Giáo dục

Những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi: Học sinh và giáo viên có lợi gì?

Nguyễn Liên 13/05/2025 09:24

Theo Bộ GD-ĐT, những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục như: xác lập giáo dục nghề nghiệp là một cấp học; bỏ bằng tốt nghiệp THCS; bỏ Hội đồng trường ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập;...

Bộ GD-ĐT vừa đăng tải hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục lên Cổng thông tin điện tử của Bộ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến.

Thời gian lấy ý kiến góp ý từ nay đến hết ngày 9/7/2025.

Sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục

Nhấn mạnh về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6/2019, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Luật Giáo dục đã góp phần tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển của hệ thống giáo dục quốc dân.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy một số bất cập, hạn chế cần được tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, tập trung vào một số nội dung như: vấn đề phân cấp, phân quyền và cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục; các cấp học của hệ thống giáo dục quốc dân; hoạt động của Hội đồng trường của trường mầm non, trường phổ thông công lập; quy định về chương trình, sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương…

Trước những hạn chế, bất cập nêu trên, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024, trong đó xác định “tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn,…”; “tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình, phát huy dân chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; hoàn thiện chính sách, cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với xu thế chung của thế giới”.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1705/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp về việc “rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách về giáo dục, đào tạo và các lĩnh vực có liên quan theo hướng khoa học, hiện đại, đồng bộ, liên thông, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và thực tiễn ở nước ta, tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho phát triển giáo dục và đào tạo”.

Để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn thi hành Luật Giáo dục, đồng thời, để phù hợp, thống nhất với các quy định pháp luật mới được ban hành trong quá trình thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là cần thiết.

Xác lập giáo dục nghề nghiệp là một cấp học, bỏ bằng tốt nghiệp THCS

Bộ GD-ĐT cũng thông tin về những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Về hệ thống giáo dục quốc dân, theo Bộ GD-ĐT, điểm mới trong dự thảo Luật là xác lập giáo dục nghề nghiệp là một cấp học, gồm hai bậc: trung học nghề và cao đẳng. Trong cấp học này, người học được đào tạo ở ba trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

Cụ thể: Trung học nghề dành cho học sinh sau THCS, tích hợp kiến thức văn hóa phổ thông nền tảng và kỹ năng nghề, hướng tới đạt trình độ sơ cấp hoặc trung cấp; Cao đẳng dành cho người học sau THPT hoặc tương đương, đào tạo ở trình độ cao đẳng.

Cách thiết kế này bảo đảm cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng phân rõ cấp học, phân loại rõ trình độ đào tạo và tăng cường tính mở, liên thông, phù hợp với Khung trình độ quốc gia và thông lệ quốc tế.

Về quy định văn bằng, chứng chỉ, Dự thảo Luật quy định bỏ bằng tốt nghiệp THCS và giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường THCS/người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục THCS xác nhận hoàn thành chương trình THCS thay cho việc Trưởng phòng GDĐT cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp THCS.

Bên cạnh đó, giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường THPT/người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục THPT cấp bằng tốt nghiệp THPT thay cho việc Giám đốc Sở GDĐT cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Bộ GD-ĐT cho biết việc bỏ cấp bằng tốt nghiệp THCS và phân cấp thẩm quyền xác nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông là yêu cầu tất yếu nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, Nhà nước, đáp ứng thực tiễn quản lý giáo dục và tiệm cận thông lệ quốc tế. Cụ thể:

Thứ nhất, thể chế hóa kịp thời chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong quản lý nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW (2022) và Kết luận số 137-KL/TW (2025) của Bộ Chính trị. Việc trao quyền cho người đứng đầu cơ sở giáo dục trong xác nhận, cấp bằng là bước đi cụ thể trong phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa cơ quan quản lý và cơ sở thực thi.

Thứ hai, phù hợp với xu thế quản trị hiện đại, tinh gọn bộ máy, tăng hiệu lực điều hành, góp phần xóa bỏ khâu trung gian hành chính không cần thiết, rút ngắn quy trình, giảm áp lực cho cơ quan quản lý cấp huyện và tỉnh, đồng thời tăng tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của các nhà trường.

Thứ ba, phù hợp với bản chất của phổ cập giáo dục THCS là chính sách xã hội, không phải là hệ thống đào tạo có đầu ra bằng cấp. Việc xác nhận hoàn thành chương trình học là đủ để phục vụ phân luồng, chuyển cấp, không cần thiết duy trì cơ chế cấp bằng hành chính.

Thứ tư, tiệm cận thông lệ quốc tế, tạo điều kiện hội nhập. Các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Phần Lan, Canada không cấp bằng tốt nghiệp THCS mà giao quyền xác nhận kết quả học tập cho hiệu trưởng, sử dụng như căn cứ học tiếp lên bậc cao hơn hoặc định hướng nghề nghiệp.

Thứ năm, không ảnh hưởng đến quyền và cơ hội học tập của người học. Việc thay thế cấp bằng bằng xác nhận hoàn thành chương trình vẫn bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý cho người học chuyển cấp, học nghề hoặc học tiếp theo nguyện vọng.

Bỏ Hội đồng trường ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập

Về Hội đồng trường, Dự thảo Luật sửa theo hướng bỏ Hội đồng trường ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Theo Bộ GD-ĐT, trong báo cáo tổng kết việc thi hành Luật Giáo dục năm 2019, nhiều địa phương đã phản ánh thực trạng Hội đồng trường ở các trường mầm non và phổ thông công lập hoạt động hình thức, thiếu thực quyền, trùng vai và không tạo ra giá trị quản trị thực chất.

Hệ thống trường mầm non, phổ thông công lập hiện nay chưa được giao quyền tự chủ về tài chính, nhân sự hay tổ chức bộ máy, nên vai trò của Hội đồng trường không được thiết kế gắn với chức năng thực tiễn.

Hơn nữa, trong phần lớn nhà trường, Hiệu trưởng đồng thời làm Chủ tịch Hội đồng trường và là Bí thư chi bộ/đảng bộ, dẫn đến trùng lặp vai trò và làm mờ nhạt chức năng giám sát, phản biện của Hội đồng trường.

Việc duy trì Hội đồng trường trong bối cảnh đó không những không mang lại hiệu quả mà còn tăng gánh nặng hành chính. Vì vậy, trên tinh thần tinh giản tổ chức và tăng tính tự chịu trách nhiệm của Hiệu trưởng đối với trường công lập, việc bỏ quy định Hội đồng trường ở trường mầm non, phổ thông công lập là một bước đi cần thiết nhằm làm gọn bộ máy, tăng hiệu lực thực thi.

Đồng thời, tạo điều kiện để đổi mới thực chất hoạt động nhà trường dựa trên các thiết chế dân chủ sẵn có như cấp ủy, công đoàn, Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội đồng Sư phạm...

Về sách giáo khoa và tài liệu giáo dục, Dự thảo Luật xác định rõ tài liệu giáo dục địa phương không phải là sách giáo khoa; sửa đổi quy định về thẩm quyền biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương theo hướng: giao Giám đốc Sở GD-ĐT tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và UBND cấp tỉnh phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương.

Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, quy định này phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương; chủ trương phân cấp, phân quyền của Đảng và Nhà nước; Tinh thần “Bộ không làm thay cho địa phương”, được thể hiện tại nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ.

Việc này cũng giúp địa phương chủ động hơn trong quản lý nội dung giáo dục gắn với đặc thù, đồng thời cắt giảm được thủ tục hành chính, giảm áp lực cho Bộ GD-ĐT trong công tác phê duyệt học liệu mang tính địa phương hóa.

Về đơn giản hóa thủ tục hành chính, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ nhiều quy định có liên quan đến thủ tục hành chính.

Bộ GD-ĐT đặt trọng tâm cắt giảm, đơn giản hóa trên 50% các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người học, cơ sở giáo dục và nhà đầu tư. Các quy định được sửa đổi, bổ sung dự kiến có tác động trực tiếp đến 69 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ GD-ĐT.

Những điều chỉnh nêu trên sẽ giúp rút ngắn thời gian xử lý, giảm thiểu chi phí và hồ sơ giấy tờ cho người học và nhà đầu tư; tạo thuận lợi cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục.

Bên cạnh đó, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, giảm nguy cơ phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính; khơi thông điểm nghẽn, thúc đẩy đầu tư vào giáo dục ngoài công lập và mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, về thẩm quyền thành lập, sáp nhập, chia tách nhà trường, để phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, dự án Luật sửa đổi theo hướng: Giao UBND cấp xã quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; UBND cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở GD-ĐT quản lý cơ sở giáo dục ở các cấp học còn lại, trừ những trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi: Học sinh và giáo viên có lợi gì?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO