Những nước cờ được giấu kín

Tú Khôi
Theo Le Figaro
24/08/2012 08:43

Những gì đang diễn ra ở Syria - cuộc nổi dậy của lực lượng đối lập chống lại chế độ, kéo dài hơn một năm qua khiến nhiều người thiệt mạng mỗi ngày và làm cho phương Tây sôi sục mỗi khi nói đến các giá trị tự do, dân chủ - đang được gọi với cái tên Mùa xuân Ả rập. Nhưng đằng sau nó còn có một cuộc chiến khác. Cuộc chiến thứ hai này không xuất hiện trên truyền hình, không đặt ra những ưu tiên về giá trị đạo đức, dân chủ hay nhân quyền bởi đó là cuộc chiến giành giật các lợi ích chiến lược và kinh tế.

Nhân tố chi phối cuộc chiến thứ hai này là sự đối đầu giữa Iran, đồng minh của Syria, đại diện cho thế lực Hồi giáo theo dòng Shiite và Ảrập Xêút, đại diện cho lực lượng Hồi giáo dòng Sunni, ủng hộ phe đối lập ở Syria. Trên thực thế Ảrập Xêút muốn quay trở lại vai trò lãnh đạo thế giới Hồi giáo. Iran, vốn chịu sứ ép của phương Tây vì các biện pháp trừng phạt trong suốt 30 năm qua, vẫn muốn là một trong những nước mới nổi được tính đến và có tham vọng củng cố vị thế trong khu vực. Chính vì vậy, cái gọi là Mùa xuân Ảrập ở Syria thực chất là cuộc chiến xác lập vị trí lãnh đạo của hai dòng Hồi giáo mà Iran và Ảrập Xêút là những đại diện. Là đồng minh chính của Syria, Iran đã làm tất cả để tránh sự sụp đổ của chế độ Bashar al-Assad. Trong trường hợp chế độ của Tổng thống Assad sụp đổ, sự ủng hộ tài chính và vũ khí của Iran cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon có nguy cơ mất trắng. Nếu Iran mất đi ảnh hưởng tại Syria và Lebanon, Ảrập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhân cơ hội đó tạo ra một khu vực của người Sunni giữa thế giới của người Shiite. Hơn nữa, Iraq - hiện đang do người Shiite kiểm soát, có thể bị cuốn theo xu thế của lực lượng Sunni. Với Iran, nước đã trải qua cuộc chiến 8 năm với Iraq, một sự thay đổi như vậy có thể là mối nguy cơ chiến lược trước mắt.

Nguồn: Global Times
Nguồn: Global Times

Nga là một lực lượng quan trọng trong cuộc chiến này. Các nhà lãnh đạo Nga có lợi ích kinh tế trong khu vực khi họ bán vũ khí cho Syria và đang duy trì căn cứ hải quân ở Tartus. Moscow coi Bashar al-Assad là thành trì chính chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông. Họ lo ngại sự nổi lên của các nhóm cực đoan ở Syria có thể tạo cảm hứng cho những cuộc bạo loạn mới ở Kavkaz và Trung Á.

Hơn nữa, Nga đặc biệt quan tâm đến Syria bởi đây là thành trì ít ỏi và quan trọng của họ ở Trung Đông trong so sánh lực lượng với phương Tây. Nước Nga từng nhận bài học xương máu khi bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an LHQ trong cuộc bỏ phiếu về thiết lập vùng cấm bay ở Libya hồi năm ngoái. Kết quả là Gaddafi bị lật đổ, những mỏ dầu cùng ảnh hưởng ở Libya rơi vào tay phương Tây. Do vậy trong trường hợp Syria, vì những lý do bên trong và bên ngoài, Nga đã hành động quyết liệt chống lại việc thay đổi chế độ Syria. Vấn đề Syria còn mang nhân tố “thể diện nước lớn”. Moscow muốn chứng tỏ rằng, không có sự đồng thuận của họ tại HĐBA LHQ, phương Tây sẽ không thể can thiệp. Với sự đối đầu Nga-Mỹ ở Syria, người ta có cảm giác chứng kiến sự trở lại của sơ đồ địa chính trị thời Chiến tranh Lạnh.

Trong cuộc chơi này, Nga đã kéo Trung Quốc về phe mình. Bản thân Trung Quốc cũng có lợi ích khi đứng về phía Nga. Trung Quốc không muốn bất kỳ một hành động can thiệp quân sự nào ở Syria, xâm phạm các nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Ngoài ra, Bắc Kinh đứng về phía Nga với hy vọng nhận được sự ủng hộ của Nga đối với hồ sơ mà Trung Quốc vốn xem là một ưu tiên như trường hợp Myanmar. Tuy nhiên, cũng giống như Mỹ ở Libya, Bắc Kinh lùi lại phía sau trong cuộc đối đầu ở Syria để Moscow giữ vị trí tranh đấu trên tuyến đầu.

Đối mặt với những toan tính của các cường quốc mới nổi, phương Tây tỏ ra tương đối thận trọng. Tuy nhiên, họ đang có những nước cờ được giấu kín, một trong số đó là cách xử sự với Iran. Với phương Tây, chương trình hạt nhân và tham vọng của Iran quan trọng hơn một nền dân chủ hay hòa bình ở Syria. Sự suy yếu của Damascus có thể góp phần làm suy yếu Tehran. Và phương Tây đang nỗ lực thực hiện điều đó dưới những khẩu hiệu dân chủ, nhân quyền.

Một số nhà quan sát cho rằng vai trò lớn của Mỹ trong việc gây bất ổn Syria đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn khi có thông tin hồi đầu tháng này về một “sắc lệnh bí mật” được Tổng thống Barack Obama ký, cho phép Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và các cơ quan khác của Mỹ hỗ trợ quân nổi dậy lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Từ tháng 6.2012, tờ New York Times đã tiết lộ, CIA hoạt động bí mật ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ việc cung cấp vũ khí cho các tay súng đối lập Syria. Tờ Bild am Sonntag của Đức cho biết, gián điệp Đức được bố trí ngoài khơi Syria và tại một căn cứ của NATO ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, tờ Sunday của Anh cho biết, nhờ tin tình báo Anh thu thập từ Síp mà phe nổi dậy đã thành công trong những cuộc tấn công nhằm vào quân đội Syria.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Những nước cờ được giấu kín
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO