Những phụ nữ ở bếp 0 đồng

- Thứ Năm, 21/10/2021, 16:01 - Chia sẻ
Khi dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, cùng với sự ra quân của cả hệ thống chính trị, thì những bếp ăn 0 đồng của các chị, các mẹ từ biên giới tới biển đảo, từ thành thị tới nông thôn cũng bắt đầu đỏ lửa…
	Con lợn mà bà con các dân tộc huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, gửi tới đồng bào vùng dịch
Con lợn mà bà con các dân tộc huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, gửi tới đồng bào vùng dịch

Tại Bình Phước, chị em tình nguyện viên dân tộc Kinh, Tày, Khmer… trong Câu lạc bộ Hạt gạo nhân ái gác lại việc nhà tham gia phục vụ nấu ăn, cung cấp phần cơm hàng ngày cho cán bộ, chiến sĩ trực chốt kiểm dịch và người dân trong khu cách ly, khu phỏng tỏa trên địa bàn các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp. Có những người cả trăm ngày bám bếp, luôn chân luôn tay nhặt rau, cắt thịt, nhóm bếp, canh lửa, nêm nếm gia vị cho các món ăn rồi đến chia khẩu phần ăn… không nề hà vất vả.

Những người phụ nữ Bình Phước đôn hậu ấy cũng đã thức thâu đêm gói bánh, rang gạo lứt, chiên đậu phộng cùng nhiều nhu yếu phẩm khác nhờ tôi kết nối gửi đến đồng bào vùng dịch. Những nguồn nhu yếu phẩm 0 đồng được lên danh sách định lượng bằng tấn muối, tấn thịt lợn, tạ cà pháo, xe lam chanh tươi… chan chứa tình đồng bào đã làm thành các món ăn ngon gửi về Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, đến với những khu trọ của công nhân nghèo.

	Chị Thu Phương, nhóm Hạt gạo nhân ái, tỉnh Bình Phước, chuẩn bị chuyển đồ ăn cho khu cách ly
Chị Thu Phương, nhóm Hạt gạo nhân ái, tỉnh Bình Phước, chuẩn bị chuyển đồ ăn cho khu cách ly

Trong những căn phòng trọ của công nhân tại thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền hay nhà văn hóa khu dân cư phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, các bà, các chị mỗi người một công đoạn làm từng lọ ruốc sả để kịp tập kết gửi vào Nam. Bếp ga công nghiệp, bếp than, bếp điện… tất cả được trưng dụng để nấu đồ ăn. Xe hàng gửi miền Nam vừa chuyển bánh, các mẹ, các chị em lại bận rộn với những “đơn hàng” mới số lượng ít hơn nhưng không kém phần quan trọng là giúp những công nhân nghèo vừa chạy dịch từ các tỉnh phía Nam về quê.

 “Nhóm ưu tiên những món dễ vận chuyển, ngon và để được lâu, trong đó có ruốc sả. Mỗi thẩu ruốc như là hương vị quê hương gửi vào cho bà con Huế xa quê, hay cũng là tặng vị đậm đà của ruốc Huế, tấm lòng của người dân Huế gửi đến bà con ở TP. Hồ Chí Minh trong những ngày giãn cách. Cá nục rim mặn cũng để được lâu, ăn với cháo trắng rất ngon, giúp người mệt mỏi, người có bệnh dễ ăn hơn những món ăn liền như mỳ, bánh canh”, bà Nguyễn Thị Lãnh, 62 tuổi, hội viên Hội Phụ nữ phường Tứ Hạ vừa nhanh tay đảo ruốc vừa nói.

Món cá cơm đậu phộng được phụ nữ Nghi Xuân, Hà Tĩnh, gửi đồng bào miền Nam
Món cá cơm đậu phộng được phụ nữ Nghi Xuân, Hà Tĩnh, gửi đồng bào miền Nam

Tôi đã rưng rưng khi chứng kiến những phụ nữ công giáo ở các giáo xứ Gia Hòa, Cam Lâm thuộc Giáo phận Hà Tĩnh nhanh tay đảo cá cơm, lạc khô, thái lá chanh, quậy đường trên những chiếc chảo gang nóng bỏng, cho ra món cá cơm đậu phộng. Lên biên giới Hương Khê, Hương Sơn, nông dân các xã, mà chủ công là các bà, các chị em đóng góp món nhút mít trứ danh cùng măng ớt muối. Mỗi hộp nhút, hộp măng được dán nhãn mác in đầy đủ hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất và hạn sử dụng. Hội viên Hội Nông dân Thị xã Hồng Lĩnh cũng không kém tay nghề với gần 1.000 hộp lạc rim mặn ngọt và sung muối ủng hộ đồng bào miền Nam.

Cụ bà Nguyễn Thị Lan, 90 tuổi, cụ ông Lê Doãn Bình, 94 tuổi, ở xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, nghe loa truyền thanh xã vận động bà con đóng góp nông sản ủng hộ đồng bào miền Nam chống dịch Covid-19, đã chọn 5kg lạc chắc mẩy đem đến. “Lãnh đạo xã xin phép không nhận quà của vợ chồng tôi, nhưng tôi bảo, cho chúng tôi đóng góp một ít. Những lúc chúng tôi gặp hoạn nạn, đồng bào miền Nam giúp đỡ nhiều, nay bà con khó khăn mình phải có bổn phận chia sẻ. Đó là cái nghĩa đồng bào, các chú, các o không được từ chối…” - cụ Lan kể.

Nghĩa tình vùng biên Quảng Trị cũng mặn mòi không kém khi chị em người Pa Cô - Vân Kiều tuy không giỏi nấu ăn cũng hăm hở làm bỏng từ ngô cao sản trên đồi đất đỏ. Bếp lửa được đốt lên bởi những cành củi khô lượm ngoài rẫy, trên nương. Bà Nguyễn Thị Hạt, 52 tuổi, thôn Long Thành, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, sau khi nhìn tới nhìn lui gia sản của mình đã bắt con lợn nặng ngót 1,3 tạ chở đến khu tiếp nhận của xã. Bà Hạt phấn khởi chia sẻ: “Lúc đầu tôi cứ lo xã từ chối, ngờ đâu các cô chú vui vẻ tiếp nhận. Sau đó, xã cho thịt lợn rồi huy động chị em phụ nữ, thanh viên làm món ruốc sả, đóng hộp, gửi cùng các nhu yếu phẩm khác”.

Xuống vùng biển Hải Lăng, phụ nữ 16 xã gầy lửa làm đồ ăn gửi tặng vùng phong tỏa. Muối biển Hải Lăng mặn mà ngọt hậu, ruốc biển Cửa Việt thơm đậm mà hao cơm, tôm khô từ tay chài của người chồng về bến nhanh chóng được bóc vỏ, sao khô rồi đóng gói cẩn thận… Các bà, các mẹ tạm xếp lại nhưng buổi chợ ban mai, chị em ra đồng sớm hơn vài giờ, chị em làm sản xuất, kinh doanh cũng tém lại chút chút… để dồn sức làm những món ăn dân dã.

Xin được cảm ơn những người giữ lửa để vùi sắn, nướng khoai nuôi bộ đội trong chiến tranh năm xưa, những người thức hàng đêm gói bánh, luộc trứng, làm giò chả, giã vừng, nắm cơm kịp thời cứu đói nhân dân vùng lũ và những ngày qua miệt mài sáng tạo thực đơn hàng trăm món để đồng lòng chống dịch.

Phạm Vân Anh