
Tác động có thể có lên tăng trưởng
Vì thiếu vắng nhiều chi tiết quan trọng trong gói kích cầu nên chúng ta khó có thể đưa ra được một đánh giá tổng quát về vấn đề này. Chỉ cần nói đơn giản rằng, các mục tiêu chính sách khác nhau sẽ cho ra những kết quả về tác động lên tăng trưởng khác nhau. Ví dụ, một chính sách kích cầu nhằm vào việc tạo ra nhiều công ăn việc làm trong các ngành công nghiệp thâm dụng lao động (và thường là những ngành có mức giá trị gia tăng thấp) có thể sẽ gây ra một tác động nhỏ hơn lên tăng trưởng so với một chính sách nhằm vào những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao (nhưng thường là những ngành thâm dụng vốn, sử dụng ít lao động).
Tuy vậy, xem xét về cấu thành của gói giải pháp nêu ở trên, có thể thấy một tỷ trọng lớn trong gói kích cầu (bao gồm tối thiểu là 13-15.000 tỷ đồng tiền liên quan đến thuế, 30.000 tỷ đồng vốn vay có bảo lãnh của Chính phủ, và 20-30.000 tỷ đồng tiền lấy từ quỹ dự trữ nhà nước để hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, cộng gộp lại lên tới 60%-70% gói kích cầu) xem ra được dành cho phía cung, chứ không phải là phía cầu của nền kinh tế. Bởi vậy, tác động có thể có của gói kích cầu lên tăng trưởng trở nên càng trở nên khó đánh giá hơn, phụ thuộc nhiều vào việc phía cầu đang suy yếu sẽ phản ứng như thế nào với phía cung tăng lên (ở đây có thể nêu thêm một số kịch bản để cho thấy tính phức tạp của vấn đề, ví dụ như cung tăng lên nhưng giá cả không hạ thì cầu sẽ không tăng, hoặc tăng không tương ứng; hoặc cung tăng lên đi kèm với giá cả hạ đi thì cầu sẽ tăng tương ứng hoặc tăng mạnh hơn vì còn phải tính cả phần cầu mới do một bộ phận lao động được tuyển dụng thêm để sản xuất và làm tăng cung). Xét trên nghĩa này, gói kích cầu mà chúng ta đang nói đến ở đây, về thực chất phải được gọi là “gói kích cung” thì có lẽ mới là hợp lý hơn.
Tác động có thể có lên thâm hụt ngân sách
Nhìn vào cấu thành của gói kích cầu nêu ở trên, điều đáng chú ý là khoản vay thương mại có bảo lãnh của Chính phủ (trị giá 30.000 tỷ đồng, chiếm 30% tổng trị giá gói kích cầu) không phải là một khoản chi tiêu trực tiếp từ ngân sách. Tương tự như vậy, khoản vốn trị giá 1 tỷ đôla (17% gói kích cầu) dùng hỗ trợ lãi suất là khoản lấy từ dự trữ ngoại hối quốc gia, không được hạch toán vào trong bảng cân đối thu chi ngân sách.
Hơn nữa, khoản vay thương mại nói trên không hẳn sẽ được thực hiện hoàn toàn vì điều đó còn phụ thuộc vào các điều kiện trên thị trường tín dụng (trong và ngoài nước), cũng như phụ thuộc vào nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp Việt Nam, mà điều này đến lượt nó lại phụ thuộc vào nhu cầu của nền kinh tế, là cái hiện đang có xu hướng yếu đi.
Giả thiết rằng năm 2009 Chính phủ sẽ có những hành động chi tiêu liên quan đến ngân sách như sau, đúng như kế hoạch vạch ra trong gói kích cầu:
* Chi tiêu từ khoản phát hành trái phiếu Chính phủ trị giá 20.000 tỷ đồng,
* Thất thu khoản vốn trị giá 13-15.000 tỷ đồng liên quan đến các biện pháp giảm và hoãn nộp thuế,
* Chi 3-13.000 tỷ đồng từ khoản dự trữ nhà nước để hỗ trợ lãi suất (khoản này được tính bằng cách lấy tổng giá trị vốn dùng để hỗ trợ lãi suất, trị giá 20-30.000 tỷ đồng, trừ đi khoản vốn trị giá 1 tỷ đôla (17.000 tỷ đồng) lấy từ quỹ dự trữ ngoại hối.
Những hành động chi tiêu này sẽ làm tiêu tốn của ngân sách nhà nước một khoản tiền là 36-48.000 tỷ đồng. Kết quả là thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên thêm 41%-55% từ mức được dự toán cho năm 2009 là 87.000 tỷ đồng (được thông qua hồi tháng 11.2008). Nếu theo đúng dự toán ngân sách cho năm 2009 với mức thâm hụt bằng 5% GDP thì khoản chi tăng thêm nói trên sẽ làm thâm hụt ngân sách tăng lên tối đa là khoảng 7,5% GDP trong năm 2009.
Để trang trải phần thâm hụt tăng thêm này thì Chính phủ phải phát hành trái phiếu trong và ngoài nước, hoặc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước in tiền tài trợ. Trường hợp xấu nhất thì Ngân hàng Nhà nước sẽ tài trợ toàn bộ khoản vay này, và tức là sẽ có 36-48.000 tỷ đồng được tung thêm vào lưu thông, tăng thêm áp lực lên lạm phát (nói thêm ở phần sau).
Tác động trực tiếp có thể có lên lạm phát
Tác động lên lạm phát của gói kích cầu sẽ phụ thuộc phần nhiều vào:
* Tỷ trọng trái phiếu phát hành ra thị trường nước ngoài trong tổng trị giá 20.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ có trong gói kích cầu (và mức độ mà Ngân hàng Nhà nước sẽ trung hòa khoản ngoại tệ đi vay mang về Việt Nam này bằng việc tung trái phiếu ra để thu hút tiền đồng về sau khi đã tung chúng ra để mua phần ngoại tệ có được qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ này),
* Mức độ mà Ngân hàng Nhà nước sẽ trung hòa khoản ngoại tệ 1 tỷ đôla lấy từ quỹ dự trữ ngoại hối,
* Tỷ trọng vốn vay bằng ngoại tệ trong tổng số 30.000 tỷ đồng vốn vay thương mại có bảo lãnh của Chính phủ (và mức độ mà Ngân hàng Nhà nước sẽ trung hòa khoản ngoại tệ đi vay mang về Việt Nam này).
Trong trường hợp giả định tối đa rằng Ngân hàng Nhà nước không hề trung hòa ngoại tệ đi vay qua phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc vay thương mại với bảo lãnh của Chính phủ mang vào nền kinh tế (với giả thiết thêm rằng toàn bộ khoản vay thương mại và phát hành trái phiếu sẽ bằng ngoại tệ) thì sẽ có khoảng 67.000 tỷ đồng được bơm thêm vào nền kinh tế do thi hành gói kích cầu. Cộng thêm mức gia tăng cung tiền tối đa là 36-48.000 tỷ đồng do tài trợ thâm hụt ngân sách tăng lên như nói ở trên thì toàn bộ nền kinh tế sẽ có thêm 100-115.000 tỷ đồng tín dụng.
Dựa vào mức nợ xấu trong ngành ngân hàng Việt Nam mà Ngân hàng Nhà nước công bố thì ta sẽ tính ra tổng dư nợ tín dụng trong ngành ngân hàng Việt Nam là khoảng 1.243.000 tỷ đồng. Mức tín dụng tối đa là 100-115.000 tỷ đồng bơm thêm từ gói kích cầu vào nền kinh tế nói trên sẽ tương đương với 8%-9,3% tổng dư nợ tín dụng năm 2008. Nếu biết thêm rằng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2009 được ấn định ở mức 21%-22% nhằm khống chế lạm phát dưới 1 chữ số thì con số 8%- 9,3% này tương đương với khoảng 40% hạn mức tăng trưởng tín dụng của năm, một con số rất đáng kể. Bởi vậy, để kiềm chế áp lực lạm phát trong năm 2009 thì một bộ phận tăng trưởng tín dụng cho những ngành khác, khu vực khác phải được cắt giảm tương ứng. Nói cách khác, ở đây sẽ có sự bài trừ lẫn nhau giữa các mục tiêu và giải pháp để hướng đến đích chung là kiềm chế được lạm phát trong vòng mục tiêu hoạch định.
Tác động có thể có lên tỷ giá và dự trữ ngoại hối
Giả định cực đoan nhất thì toàn bộ các khoản vay mượn trong gói kích cầu, bao gồm 30.000 tỷ đồng vốn vay thương mại và 20.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (tương đương gần 5 tỷ đôla) được vay từ thị trường quốc tế và số vốn ngoại tệ vay được không được bán lại cho Ngân hàng Nhà nước (chẳng hạn, doanh nghiệp hoặc Chính phủ có thể trực tiếp sử dụng nguồn ngoại tệ đó để nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ). Giả định thêm rằng 1 tỷ đôla hỗ trợ lãi suất được tung ra thị trường mà không quay trở lại Ngân hàng Nhà nước. Gộp lại, trường hợp cực đoan nhất này cũng chỉ làm quỹ dự trữ ngoại hối bị giảm 1 tỷ đôla. Ngoài đó ra thì đương nhiên con số suy giảm sẽ thấp hơn 1 tỷ đôla, và thậm chí khả năng là không có suy giảm, nếu không muốn nói là sẽ có sự tăng lên, vì nếu có phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ và đi vay một phần bằng ngoại tệ thì sẽ có một phần trong số ngoại tệ đó quay trở lại hệ thống ngân hàng, và cuối cùng là quỹ dự trữ ngoại hối ở Ngân hàng Nhà nước, trong khi điều tương tự cũng sẽ xảy ra với 1 tỷ đôla trích ra từ quỹ ngoại hối (tức là một phần trong số này sẽ quay lại Ngân hàng Nhà nước).
Về tác động lên tỷ giá, điều này còn phụ thuộc vào mức độ trung hòa lượng ngoại tệ tích lũy thêm vào quỹ dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước. Nếu Ngân hàng Nhà nước không tiến hành tăng cung tiền đồng tương ứng với một phần trong số 6 tỷ đô la sẽ được mang vào Việt Nam thì tiền đồng sẽ chịu áp lực lên giá. Trong trường hợp này, mức lên giá sẽ phụ thuộc vào tỷ trọng vốn ngoại tệ huy động trong con số tương đương 5 tỷ đôla nói trên trừ đi mức nhập khẩu sử dụng đến số vốn ngoại tệ này cộng với phần ngoại tệ thu được từ xuất khẩu do sử dụng đến nguồn ngoại tệ huy động này, là điều rất khó tách bạch và tính toán hay dự tính được.
Nhưng khả năng không can thiệp này là thấp hơn khả năng sẽ can thiệp bằng cách bơm thêm một lượng tiền đồng vào nền kinh tế để tỷ giá không giảm đi (tiền đồng không lên giá) và do đó sẽ không ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu. Đến đây, mục tiêu tỷ giá lại phải đặt cả trong mối quan hệ với mục tiêu lạm phát như phân tích ở trên, và là điều khó có thể biết trước được, ít nhất vì lạm phát lại còn phụ thuộc cả vào mức độ biến động giá cả trên thế giới trong năm 2009 chứ không chỉ do cân bằng cung cầu tiền trong nền kinh tế quyết định.
Kết luận
Gói kích cầu thực chất có một phần lớn là kích cung và bởi vậy tác động của nó lên tăng trưởng không nhất thiết là tích cực, đáng kể và rõ ràng. Mặt khác, gói kích cầu này sẽ chỉ làm tăng thâm hụt ngân sách lên tối đa là 7,5% GDP, là mức thấp hơn nhiều so với con số ước tính của một số tác giả (lên tới trên 10%-11% GDP). Tuy vậy, trong trường hợp cực đoan nhất thì gói kích cầu sẽ góp thêm tới 8%-9,3% vào tăng trưởng tín dụng trong toàn bộ nền kinh tế, tức là tới khoảng 40% hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2009. Do đó, để kiềm chế lạm phát thì buộc tín dụng cho các ngành các hạng mục khác nằm ngoài gói kích thích phải bị cắt giảm tương ứng. Kết cục là tác động của gói kích thích lên tăng trưởng càng mờ nhạt hơn.
Trường hợp cực đoan nhất thì gói kích cầu cũng chỉ làm suy giảm quỹ dự trữ ngoại hối 1 tỷ đôla, và sẽ có nhiều khả năng là quỹ dự trữ ngoại hối sẽ tăng lên. Tuy nhiên, ảnh hưởng của gói kích cầu lên tỷ giá là một ẩn số chưa có lời giải.
Đối tượng hưởng lợi Gói kích cầu 1 tỷ đôla đã chính thức được Chính phủ quyết định sử dụng chủ yếu bằng hình thức bù lãi suất khi doanh nghiệp vay vốn lưu động phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Mức hỗ trợ lãi suất là 4%. |
Nguồn tài trợ cho và cấu thành của gói kích cầu Gói kích cầu mở rộng tương đương với 25% ngân sách năm 2009 được tài trợ bởi hoặc có cấu thành như sau: |