Những "thực hành tốt" cần nhân rộng

- Thứ Sáu, 14/05/2021, 07:29 - Chia sẻ
Cách ứng phó với dịch Covid-19 của các địa phương đang trở nên chủ động hơn, linh hoạt hơn để bảo đảm chống dịch hiệu quả mà không ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của người dân. Những cách làm mới, những giải pháp ứng phó mới của Bắc Giang, của Hà Nội gần đây là điểm sáng và cần được nhân rộng như những “thực hành tốt” để tiến tới “sống chung” với dịch.

Với Bắc Giang, việc địa phương này chủ động lên kế hoạch và hỗ trợ sát sao người dân để việc mua bán vải thiều trong mùa vụ sắp tới diễn ra thuận lợi nhất có thể, là rất đáng ghi nhận.

Cụ thể, Bắc Giang sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến, kết nối các tỉnh, thành phố trong cả nước và nhiều điểm cầu tại Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia… để hỗ trợ tiêu thụ vải thiều. Theo kế hoạch của tỉnh, ngày 8.6, hội nghị trực tuyến với quy mô quốc tế, gồm 21 điểm cầu tại Việt Nam, 4 điểm cầu tại tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), 2 điểm cầu tại Nhật Bản, 1 điểm cầu tại Singapore, 1 điểm cầu tại Australia sẽ được tổ chức.

Ở cấp độ cấp huyện, một số nơi cũng có giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm an toàn khi thương nhân nước ngoài đến thu mua vải tại địa phương. Ví dụ, UBND huyện Lục Ngạn có kế hoạch tổ chức đưa lực lượng công an và y tế trực tiếp lên Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đón các thương nhân về 8 điểm cách ly có đủ điều kiện cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn dự kiến, công tác đón đoàn thương nhân vẫn chưa thể triển khai nhưng những sáng kiến, kế hoạch chủ động như vậy là cần thiết và đáng được biểu dương.

Tại Hà Nội, địa phương có số ca nhiễm bệnh cao nhất tính đến nay trong đợt dịch này, các hoạt động kinh tế cơ bản vẫn diễn ra bình thường. Việc khoanh vùng nhanh, cách ly diện hẹp giảm thiểu được đáng kể mức độ ảnh hưởng đến các mặt đời sống của người dân.

Ngay chiều qua, Hà Nội công bố kế hoạch cho phép học sinh nghỉ học sớm 2 tuần, tạm hoãn thi học kỳ và tổng kết năm học lùi lại sang thời gian nghỉ hè. Những đề xuất mạnh dạn hơn cũng đang được đưa ra và cần cân nhắc, ví dụ xét lên lớp thay vì tổ chức thi tập trung. Trong bối cảnh dịch có thể còn kéo dài, thay đổi phương thức đánh giá để xét lên lớp có thể là giải pháp phù hợp cho cả trong dài hạn.

Nhìn rộng ra cả nước, rõ ràng kế hoạch ứng phó cũng như những cách làm cụ thể ở các địa phương đã có sự cải thiện rõ rệt xét về mức độ chủ động, linh hoạt và nhanh nhạy. Việc các tỉnh có dịch không cần phải giãn cách xã hội toàn tỉnh; thay vào đó, tùy tình hình dịch ở từng vùng; từng huyện, từng xã, từng thôn xóm để áp dụng các mức độ giãn cách đang cho thấy hiệu quả tốt. Cách làm này giảm được việc “đóng băng” hoạt động kinh tế - xã hội diện rộng, theo đó giảm các thiệt hại kinh tế mà dịch bệnh gây ra.

Hy vọng rằng sự chủ động và tích cực của bộ máy chính quyền sẽ còn được phát huy rộng hơn nữa trong lĩnh vực thúc đẩy kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh. Cách làm tốt của Bắc Giang gợi ý rằng, thúc đẩy thông thương bằng tiếp thị, hội nghị trực tuyến để kết nối kinh doanh là hướng đi tốt. Có thể mở rộng thêm bằng các sáng kiến hữu ích khác bao gồm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu trực tuyến thông qua các nền tảng thương mại điện tử.

Sẽ còn rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến, phục vụ phát triển kinh tế như vậy, từ tiếp thị, đến hải quan; kiểm soát chất lượng hàng hoá; xử lý tranh chấp hợp đồng và pháp lý… Nếu có quyết tâm, có sự chủ động và thực sự vì người dân, chắc chắn những bài toán trên sẽ có lời giải để kinh tế tiếp tục duy trì và phát triển trong giai đoạn dịch còn nhiều bất trắc, khó khăn.

Cẩm Phô