Thủ tướng Ishiba dự định kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử lập pháp sớm vào ngày 27.10 tới, với hy vọng sự ủng hộ của cử tri sẽ mang lại tính chính danh cho đảng của ông. Tuy nhiên, vận mệnh chính trị của ông có lâu dài hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào cách xử lý hai vấn đề chính: giải quyết vụ bê bối quỹ đen trong nội bộ đảng, đã khiến người tiền nhiệm Fumio Kishida phải ra đi và cải cách kinh tế với các mục tiêu rõ ràng hướng tới phân phối lại của cải và tăng lương.
Thách thức đoàn kết
Ông Ishiba trở thành Thủ tướng sau cuộc cạnh tranh gay gắt vào ghế lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Chiến thắng của ông được coi là bất ngờ vì ông từng thất bại trong các cuộc chạy đua giành quyền lãnh đạo LDP từ năm 2008 đến năm 2020. Cuộc đua năm nay chứng kiến tới 9 ứng cử viên tham gia, điều chưa từng xảy ra trước đây. Bà Sanae Takaichi - một đồng minh của cố Thủ tướng Shinzo Abe - dẫn đầu vòng bỏ phiếu đầu tiên. Ông Ishiba ở vị trí thứ hai, nhưng ông đã lật ngược tình thế để giành được quyền lãnh đạo sau vòng bỏ phiếu thứ hai với sự ủng hộ của các nhà lập pháp. Hơn nữa, họ kỳ vọng ông Ishiba sẽ thu hút được những cử tri có quan điểm trung dung, không quá thiên về bên nào và thường là nhóm quyết định kết quả bầu cử.
Mặc dù giành được vị trí Chủ tịch đảng cầm quyền và sau đó được Quốc hội, do LDP chiếm đa số, bầu làm Thủ tướng, nhưng chiến thắng của ông đã phơi bày tình trạng chia rẽ sâu sắc trong LDP. Bà Takaichi và những người ủng hộ bà vẫn là thế lực mạnh mẽ, có thể nổi lên bất kỳ lúc nào. Với vị thế tương đối yếu của tân Thủ tướng trong đảng, "dẹp yên" tình trạng bè phái nội bộ này sẽ rất quan trọng nếu ông muốn ổn định quyền lãnh đạo của mình và giảm áp lực từ phe bảo thủ theo chủ nghĩa dân tộc trong LDP.
Cuộc bầu cử trước thời hạn, được kỳ vọng sẽ củng cố quyền lực cho đảng. Thực tế, kể từ khi được thành lập vào năm 1955, LDP đã cầm quyền gần như liên tục tại Nhật Bản, chỉ có hai lần gián đoạn ngắn ngủi (giai đoạn 1993 - 1994 và 2009 - 2012). Vì vậy, đảng này được dự đoán là gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp diễn ra, bất chấp thái độ chờ đợi và xem xét của công chúng. Phe đối lập vẫn yếu và chia rẽ, trong khi tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ngày càng thấp kể từ năm 2012 đã ủng hộ LDP trong các cuộc bầu cử gần đây. Bên cạnh đó, việc di cư từ nông thôn ra thành thị khiến phiếu bầu ở các thành trì nông thôn ủng hộ LDP có giá trị hơn phiếu bầu ở thành thị. Tuy nhiên, trong khi LDP đang trên đà chiến thắng, câu hỏi đặt ra là mức độ chiến thắng ở mức nào và có đủ để ổn định và bảo đảm vị trí cho Thủ tướng Ishiba hay không.
Một cuộc thăm dò do Asahi Shimbun thực hiện vào ngày 1 - 2.10.2024 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Ishiba là 46%, và 30% không tán thành. Mặc dù 16% số người được hỏi cho biết quan điểm của họ về LDP đã được cải thiện khi ông nắm quyền, nhưng có tới 64% người được hỏi cho biết ấn tượng của họ vẫn không thay đổi.
Một trong những vấn đề chính đe dọa đến khả năng lãnh đạo của Thủ tướng Ishiba là vụ bê bối quỹ đen đã làm rung chuyển LDP. Trong cuộc đua giành quyền lãnh đạo LDP, ông từng cam kết sẽ điều tra kỹ lưỡng những người liên quan và buộc họ phải chịu trách nhiệm, từ đó làm dấy lên nhiều kỳ vọng về cải cách. Tuy nhiên, sau khi chiến thắng, ông trở nên mềm mỏng hơn và giao trách nhiệm giải quyết cho ban chiến lược bầu cử của LDP, nơi ông bổ nhiệm ứng viên cũng từng chạy đua với mình vào chiếc ghế Thủ tướng, là Shinjiro Koizumi vào vị trí lãnh đạo. Động thái này đã vấp phải một số chỉ trích, đặc biệt là khi 75% số người được hỏi, theo cuộc thăm dò của Asahi, tin rằng Thủ tướng nên nỗ lực làm rõ tình hình thực tế về vấn đề quỹ đen trong LDP.
Định hình hướng đi kinh tế
Về vấn đề kinh tế, tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ tiếp tục các chính sách ưu tiên phân phối lại của cải và tăng trưởng tiền lương, tiếp tục con đường của người tiền nhiệm Fumio Kishida. Được truyền cảm hứng từ người cố vấn chính trị của mình là cựu Thủ tướng Kakuei Tanaka, ông Ishiba đặt mục tiêu cải thiện cuộc sống của những hộ gia đình thu nhập thấp vượt qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, đồng thời tìm cách thu hẹp sự chênh lệch kinh tế giữa các vùng, đặc biệt là ở nông thôn. Xuất thân từ Tottori, tỉnh ít dân nhất của Nhật Bản, ông rất quan tâm và đặt mục tiêu phục hồi các vùng nông thôn. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm các khoản nợ của Nhật Bản, cũng như tự định vị mình là người ủng hộ trách nhiệm tài chính.
Thủ tướng Ishiba cũng ủng hộ Ngân hàng Nhật Bản dần dần thoát khỏi các chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo, song song với gợi ý nâng thuế doanh nghiệp để hỗ trợ cho chính sách hiện tại của Chính phủ đến năm 2027.
Tuy nhiên, bất chấp những mục tiêu kinh tế rõ ràng trên, vẫn có nhiều lo ngại về tính khả thi và trọng tâm tầm nhìn kinh tế của ông. Nhiều người chỉ ra rằng, ông thiếu chiến lược rõ ràng để hiện thực hóa các tham vọng của mình. Hơn nữa, quyết định bổ nhiệm 4 cựu bộ trưởng quốc phòng vào nội các đã đặt ra câu hỏi về việc liệu Chính phủ đương nhiệm có thể tập trung đủ vào các thách thức kinh tế cấp bách hay không. Thực tế, bản thân ông Ishiba cũng từng kinh qua vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Ngoài kinh tế, người đứng đầu nội các còn phải đối mặt với thách thức từ thực tế Nhật Bản là một trong những quốc gia có dân số già nhất thế giới và có nguồn tài nguyên nghèo nàn. Ông đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ sinh thấp của quốc gia thông qua các biện pháp bao gồm xem xét lại giờ làm việc dài, cũng như mở rộng thêm hỗ trợ cho các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, trong bối cảnh xứ sở Phù Tang hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, Ishina muốn thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo…
Nhiệm kỳ thủ tướng của Shigeru Ishiba diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Nhật Bản. Sự lãnh đạo của ông có thể đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong nền chính trị đất nước, nhưng chỉ khi ông có thể cân bằng và củng cố đoàn kết trong một LDP đang chia rẽ, khôi phục lòng tin của công chúng trước vụ bê bối quỹ đen, hay đáp ứng kỳ vọng của người dân về cải cách chính trị và xây dựng chiến lược kinh tế rõ ràng, hiệu quả để giải quyết khoảng cách giàu nghèo ngày một tăng.