Văn hóa - Thể thao

Những sáng tạo "kì công diệu nghệ" của người Việt

Ngọc Phương 25/05/2025 07:31

Nhiều người từng định kiến người Việt không giỏi đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, qua tư liệu lịch sử trong và ngoài nước, những ghi chép đáng ngạc nhiên về các phát kiến, thành tựu công nghệ kỹ thuật của cha ông đã được làm sáng rõ và đưa đến độc giả trẻ.

Từ những phát kiến khiến thế giới "lấy làm lạ"

"Nhiều người vẫn chưa biết về những thành tựu khoa học - công nghệ của cha ông, thậm chí còn định kiến rằng người Việt không giỏi đổi mới sáng tạo, chỉ đi sau thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu tư liệu lịch sử, cả trong và ngoài nước, chúng tôi đã khám phá ra những ghi chép đáng ngạc nhiên về tinh thần đổi mới và sáng tạo của người Việt” - anh Đông Nguyễn, đồng sáng lập nhiều nhóm và trang chuyên nghiên cứu về lịch sử, văn hóa cổ như Đại Việt Cổ Phong, Vietnam Centre… chia sẻ.

Hàng chục năm miệt mài tìm hiểu về lịch sử, văn hóa dân tộc, anh Đông Nguyễn bắt gặp vô số ghi chép về sự sáng tạo, đổi mới của bậc tiền nhân trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, hàng hải hay quân sự... Tất cả sáng tạo, đổi mới ấy nhằm cải thiện đời sống, nâng cao năng suất lao động, bảo vệ và mở mang bờ cõi. Qua đó cho thấy, từ rất sớm, cha ông ta không chỉ khéo léo tiếp thu công nghệ tiên tiến từ bên ngoài mà còn có những sáng tạo, phát kiến.

dscf1967.jpg
Mô hình thuyền được phỏng dựng với tỷ lệ thu nhỏ. Ảnh: Ng. Phương

Có nhiều ví dụ về những phát minh tiên tiến của nhân loại được cha ông ta tiếp thu và làm chủ một cách tài tình. Chẳng hạn, ở thế kỷ XVIII, tại Đàng Trong, có một người Việt đã bôn ba sang tận Hà Lan để học lấy nghề làm đồng hồ cơ và dụng cụ quang học. Bên cạnh đó, thành dạng sao của phương Tây đã được chúa Nguyễn Ánh tiên phong cho du nhập thiết kế vào Việt Nam từ cuối thế kỷ XVIII, với công trình đầu tiên ở Gia Định, sau đó nhiều thành được xây dựng ở các địa phương lớn. Hay năm 1838, triều Nguyễn mua một Khí Cơ thuyền (thuyền máy hơi) của phương Tây, là nước Đông Á đầu tiên mua, chế tạo lại và cải tiến thuyền hơi nước từ phương Tây... Đó là những minh chứng rõ nét cho thấy người Việt nhanh nhạy với khoa học - công nghệ tân tiến, tiếp thu, thậm chí đi trước các nước khác trong khu vực đưa công nghệ về và làm chủ công nghệ đó.

Không chỉ vậy, dân tộc ta còn có không ít phát kiến đáng chú ý. Trong đó, kỹ thuật quân sự là phần nhóm nghiên cứu đặc biệt ấn tượng, bởi cha ông ta không chỉ tiếp thu mà còn có không ít phát minh. Có thể kể tới cốc mồi có nắp của súng, một cải tiến then chốt của Hồ Nguyên Trừng (1374 - 1446). Đến giữa thế kỷ XIX, nắp đậy vẫn là một bộ phận thiết yếu của các loại súng tân tiến hơn trên thế giới cho đến khi phương Tây phát minh ra hạt nổ bằng va đập thay cho thuốc mồi.

z6634973663439_316136a79120fb2c739abcea428a4972.jpg
Cuốn sách "Kì công diệu nghệ" được NXB Kim Đồng ra mắt độc giả chiều 24/5

Bên cạnh kỹ thuật quân sự, kỹ thuật hàng hải cũng rất ấn tượng. “Việt Nam là quốc gia gắn liền với biển. Chúng tôi tìm được nhiều kỹ thuật hàng hải của cha ông, mà các nền hàng hải lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ đã có những ghi chép, lấy làm lạ. Chẳng hạn, kỹ thuật thuyền đáy đan nan tre, được làm từ các nan tre mỏng ghép lại, tưởng ọp ẹp, nhưng tải trọng tới hàng chục tấn, và đi được tới Đài Loan (Trung Quốc). Loại thuyền này có giá thành rẻ, cực bền và chịu sóng gió tốt…” - anh Đông Nguyễn chia sẻ.

“Chúng tôi tìm thấy nhiều tư liệu cho thấy tầng lớp tinh hoa, tri thức của Việt Nam tham gia trực tiếp vào quá trình đổi mới sáng tạo. Những đại thần Hoàng Hối Khanh, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, thậm chí các vua Lý Nhân Tông hay Minh Mạng, đều có những chỉ đạo cụ thể về việc cải tiến máy móc, thiết bị. Điều này cho thấy cha ông ta rất quan tâm đến công nghệ và kỹ thuật”.

Khơi gợi cảm hứng từ "Kì công diệu nghệ"

Những thành tựu kỹ thuật công nghệ đáng kinh ngạc của cha ông từ ngàn xưa đã được anh Đông Nguyễn tập hợp và cùng với họa sĩ người Latvia gốc Việt Kaovjets Ngujens đưa vào cuốn sách "Kì Công diệu nghệ". Cuốn sách giới thiệu 30 kỹ thuật và công nghệ nổi trội (cả du nhập lẫn tự sáng tạo) mà người Kinh, người Chăm… từng sinh sống trên mảnh đất hình chữ S đã ứng dụng vào đời sống trước thế kỷ XX.

Họa sĩ Kaovjets Ngujens cho biết, cuốn sách được hình thành dựa trên ghi chép về công nghệ của Việt Nam, đối chiếu với trình độ công nghệ thế giới. Với những công nghệ có ghi chép sơ sài, Đông Nguyễn sẽ phỏng đoán và dựng hình 3D để họa sĩ triển khai thành tranh vẽ.

dscf1969.jpg
Các bạn trẻ hào hứng tìm hiểu bản phỏng dựng mô hình thuyền của cha ông. Ảnh: Ng. Phương

Quá trình tìm hiểu về khoa học - công nghệ Việt Nam thời xưa, nhóm tác giả đặc biệt may mắn khi tiếp cận được những công trình nghiên cứu quý giá từ các học giả đi trước như Đỗ Thái Bình, Trần Trọng Dương, Phạm Lê Huy, Trần Quang Đức... Nhờ "đứng trên vai những người khổng lồ" này, các nhà nghiên cứu trẻ có thể tiếp nối và phát triển những khám phá của họ.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất nằm ở việc có những tri thức quý chưa được phổ biến rộng rãi. Đặc biệt, nhiều sử liệu, nhất là những ghi chép về đời sống hàng ngày còn nằm trong tư liệu Hán Nôm chưa được dịch, đòi hỏi người tìm hiểu phải tự trau dồi ngôn ngữ để tiếp cận nguồn sơ cấp. Bên cạnh văn bản và thư tịch cổ Việt Nam, nhóm nghiên cứu còn đọc các ghi chép của người nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Mỹ... để chắp ghép các mẩu thông tin rời rạc.

Ngoài sách "Kì công diệu nghệ", các tác giả cũng đang phối hợp với nhiều bên làm sáng tạo nội dung và văn hóa đại chúng để quảng bá khối kiến thức này; in 3D các máy móc, công trình ở tỷ lệ nhỏ và thậm chí chế tạo lại một số vật phẩm ở tỷ lệ thật để công nghệ trở nên sống động và dễ tiếp thu hơn với người trẻ hôm nay. Nhóm tác giả hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều công trình phục dựng và thực nghiệm những kỹ thuật - công nghệ này để làm sáng tỏ hơn hiệu năng của chúng.

Anh Đông Nguyễn kỳ vọng: "Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang khuyến khích đổi mới và sáng tạo để hướng tới một nền kinh tế và công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, những phát kiến, cải tiến của cha ông sẽ khơi gợi tinh thần tự hào dân tộc, truyền cảm hứng để các bạn trẻ - tương lai của đất nước trong kỷ nguyên kinh tế sáng tạo - tự tin lựa chọn con đường khoa học - công nghệ".

    Nổi bật
        Mới nhất
        Những sáng tạo "kì công diệu nghệ" của người Việt
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO