Phương thức bầu Hạ viện
Theo những quy định mới về bầu cử trong khuôn khổ Hiến pháp 2017, 500 thành viên của Hạ viện có nhiệm kỳ 4 năm được bầu theo một hệ thống bầu cử hỗn hợp. Nếu trước kia, các cử tri có hai lá phiếu để bầu các thành viên Hạ viện, một bầu cho cá nhân ứng cử viên theo đơn vị bầu cử (đơn vị bầu cử 1 thành viên), và một bầu cho danh sách đảng chính trị. Nhưng theo hệ thống bầu cử mới, các cử tri chỉ có 1 lá phiếu để bầu vừa cho cá nhân ứng cử viên, vừa cho danh sách đảng.
Cụ thể, các cử tri sẽ bầu 350 ghế hạ nghị sĩ (tương ứng với 350 đơn vị bầu cử là 350 quận) theo phương thức đa số tuyệt đối 1 vòng. Ứng cử viên nào dành được đa số tuyệt đối sẽ được trúng cử. Còn 150 ghế còn lại của Hạ viện sẽ được bầu theo danh sách đảng phái, nhưng cũng căn cứ trên tổng số phiếu mà đảng đó vừa nhận được. Có nghĩa, cứ 1 phiếu mà ứng cử viên của đảng nào đó dành được trong khi bầu 350 nghị sĩ, cũng được tính là 1 phiếu dành cho đảng đó trong cuộc bầu chọn 150 thành viên còn lại. Số ghế còn lại của một đảng được tính bằng tổng số phiếu đảng đó dành được trong cuộc tổng tuyển cử nhân với tổng số ghế hạ viện (500) trừ đi số ghế mà đảng đó đã có được trong quá trình bầu chọn 350 ghế đầu tiên.
Tuy nhiên, vào năm 2021, một điểm sửa đổi trong Hiến pháp đã đưa đến những thay đổi trong nguyên tắc bầu Hạ viện nhằm khôi phục hệ thống bỏ phiếu song song trước năm 2017 và loại bỏ cơ chế đại diện theo tỷ lệ. Theo đó, 400 nghị sĩ sẽ được bầu từ các đơn vị bầu cử một thành viên và 100 nghị sĩ được lựa chọn trên cơ sở "đại diện theo tỷ lệ" của danh sách đảng phái, như được quy định trong Hiến pháp năm 2007 của Thái Lan.
Phương thức bầu Thượng viện
Điều khoản tạm thời của Hiến pháp năm 2017 quy định, thời gian đầu, Thượng viện Thái Lan là một cơ quan phi đảng phái gồm 250 thành viên với nhiệm kỳ 5 năm. Việc tuyển chọn các thượng nghị sĩ được thực hiện bởi Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO - chính quyền quân sự Thái Lan được thành lập để điều hành đất nước sau cuộc đảo chính năm 2014) theo quy trình chọn lựa và bổ nhiệm như sau: 50 thượng nghị sĩ được được bầu sau một quá trình thương lượng liên nhóm giữa các nhóm xã hội và chuyên gia khác nhau; 194 thượng nghị sĩ do Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia (NCPO) lựa chọn trực tiếp và 6 đại biểu còn lại dành cho người đứng đầu 3 binh chủng trong lực lượng vũ trang (lục quân, hải quân và không quân), Tổng tham mưu trưởng quân đội cấp cao, Thư ký trường trực Bộ Quốc phòng và Tư lệnh cảnh sát quốc gia.
Ứng viên chức danh thượng nghị sĩ được chỉ định phải đủ các tiêu chuẩn sau đây: Là công dân được sinh ra tại Thái Lan; có độ tuổi trên 40; có ít nhất 1 bằng tốt nghiệp Đại học. Ứng viên chức danh thượng nghị sĩ được bầu cử phải đủ các tiêu chuẩn sau đây: là công dân được sinh ra và lớn lên tại địa phương nơi được bầu; không có vợ/chồng hoặc con là thành viên trong Hạ viện hoặc nắm bất cứ chức vụ của bất kỳ đảng phái chính trị nào. Ngoài ra, trong vòng 5 năm, không được là thành viên của bất kỳ đảng phái chính trị nào, không được là thành viên của Hạ viện, không được giữ bất kỳ chức vụ nào trong các cơ quan chính phủ cũng như địa phương.
Ngày 14.5.2019, Công báo Hoàng gia đã đăng danh sách 250 thượng nghị sĩ được Hoàng gia phê chuẩn. Đây là lần đầu tiên Thượng viện được tái lập sau khi cơ quan này bị giải thể hồi năm 2014 bởi cuộc đảo chính quân sự.
Phương thức bầu Thủ tướng
Theo quy trình bầu Thủ tướng năm 2011, Thượng viện không tham gia bầu Thủ tướng. Ứng cử viên Thủ tướng phải là Hạ nghị sĩ và chức danh này chỉ do Hạ viện bầu.
Theo Hiến pháp mới, cả Thượng viện và Hạ viện sẽ tham gia bầu Thủ tướng. Ứng cử viên thủ tướng phải là người do một đảng chính trị đề cử nếu đảng đó có ít nhất 25 ghế. Mỗi đảng chính trị có thể đề cử tối đa 3 ứng cử viên cho chức thủ tướng trước cuộc bầu cử. Những ứng cử viên này không nhất thiết phải là thành viên của Hạ viện hay thành viên của một đảng chính trị miễn là họ đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý.
Một ứng cử viên sẽ trở thành Thủ tướng nếu dành được 50% + 1 phiếu của Quốc hội 750 ghế (500 Hạ viện và 250 Thượng viện), như vậy một ứng cử viên sẽ cần phải có 376 phiếu ủng hộ để được bầu làm Thủ tướng.
Chủ tịch Quốc hội
Theo Hiến pháp 2017, mỗi viện lập pháp Thái Lan có 1 chủ tịch và 1 - 2 phó chủ tịch do Quốc vương Thái Lan chỉ định trong số những thành viên của viện đó. Chủ tịch Hạ viện sẽ đồng thời là chủ tịch Quốc hội, còn chủ tịch Thượng viện sẽ đồng thời là phó chủ tịch Quốc hội. Khi giữ vị trí của mình, chủ tịch và các phó chủ tịch sẽ không được là thành viên của bất kỳ ủy ban điều hành nào của các đảng phái chính trị. Yêu cầu này nhằm bảo đảm tính trung lập của vị trí này.
Chủ tịch Quốc hội ngoài việc giữ vị trí cao nhất trong các cuộc họp chung của hai viện, còn là lãnh đạo nhánh lập pháp Thái Lan. Hiến pháp trao cho Chủ tịch Quốc hội khá nhiều quyền lực. Với tư cách là người đứng đầu nhánh lập pháp, Chủ tịch Quốc hội có quyền phê chuẩn quyết định bổ nhiệm hoặc bãi miễn của Quốc vương đối với Hội đồng Cơ mật và Nhiếp chính (người đảm nhiệm các công việc và tạm quyền cho Quốc vương Thái Lan khi ngai vàng bị bỏ trống hoặc Quốc vương không có khả năng hoạt động); yêu cầu người thừa kế ngai vàng lên ngôi; yêu cầu Quốc vương triệu tập phiên họp bất thường của Quốc hội.
Với tư cách là người lãnh đạo, điều hành hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch giữ vị trí chủ tọa điều hành các phiên họp của Quốc hội (trong trường hợp phiên họp chung hai viện) và các phiên họp của Hạ viện. Để thực hiện nhiệm vụ này, Chủ tịch được trao các quyền như: cho phép các nghị sĩ phát biểu và thể hiện quan điểm; bảo đảm các nghị sĩ phải tuân thủ các quy tắc thảo luận, duy trì trật tự và nghi lễ trong cuộc họp; điều chỉnh thời gian phân bổ cho việc thảo luận; đặt ra các nguyên tắc tranh luận theo quy trình… Trong quá trình chủ tọa, chủ tịch bảo đảm tất cả các cuộc thảo luận không bị gián đoạn. Nghị sĩ làm ảnh hưởng đến việc thảo luận sẽ bị chủ tọa nhắc nhở, thậm chí mời ra khỏi phòng họp.
Khi thực hiện vai trò chủ tọa phiên họp, chủ tịch Quốc hội không tham gia tranh luận hoặc biểu quyết về bất kỳ vấn đề nào. Yêu cầu này đặt ra nhằm bảo đảm tính trung lập của chủ tọa. Chỉ khi có những tình huống số lượng biểu quyết ngang nhau tại Quốc hội, thì lá phiếu của Chủ tịch sẽ mang tính quyết định.
Bên cạnh đó, Chủ tịch quyết định một số vấn đề liên quan đến quy trình ra quyết định của Quốc hội như việc phê chuẩn chương trình làm việc của Quốc hội. Chủ tịch cũng là người được giao trách nhiệm ký chứng thực các văn bản của Quốc hội. Chủ tịch cũng quản lý các vấn đề hành chính của Quốc hội chẳng hạn như bảo đảm an ninh trong Quốc hội; quản trị việc vận hành hệ thống hành chính của Quốc hội, quyết định một số vấn đề liên quan đến ngân sách…
Với tư cách là người thay mặt cho Quốc hội trong các mối quan hệ với các cơ quan khác và các quan hệ đối ngoại, Chủ tịch Quốc hội chịu trách nhiệm bổ sung vị trí khi một vị trí nghị sĩ bị khuyết và trình danh sách gửi để đăng trên Công cáo Hoàng gia; trình Quốc vương tên ứng cử viên Thủ tướng được Quốc hội thông qua và sau đó tiếp ký quyết định bổ nhiệm chính thức của Quốc vương; tiếp ký quyết định bổ nhiệm của Quốc vương đối với chức danh lãnh đạo phe đối lập. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội còn giữ vị trí thành viên đương nhiên của Ủy ban Lựa chọn. Đây là cơ quan chịu trách nhiệm bầu chọn các thành viên của các cơ quan độc lập theo Hiến pháp như Tòa án Hiến pháp, Ủy ban Bầu cử, Tổng Kiểm toán và Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia.