Thành công chinh phục kỳ thi Bác sĩ nội trú
Nguyễn Thị Nguyệt (24 tuổi) sinh ra trong một gia đình thuần nông, có 5 anh chị em tại xã Nghi Ân, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Em gái Nguyệt đang phải khám và điều trị thuốc hàng tháng. Mẹ là trụ cột chính, bị thoát vị đĩa đệm nhưng không dám điều trị, sợ không đủ tiền nuôi các con ăn học.
Ngay từ nhỏ, Nguyệt nhận thức được việc nuôi 5 người con đều đang trong độ tuổi đến trường là áp lực đè nặng lên đôi vai của bố mẹ. Thấu hiểu nỗi vất vả này, em sớm xác định mục tiêu cố gắng học tập để vượt lên hoàn cảnh, hỗ trợ kinh tế gia đình.
Ấp ủ ước mơ trở thành bác sĩ từ bé, Nguyệt tập trung học tập tốt môn Sinh học. Em là cựu học sinh lớp chuyên Sinh Trường Chuyên Đại học Vinh, Nghệ An; liên tiếp đạt giải Nhất học sinh giỏi cấp trường, giải Nhất Học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học và đạt học bổng khuyến khích học tập nhiều năm liền. Đặc biệt, từng có thời gian hoạt động tại câu lạc bộ "Ngân hàng máu sống Thành Vinh" càng củng cố hơn mong muốn được đóng góp cho cộng đồng y học, cứu chữa người bệnh trong cô gái nhỏ.
Nhờ nền tảng kiến thức Sinh học vững chắc, khi đăng ký vào Đại học Y Hà Nội, Nguyệt cho hay hầu như không gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận kiến thức lý thuyết cơ sở ngành. Nguyệt đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội phân hiệu tại Thanh Hóa, chuyên ngành Y Đa khoa với kết quả khá cao.
Sau 6 năm học tập tại Trường Đại học Y Hà Nội phân hiệu tại Thanh Hóa, nữ sinh tốt nghiệp chuyên ngành với bằng Giỏi. Không dừng lại việc học, nữ sinh tiếp tục đăng ký dự thi Bác sĩ nội trú, chuyên ngành Ung thư của Đại học Y Hà Nội. Đây là kỳ thi mà mỗi sinh viên Y khoa chỉ được dự thi duy nhất 1 lần trong đời. Bài thi đầu vào khắc nghiệt, quá trình học và đầu ra đều yêu cầu rất cao, nên mỗi khoá chỉ rất ít bác sĩ nội trú được tuyển chọn.
Kỳ thi Bác sĩ nội trú bao gồm 8 môn, với 4 môn cơ sở (giải phẫu, sinh lý, hóa sinh, sinh học) và 4 môn chuyên ngành (nội khoa, ngoại khoa, sản khoa và nhi khoa). Bởi lượng kiến thức nhiều, trong quá trình ôn, thường xảy ra tình trạng học môn này dễ quên môn kia. Học đi học lại nhiều lần nhưng vẫn có lúc quên kiến thức, khiến nữ sinh cảm thấy áp lực về bản thân.
"Tuy vậy, nếu đã nắm vững kiến thức sẽ thấy giữa các môn có sự liên kết với nhau. Các môn cơ sở là tiền đề để hiểu rõ hơn những môn chuyên ngành", Nữ sinh Nghệ An nhìn nhận.
Ung thư là chuyên ngành được nhiều bác sĩ nội trú lựa chọn trong vài năm gần đây. Trong thời gian là sinh viên năm 5 tại trường Đại học, được thực tập tại bệnh viện, được tiếp xúc với bệnh nhân ung thư và nghe họ kể chuyện, Nguyệt càng có động lực để khẳng định lực chọn của mình là đúng đắn.
Năm nay, chỉ tiêu bác sĩ nội trú Ung thư tại Đại học Y Hà Nội là 20. Thí sinh đỗ kỳ thi nhưng điểm số thấp khó được chọn.
2 tháng trước kỳ thi, Nguyệt kể "cứ mở mắt ra là ngồi ngay vào bàn học". Mỗi ngày, em và các bạn đều đặn đến thư viện để ôn thi, tự học từ sáng đến tối, tranh thủ ăn uống ngay tại trường. Nhiều ngày, Nguyệt học đến nửa đêm, sáng lại dậy sớm để học tiếp. Cuộc sống cứ thế quanh quẩn với những giáo trình Cấp cứu nội khoa, ngoại khoa Ung thư,... không có cả thời gian nghỉ ngơi.
"Có những hôm, em phải dùng thuốc an thần để ngủ và chuẩn bị cho một ngày học tập tiếp theo. Mệt đến mấy em cũng tự nhắc nhở bản thân hãy cố gắng hết sức, để kết quả thế nào cũng không hối hận”, Nguyệt bày tỏ.
Để việc học có hiệu quả, Nguyệt thường lập bảng lịch trình theo tháng, tuần, ngày. Cô học trò xác định mục tiêu học tập cho bản thân ở mỗi năm học, kỳ học và cố gắng đạt được. Không cần đặt mục tiêu quá cao, nhưng đủ đánh giá quá trình học tập.
Trời không phụ công người cố gắng, Nguyệt thành công đỗ kỳ thi Bác sĩ nội trú, chuyên ngành Ung thư. Ngày biết kết quả, nữ sinh suýt khóc vì vui sướng. Nguyệt nói đây là "quả ngọt" bù đắp cho những nỗ lực đã bỏ ra.
Dũng cảm hành động, hiện thực hóa ước mơ
Trong những năm tháng đại học, để có tiền chi trả học phí và nuôi dưỡng ước mơ của bản thân, Nguyệt đăng ký làm thêm nhiều công việc khác nhau. Từ chạy bàn ở quán cà phê, phục vụ ở quán nước, bán đồ nông sản ở lề đường, gia sư, nhân viên lễ tân, đánh máy kết quả, dọn dẹp vệ sinh ở phòng khám tư…, hễ công việc nào cảm thấy làm được, em đều thử sức.
Nguyệt tâm sự, những công việc này không chỉ mang đến thu nhập, mà còn giúp em vượt qua nỗi sợ, sự tự ti, dũng cảm chấp nhận bản thân và hoàn cảnh gia đình. Khi được tiếp xúc với nhiều công việc khác nhau, Nguyệt hiểu được sự vất vả của các ngành nghề, từ đó học được cách quản lý tiền bạc và thời gian.
"Em từng thắc mắc rất nhiều điều gắn liền với nỗi sợ hãi: Liệu gia đình có đủ sức để nuôi mình đi học không, liệu việc đi làm thêm hay tham gia hoạt động có ảnh hưởng tới việc học tập của mình nhiều không, việc đứng ra trước tập thể có làm mình xấu hổ và tự ti hơn không. Nhưng khi bắt tay lên kế hoạch và làm từ những bước nhỏ nhất, em thấy mọi thứ không phải là không thể, cứ dũng cảm làm sẽ hiện thực hóa được ước mơ", cô gái nhỏ với nụ cười tươi sáng nhắn gửi.
Chia sẻ với các tân bác sĩ nội trú, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, GS Nguyễn Hữu Tú nhấn mạnh việc đạt kết quả cao ở kỳ thi thể hiện thành quả nhiều năm học tập. Tuy nhiên, không phải bác sĩ nội trú nào cũng thành công.
"Chuyên ngành nào cũng có sự vất vả. Tôi mong các em đừng coi thường, tiếp tục cố gắng hết sức và học tập nghiêm túc trong ba năm tới. Các em phải lăn lộn, dấn thân để có đam mê với chuyên ngành đã lựa chọn. Có đam mê thì mới có thể thành công", Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho hay.
Nhìn lại hành trình đã đi qua, Nguyệt Thị Nguyệt không cảm thấy nuối tiếc vì đã luôn nỗ lực, cố gắng. Em đặt mục tiêu hoàn thành tốt chương trình học trong 3 năm tới; tìm kiếm, mở rộng các mối quan hệ trong ngành y và học thêm một ngoại ngữ mới.