Ông Lê Minh Tâm - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho biết, cải tiến quá trình sản xuất và quản lý chất lượng có nhiều phương pháp, kỹ thuật hay công cụ cụ thể. Trong quá trình tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng rất đa dạng, có nhiều phương pháp khác nhau, từ góc độ chuyên môn có thể chia làm hai nhóm phương pháp và công cụ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng.
Thứ nhất, dựa trên các nền tảng tiêu chuẩn, đặc biệt là tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn quản lý của ISO, ví dụ: ISO 9001, ISO 22000, ISO 14000, ISO 27000, ISO 10000… Đây là cách tiếp cận một cách hệ thống, đồng bộ cho toàn tổ chức, đòi hỏi doanh nghiệp phải có cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo theo con đường dài, xây dựng mới chỉ là bước đầu, để duy trì, phát huy hiệu quả về năng suất và kinh tế đòi hỏi sự kiên trì.
Thứ hai, nếu chưa xây dựng thành tiêu chuẩn có thể xây dựng bằng các nguyên tắc hình thành dựa trên thực hành tốt nhất, thực hành theo nguyên tắc/nguyên lý và trình tự cụ thể như Lean, 6 Sigma, Kaizen, 5S, TPM… và nhiều phương pháp, kỹ thuật khác. Các phương pháp này có thể giao thoa với nhau cùng phối hợp để thực hiện giải quyết vấn đề cụ thể trong doanh nghiệp. Nhìn chung đều có thể coi là phương pháp giải quyết vấn đề mà mục tiêu hướng tới là nâng cao năng suất, chất lượng.
Cũng theo ông Lê Minh Tâm, những cách tiếp cận như PDCA, DMAIC cùng các công cụ như Process Mapping, NVAA, 7 QC tools, SPC, Brainstorming… thường được sử dụng để cải tiến quá trình sản xuất. Tùy vào chủ đề cải tiến hay vấn đề cần giải quyết mà phương pháp và công cụ cụ thể sẽ được lựa chọn. “Cũng giống như bác sỹ kê đơn thuốc phải tuỳ thuộc vào loại bệnh và thể trạng của bệnh nhân vậy”, ông ví dụ.
Tuy nhiên trên thực tế, bên cạnh các doanh nghiệp cải tiến thành công vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa “mặn mà” đối với việc cải tiến năng suất. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc khi cải tiến nhưng chưa “đến nơi đến chốn”.
TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho hay, trong quá trình quản lý chất lượng, có một thách thức rất lớn doanh nghiệp cần vượt qua đó là việc áp dụng và duy trì hệ thống tiêu chuẩn.
Điều này xuất phát từ chính đặc điểm bên trong của doanh nghiệp chưa thật đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm áp dụng bởi hệ thống quản lý chất lượng đòi hỏi tính bao quát, tổng hợp. Nhận thức về việc đào tạo, nâng cao kỹ năng quản lý cũng chưa được xem trọng.
Ngoài ra, đầu tư cho công nghệ tự động hóa, sản xuất đòi hỏi chi phí, nguồn vốn lớn, trong khi khả năng tiếp cận, huy động vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tốt. Với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, tính mạo hiểm, chấp nhận rủi ro còn thấp, trong khi sức cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài ngày càng mạnh khiến doanh nghiệp trong nước “chần chừ”, và đây là thách thức lớn cần vượt qua.
Từ thực tế trên, ông Nam nhận định, ứng dụng công nghệ số và tự động hóa là tất yếu giúp doanh nghiệp cải thiện chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, hướng đến phát triển bền vững. “Tôi xin nhấn mạnh rằng, việc ứng dụng công nghệ số và tự động hóa để cải tiến quá trình sản xuất không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu trong quá trình sản xuất kinh doanh, phát triển, đặc biệt là trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước, dân tộc”, ông Nam cho biết thêm.