại dịch đã khiến cuộc sống hàng ngày, giáo dục, vui chơi giải trí bị gián đoạn và mối lo lắng về thu nhập, cùng sức khỏe gia đình đã khiến nhiều người trẻ cảm thấy sợ hãi, tức giận và lo lắng về tương lai. Một cuộc khảo sát với hơn 7.000 người từ 9 - 24 tuổi cho thấy, 48% số người cho biết, cuộc sống học đường năm 2020 của họ đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Không những vậy, mức độ căng thẳng trong học tập đã tăng lên đối với hầu hết học sinh, và điều này đặc biệt cao đối với lứa từ 13 tuổi trở lên.

Khi được hỏi về những mối quan hệ cá nhân, hơn 26% học sinh cho biết các em không còn giao lưu với bạn bè nhiều như trước do tác động của các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài liên tục. Hơn nữa, việc học trực tuyến cũng khiến thời gian sử dụng Internet của thanh thiếu niên tăng, điều này có thể dẫn tới việc những người trẻ tuổi bị nghiện Internet, điện thoại thông minh và lạm dụng quá nhiều. Theo số liệu thống kê do dịch vụ bảo hiểm Y tế quốc gia tại Hàn Quốc cung cấp, số bệnh nhân mắc chứng rối loạn hoảng sợ ở độ tuổi vị thành niên là hơn 4.500 người vào năm 2020, con số này tăng gấp đôi so với 4 năm trước. Số bệnh nhân thanh thiếu niên liên quan đến trầm cảm cũng tăng 64% so với cùng kỳ.

Cần biện pháp bảo vệ và hỗ trợ

Sức khỏe tâm thần cũng giống như sức khỏe thể chất là một trạng thái tích cực, nó làm nền tảng cho khả năng suy nghĩ, cảm nhận, học hỏi, làm việc, xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa và đóng góp cho cộng đồng nói riêng và thế giới nói chung. Có những bước và cách tiếp cận cụ thể cho gia đình, nhà trường và cộng đồng nhằm thúc đẩy, bảo vệ và chăm sóc tốt hơn cho hạnh phúc của trẻ em và thanh thiếu niên. Mục tiêu là toàn xã hội phải chấm dứt kỳ thị liên quan đến sức khỏe tâm thần và cần có những hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn để nuôi dưỡng hạnh phúc, cũng như nhận ra các yếu tố đe dọa đến sức khỏe tâm thần. Việc xây dựng và phân bổ ngân sách cho Chiến lược Sức khỏe tâm thần quốc gia cho trẻ em và thanh thiếu niên là cần thiết để xây dựng nền tảng đó.

Hiện nay một số nghiên cứu đã được chứng minh cho thấy những can thiệp trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội là có hiệu quả, như các chương trình làm cha mẹ và các chương trình trong các nhà trường. Sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền, trải nghiệm và môi trường từ thời thơ ấu, bao gồm phương pháp nuôi dạy, việc học hành, ảnh hưởng từ các mối quan hệ... đều góp phần hình thành và tác động đến sức khỏe tâm thần trong suốt cuộc đời của trẻ em.

UNICEF đã đưa ra những giải pháp mang tính cấp bách để giúp trẻ vượt qua những thời gian khó khăn trong lúc đại dịch và sau đại dịch. Khẩn cấp đầu tư cho sức khỏe tâm thần của trẻ em và trẻ vị thành niên, không chỉ trong ngành y tế mà còn nhiều ngành khác nhằm hỗ trợ phương pháp tiếp cận toàn xã hội trong công tác phòng ngừa, thúc đẩy và chăm sóc; tích hợp và phát triển các biện pháp can thiệp trong lĩnh vực y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó cần có những giải pháp để giảm thiểu sự kỳ thị, thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn về sức khỏe tâm thần, giúp chúng ta có cái nhìn rộng hơn về những trải nghiệm của trẻ em và thanh thiếu niên một cách nghiêm túc.

Như Ý