Những nhân tố quyết định tăng trưởng kinh tế trong dài hạn ở Việt Nam
Kết quả của các tính toán kinh tế lượng trong một nghiên cứu cho thấy có bốn nhân tố - tăng trưởng dân số, mức thu nhập bình quân đầu người ở năm gốc, quy mô của khu vực doanh nghiệp FDI, và quy mô của khu vực doanh nghiệp nhà nước - có ảnh hưởng rõ rệt (với một số điều kiện) lên tăng trưởng thu nhập đầu người ở các tỉnh/thành của Việt Nam trong một thập kỷ nghiên cứu nói trên.
Xét đến một tập hợp các quốc gia thì các nghiên cứu có xu hướng thống nhất cho rằng những nhân tố sau đây có ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng kinh tế: (1) tỷ trọng lực lượng lao động được đào tạo (thường được đại diện bằng tỷ lệ tốt nghiệp cấp II); (2) tỷ trọng lực lượng lao động trên dân số; (3) tỷ trọng của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên GDP; (4) tỷ trọng vốn đầu tư vào tài sản cố định (hay tỷ trọng tiết kiệm) trên GDP; (5) tỷ trọng thương mại (hoặc xuất khẩu nói riêng) trên GDP; và (6) khoảng cách tụt hậu ban đầu so với Mỹ về thu nhập đầu người (với ý nghĩa là nước càng nghèo thì càng có khả năng tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn những nước giàu). |
Hiện chưa có một nghiên cứu (có chất lượng) nào xác định được những nhân tố quan trọng đằng sau quá trình tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam trong vòng hơn một thập kỷ qua. Xuất phát từ bối cảnh này, Phan and Ramstetter (2006) đã sử dụng bộ số liệu của 61 tỉnh thành Việt Nam do Tổng cục Thống kê công bố để nghiên cứu tác động có thể có của những nhân tố sau lên tăng trưởng GDP ròng trên đầu người trong thời kỳ 1995- 2003: Mức GDP bình quân trên đầu người của các tỉnh/thành vào năm gốc (1995); Tốc độ tăng trưởng dân số; Tỷ trọng vốn nhân lực (human capital) trên dân số; Tỷ trọng đầu tư tài sản cố định trên GDP; Tỷ trọng của thương mại (hoặc xuất khẩu nói riêng) trên GDP; Tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế nhà nước; Và tỷ trọng đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế FDI.
Kết quả của các tính toán kinh tế lượng trong nghiên cứu trên cho thấy có bốn nhân tố - tăng trưởng dân số, mức thu nhập bình quân đầu người ở năm gốc, quy mô của khu vực doanh nghiệp FDI, và quy mô của khu vực doanh nghiệp nhà nước - có ảnh hưởng rõ rệt (với một số điều kiện) lên tăng trưởng thu nhập đầu người ở các tỉnh/thành của Việt Nam trong một thập kỷ nghiên cứu nói trên.
Cụ thể hơn, tăng trưởng dân số có ảnh hưởng lớn, nhưng là ảnh hưởng tiêu cực, lên tăng trưởng thu nhập. Tỉnh/thành nào càng có tỷ lệ tăng trưởng dân số nhanh (cả tự nhiên và cơ học) thì tỉnh/thành đó càng có tốc độ tăng trưởng thu nhập chậm, khi các biến số giải thích khác được giữ nguyên.
Mức thu nhập bình quân GDP đầu người tại năm gốc (1995) có quan hệ tỷ lệ nghịch với tăng trưởng GDP bình quân trong cả thời kỳ. Điều này có nghĩa là tỉnh/thành nào càng nghèo lúc ban đầu thì càng bắt kịp nhanh với các tỉnh/thành giàu. Lưu ý rằng quan hệ này chỉ trở nên rõ nét với sự hiện diện của biến số FDI. Nói cách khác, với sự hiện diện của vốn FDI (thể hiện thông qua quy mô khu vực doanh nghiệp FDI), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã song hành với quá trình cải thiện bất bình đẳng về thu nhập giữa các tỉnh/thành.

Quy mô khu vực doanh nghiệp FDI của một tỉnh/thành nào đó có mối liên hệ tích cực và đáng kể về mặt thống kê với tăng trưởng thu nhập GDP đầu người của tỉnh/thành đó. Điều này chứng tỏ vốn FDI là một động lực chính cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.
Nhân tố cuối cùng có ảnh hưởng tích cực và đáng kể lên tăng trưởng thu nhập là quy mô khu vực kinh tế nhà nước. Trong khi ảnh hưởng của 3 nhân tố nói trên lên tăng trưởng thu nhập là hoàn toàn khớp với lý thuyết tăng trưởng thì tác động tích cực của khu vực nhà nước lên tăng trưởng lại tỏ ra là điều khó hiểu trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động rất kém hiệu quả, thường xuyên thua lỗ, và là gánh nặng cho ngân sách, và, vì thế, về logic, phải có tác động tiêu cực tới tăng trưởng. Thế nhưng cần biết rằng, về tổng thể, thành phần kinh tế nhà nước trong ngành công nghiệp chế tạo có xu hướng đạt năng suất cao hơn tương đối so với các thành phần kinh tế khác trong những năm đầu thập kỷ này (Phan and Ramstetter 2004). Nói cách khác, không phải tất cả các doanh nghiệp nhà nước đều hoạt động yếu kém như vậy, và yếu kém hơn các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Với thực tế này thì tác động tích cực của khu vực kinh tế nhà nước lên tăng trưởng không còn là nghịch lý nữa.
Điều có vẻ nghịch lý lại nằm ở 3 biến số cuối cùng - vốn nhân lực, thương mại (hoặc xuất khẩu nói riêng), và đầu tư vào tài sản cố định. Kết quả tính toán cho thấy tác động của 3 nhân tố này lên tăng trưởng thu nhập là hoàn toàn không đáng kể. Nhưng nếu phân tích trực quan sâu hơn sẽ thấy đây cũng không phải là nghịch lý ở Việt Nam.
Trước tiên, về vai trò của vốn nhân lực, có thể tạm thời giải thích tại sao nhân tố này không đóng góp gì mấy cho tăng trưởng thu nhập ở khía cạnh chất lượng giáo dục- đào tạo. Do chạy theo số lượng và thành tích nên chất lượng giáo dục và đào tạo còn rất thấp kém ở hầu hết các tỉnh/thành cả nước và ở các bậc giáo dục, làm cho thành tích về chất lượng hoàn toàn không tương thích với thành tích về số lượng.
Theo nghiên cứu này, xuất khẩu không có vai trò đáng kể lên (không phải là động lực cho) tăng trưởng trong dài hạn ở Việt Nam. Nghiên cứu cũng đưa ra một số nguyên nhân đằng sau kết luận có vẻ như là một nghịch lý này, bao gồm tồn tại trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, chất lượng hàng xuất khẩu, chính sách thương mại và công nghiệp, liên kết giữa chính sách thúc đẩy xuất khẩu với công nghiệp hóa, cũng như việc phân bổ bất hợp lý các nguồn lực từ khu vực phi xuất khẩu sang khu vực xuất khẩu v.v... Một hàm ý chính sách quan trọng rút ra ở đây là thay vì nhấn mạnh vào tăng trưởng về khối lượng (giá trị) xuất khẩu như trong chính sách thương mại hiện nay, chính phủ nên tập trung các nỗ lực để giải quyết các tồn tại liên quan đến xuất khẩu như đã nêu ra, nếu muốn làm cho xuất khẩu thật sự là một động lực cho tăng trưởng như ở các nước Đông Á thành công khác.
Cuối cùng, tương tự như trên, vốn đầu tư có vai trò mờ nhạt đối với tăng trưởng rất có thể là do việc sử dụng vốn đầu tư ở Việt Nam không hiệu quả. Tuy trên sổ sách thống kê thì vốn đầu tư vào tài sản cố định đã tăng lên nhưng về công nghệ và năng suất, mà tức là tăng trưởng GDP, không có cải thiện gì mấy.
Một hàm ý chính sách cũng rất quan trọng rút ra từ kết quả này là nếu tăng tốc độ huy động vốn đầu tư lên x% thì không nhất thiết tăng trưởng GDP sẽ tăng lên y%, theo quan niệm thông thường của các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam như hiện nay. Suy rộng ra, vì không có một quan hệ tỷ lệ thuận rõ nét nào được xác lập giữa hai đại lượng này nên không có cơ sở để hoạch định kế hoạch phát triển theo kiểu, ví dụ, để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP năm tới là 8,5% thì vốn đầu tư phải tăng trưởng với tốc độ 25%, như cách làm hiện hành ở Việt Nam.
Ngoài ra, do việc sử dụng vốn đầu tư không hiệu quả làm cho quá trình đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất ở Việt Nam diễn ra rất chậm chạp nên trong 3 nhân tố đầu vào của quá trình sản xuất - vốn đầu tư, lao động, và công nghệ, thì vốn đầu tư đã đảm đương đến trên dưới 90% tăng trưởng kinh tế trong suốt thời kỳ khảo sát 1975- 2003, trong khi lao động chiếm phần nhỏ nhoi còn lại, còn công nghệ thì không đóng góp gì. Chừng nào mà tỷ trọng đóng góp của các nhân tố sản xuất này không thay đổi theo hướng tích cực, nhất là tỷ trọng của yếu tố công nghệ, thì tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam sẽ còn không bền vững, khi mà huy động vốn đầu tư (cả trong và ngoài nước) phải được liên tục đẩy lên những đỉnh cao mới, vượt quá khả năng đáp ứng và chịu đựng của nền kinh tế quốc dân, tạo một thế bất ổn nội tại đe dọa tính hiện thực của các chiến lược phát triển nhanh.
TS. Phan Minh Ngọc