75 năm kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Việt Nam (2.3.1946 - 2.3.2021)

Những thành tựu vĩ đại của một thời kỳ "máu lửa"

- Thứ Ba, 02/03/2021, 08:26 - Chia sẻ
Trong hoàn cảnh thực dân Pháp mưu toan cướp nước ta một lần nữa, chiến tranh do chúng gây ra đã lan rộng và ngày càng ác liệt trên toàn cõi Việt Nam; bọn phản động chống phá điên cuồng, nhưng cuộc Tổng tuyển cử ngày 6.1.1946 đã kết thúc thắng lợi vang dội. Dù còn bộn bề công việc kháng chiến, kiến quốc, nhưng chỉ chưa đầy hai tháng sau ngày Tổng tuyển cử, Quốc hội đã tổ chức kỳ họp đầu tiên thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn lịch sử hào hùng cho đến tận hôm nay và mai sau. 

Bài 1:  Tận lực đưa dân tộc Việt Nam tiến nhanh tới vinh quang, cường thịnh   

TS Bùi Ngọc Thanh

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

75 năm trước, ngày 2.3.1946, Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã được khai mạc tại Nhà hát Lớn. Quốc hội đã thông qua "Tuyên ngôn của Quốc hội" nêu rõ: "Nền độc lập và dân chủ đã được lập nên nhờ sự đoàn kết, hy sinh và chiến đấu của toàn dân... Quốc hội Việt Nam kiên quyết bảo vệ đến cùng nền độc lập và lãnh thổ của quốc gia và quyền tự do của nhân dân Việt Nam. Quốc hội Việt Nam ra lệnh cho toàn thể quốc dân tận lực chống giữ giang sơn và xây dựng lại Tổ quốc để dân tộc Việt Nam tiến nhanh tới vinh quang, cường thịnh". 

Xây đắp nền dân chủ cộng hòa 

Sáng 2.3.1946, gần 300 đại biểu đã có mặt tại Nhà hát Lớn để tiến hành lễ khai mạc Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội. Chính giữa diễn đàn Nhà hát là lá cờ đỏ sao vàng, hai bên treo cờ các đảng, phái khác, và nổi bật là khẩu hiệu lớn “Kháng chiến - Kiến quốc”. Cụ Ngô Tử Hạ là đại biểu cao tuổi làm Chủ tịch kỳ họp, hai đại biểu trẻ là Nguyễn Đình Thi và Đào Thiện Thi làm thư ký kỳ họp. Trong phiên họp đã có hơn 100 bức điện của đồng bào khắp cả nước gửi về chào mừng Quốc hội và tin tưởng Quốc hội sẽ sáng suốt lãnh đạo quốc dân. Khai mạc kỳ họp, nhạc “Tiến quân ca” và “Hồn tử sĩ” được cử hành nghiêm trang. Nhân danh Chính phủ liên hiệp lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc Toàn quốc Đại hội đại biểu, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Mở đầu báo cáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu bật ý nghĩa thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6.1.1946, đã “tỏ cho thế giới, cho toàn dân biết là chúng ta đã đoàn kết nhất trí”. Người đề nghị với Quốc hội mở rộng số đại biểu ra thêm 70 người nữa ở hải ngoại về là Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội. Tất cả đại biểu đã giơ tay tán thành đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các đại biểu vừa được Quốc hội công nhận được mời vào hội trường.

Người báo cáo tiếp những công việc mà Chính phủ liên hiệp lâm thời đã thực hiện từ sau ngày công bố Tuyên ngôn độc lập đến nay, đó là thực hiện sự đoàn kết toàn dân, “Vua cũng thoái vị để làm người bình dân của nước tự do. Vua Bảo Đại đã trở nên ông Vĩnh Thụy, tối cao cố vấn cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam”(1). Mặc dù gặp nhiều khó khăn sau khi giành được chính quyền, song "nhờ ở sự ủng hộ nhiệt liệt của toàn thể đồng bào và lòng kiên quyết phấn đấu của Chính phủ, chúng ta đã làm được một số việc: 

- Việc thứ nhất là ra sức kháng chiến.

- Việc thứ hai là giảm bớt sự đói kém bằng cách thực hành tăng gia sản xuất.

- Việc thứ ba là Chính phủ đã tổ chức một cuộc Tổng tuyển cử.

- Việc thứ tư là do kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ấy mà có Quốc hội hôm nay”(2).

Người nói tiếp: “Đồng thời Chính phủ cũng phải thừa nhận trước Quốc hội là còn nhiều việc lớn lao hơn nữa nên làm nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên Chính phủ chưa làm hết”(3). Gánh nặng đó “Chính phủ để lại cho Quốc hội, cho Chính phủ mới mà Quốc hội cử ra”. Thay mặt Chính phủ cũ, Người hứa với Quốc hội, với Chính phủ mới và quốc dân sẽ “hết sức đem tài năng cống hiến cho Tổ quốc”. Người tuyên bố, Chính phủ liên hiệp lâm thời xin trao quyền cho Quốc hội để tổ chức một Chính phủ mới.

Thư ký kỳ họp Nguyễn Đình Thi thay mặt Quốc hội đọc lời đáp từ của Quốc hội, nêu rõ những thành tích của Chính phủ liên hiệp lâm thời với nội dung như sau: “Ngay sau khi thành lập, Chính phủ lâm thời phải đối phó với nhiều việc hết sức khó khăn. Thực dân Pháp xâm lược Nam Bộ, miền Nam Trung Bộ và biên giới Việt - Lào; nạn đói đe dọa Bắc Bộ và miền Bắc Trung Bộ; công quỹ trống rỗng; của cải nhân dân bị đế quốc Pháp, Nhật vơ vét; kinh tế đình trệ, Chính phủ lâm thời lãnh đạo quốc dân vượt qua trở lực ấy. Mặt trận dân tộc thống nhất chống xâm lăng ngày một thêm vững, cuộc trường kỳ kháng chiến đem đến những kết quả đầu tiên. Bên trong, công cuộc tăng gia sản xuất cùng với những phương sách tài chính thích hợp đã gìn giữ đời sống cho dân. Đối với nước ngoài, đã gây được tình thân thiện.

Chính quyền vừa giành được, nền dân chủ cộng hòa đã được xây đắp ngay. Chế độ phổ thông đầu phiếu được thi hành, và cuộc tổng tuyển cử ngày 6 tháng Giêng năm 1946 đã thành lập Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam.

Nhờ sự chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh,

Nhờ sự ủng hộ và lòng hy sinh của toàn thể quốc dân,

Chính phủ lâm thời đã làm được nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc trong tình thế nghiêm trọng của nước nhà” (4).

Toàn cảnh khai mạc Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Việt Nam

Ảnh: TL 

Kiên quyết bảo vệ nền độc lập dân tộc, quyền tự do của nhân dân 

Báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lời lẽ hết sức khiêm nhường và giản dị. Nhưng thực ra bốn khối công việc mà Chính phủ lâm thời đã thực hiện đều là những nhiệm vụ đại sự của quốc gia. Chỉ nói riêng về tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đã là một sự kiện có một không hai. Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện cách mạng ngàn cân treo sợi tóc, khó khăn chồng chất khó khăn, nhân dân ta vừa thoát khỏi cuộc đời nô lệ hàng nghìn năm phong kiến áp bức, ngót trăm năm thuộc địa lầm than, lại trải qua nạn đói với 2 triệu người chết...

Trong điều kiện như thế, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định tổ chức Tổng tuyển cử là một quyết định dũng cảm, táo bạo. Tất nhiên, đó không phải là sự phiêu lưu, mạo hiểm, mà xuất phát từ bản lĩnh chính trị sắc bén, khoa học và thực tiễn sâu sắc, Đảng và Bác tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân - một nhân dân có truyền thống yêu nước, được cách mạng giác ngộ, vừa vùng dậy “một ngày bằng hai mươi năm” làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. Sự vĩ đại của Đảng và Bác chính là đã khơi nguồn và tổ chức nhân lên gấp bội lần sức mạnh nhân dân để làm nên thắng lợi. Thực tiễn cho thấy nhân dân ta đã kiên quyết ủng hộ Tổng tuyển cử, bảo vệ triệt để Tổng tuyển cử, hy sinh cho Tổng tuyển cử, và sáng suốt trong bầu cử...

Tại kỳ họp đầu tiên này, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Tuyên ngôn của Quốc hội. Trong Tuyên ngôn có đoạn, “Nền độc lập và dân chủ đã được lập nên, nhờ sự đoàn kết, hy sinh và chiến đấu của toàn dân... Quốc hội Việt Nam kiên quyết bảo vệ đến cùng nền độc lập và lãnh thổ của quốc gia và quyền tự do của nhân dân Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam ra lệnh cho toàn thể quốc dân tận lực chống giữ giang sơn và xây dựng lại Tổ quốc để dân tộc Việt Nam tiến nhanh tới vinh quang, cường thịnh”(5).

Thay mặt toàn thể quốc dân, Quốc hội trịnh trọng cảm ơn Chính phủ lâm thời và tuyên bố Chủ tịch Hồ Chí Minh “xứng đáng với Tổ quốc”. Toàn thể hội trường vang lên tiếng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt lời tuyên bố của Quốc hội. Tiếp theo, cụ Ngô Tử Hạ - Chủ tịch kỳ họp nhận lời từ chức của Chính phủ lâm thời. Tất cả các thành viên Chính phủ lâm thời bước xuống diễn đàn. Quốc hội bắt đầu thảo luận việc thành lập bộ máy nhà nước.

_____________

(1) Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 - 1960, NXB. Chính trị Quốc gia, HN. 1994, trang 69.

(2), (3),(5) Văn kiện Quốc hội toàn tập, Tập I, NXB. Chính trị Quốc gia, HN. 2006, trang 43, 53, 54.

(4) Quốc hội Việt Nam dân chủ cộng hòa, Khóa họp thứ nhất, Hồ sơ số 1, Văn phòng Quốc hội.