Những người nhen lửa cho ca trù Thái Bình
Tôi là người ngoại đạo trong lĩnh vực ca trù nhưng may mắn được chọn mặt để ghi lại những hình ảnh mang tính sự kiện: Khai giảng lớp học Ca trù lần đầu tiên được tổ chức tại Thái Bình. Không chỉ có thêm một đam mê mới mà tôi còn có cơ hội được gặp những con người đang nhen lửa cho ca trù Thái Bình.

Người đầu tiên tôi gặp là Thạc sỹ Phạm Thị Huệ, hiện là giảng viên Khoa Nhạc cụ dân tộc, Nhạc viện Hà Nội. Chị là học trò chân truyền của hai nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc và Nguyễn Phú Đẹ. Chị có niềm đam mê cháy bỏng chấn hưng nghệ thuật quý phái này theo cách riêng của mình. Nếu tính tuổi đời, tuổi nghề thì chưa có gì đáng nói, nhưng cái tâm với nghề của chị rất đáng trân trọng. Chọn nghề dạy đàn dân tộc và lôi kéo những người cùng thời trở lại với nghệ thuật truyền thống không dễ. Khi tiếp cận sâu với bộ môn này, chị đã hiểu cái khó của nghề và hoàn cảnh khắt khe trong giai đoạn hiện nay. Theo chị Huệ, hiện chỉ còn 2 cụ bà Phó Thị Kim Đức và Nguyễn Thị Chúc là những người nắm vững âm luật nhất của môn nghệ thuật “đẳng cấp cao” này. Một cụ truyền nghề theo phong cách truyền thống, nghĩa là chỉ chọn một học trò chân truyền và chỉ truyền cho người trong gia tộc… Một cụ muốn được truyền lại rộng rãi những gì mình biết từ năm lên 9 (tính đến nay đã gần 70 năm) cho con cháu, nhằm giữ gìn được bản sắc, giữ được nghề, giữ lửa cháy đều trong bếp ấm của “ngôi nhà ca trù” đã có tới 60 năm liêu xiêu vì những thành kiến và quan niệm sai về nó.
Như ngồi nhập đồng, bằng âm thanh nhẹ, mơ hồ, mà vẫn rõ ràng, đôi mắt như có lửa cháy, chị Huệ tâm sự: Thông thường học nghề phải mất ít nhất là 3-5 năm. Vậy mà chỉ vẻn vẹn trong 2 tháng thì làm sao cho “ra hoa kết quả” đây? Trong hoàn cảnh hiện nay tổ chức được hai tháng đã là quý, bù lại chúng ta có máy ghi âm hỗ trợ, tiết kiệm được sức cho người dạy và người học. Thế là chúng tôi vừa dạy vừa tìm ra những phương pháp tốt nhất, hiệu quả nhất. Các học viên thực sự bị cuốn hút vào môn nghệ thuật này. Điều kỳ diệu là những người nông dân bình dị ấy ý thức rất rõ việc họ đang làm: Học để hiểu biết thêm về ca trù vì môn nghệ thuật này rất hay, có giá trị và cần được giữ gìn. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ cảm thấy ấm áp vô cùng!”.
Cũng thật kinh ngạc chỉ sau 3 ngày học tập say mê, nghiêm túc với những phương tiện truyền nghề mới, cả những người nông dân và những học viên trẻ đã ghép xong đàn, phách, trống với 5 khổ cơ bản. Hai nghệ nhân già Nguyễn Thị Chúc và Nguyễn Phú Đẹ lo lắng lắm. Các cụ nói “dốc” nhanh thế thì sau này thế nào. Cô giáo Huệ không nói gì, chỉ thoáng một hơi thở nhẹ, đôi mắt xúc động nhìn nhanh vào các học viên của mình. Có lẽ chị đang nghĩ xa, nghĩ đến ngày ca trù Thái Bình lại được lên ngôi như cách đây 60 năm cũng tại mảnh đất này. Người làm nghệ thuật và xả thân vì nó còn hạnh phúc gì hơn khi được chứng kiến những giây phút ấy.
Suốt cả buổi tập, hai nghệ nhân già chăm chú lắng nghe đám học trò trong la đà say đắm, ở cái tuổi 80, đây cũng là sự hiếm. Bất giác cụ bà chỉ vào một học viên, vừa bắt lỗi vừa hướng dẫn sửa lại cho đúng âm luật. Cô giáo Huệ như linh hồn của lớp học, khi thì ngồi với kép đàn sửa tư thế, sửa âm sai, nhắc nhịp, khi thì ngồi cạnh ca nương nắm tay phách, uốn nắn sao cho tiếng phách thật đúng thật rõ để những bước đi đầu tiên của ca nương đúng hướng. Có lúc lại ở gần một bác đứng tuổi đang vung roi chầu… Chị thoắt ẩn, thoắt hiện, tận tình với tất cả học trò từ đàn, trống đến ca nương.
Ngày thứ hai của lớp học tôi đến thành phố Thái Bình khoảng 10 giờ sáng. Không cần hỏi đường, cứ chạy xe dọc phố Hai Bà Trưng, tới số nhà 98, tiếng phách, tiếng trống, tiếng đàn đã nói với tôi đây là nơi cần đến. Người đầu tiên tôi gặp lại là chị Nguyễn Hồng Vân- Giám đốc Nhà Văn hóa tỉnh Thái Bình, một trong những người có công trong việc tổ chức, xây dựng phong trào cho môn nghệ thuật này. Lớp học có gần 40 học viên, hầu hết gốc nông dân nhưng quá nửa số đó là những diễn viên, nhạc công chuyên nghiệp của các đoàn ca nhạc dân tộc của tỉnh Thái Bình. Trước đây, ca trù cũng có thời vàng son trong các lễ hội, đặc biệt trong lễ hội Đền Đồng Xâm của huyện Kiến Xương. Kể với tôi, giọng chị Vân không dấu được tự hào khi nói về những canh hát ca trù chầu cử tại cửa đền Đồng Xâm 60 năm về trước…
“Chát, tom”, “tà rục phách phách, tà rục phách…” được khuếch đại qua bộ tăng âm và dàn loa, giữ nhịp cho gần 40 con người. Trán các học viên đều lấm tấm mồ hôi, tay đàn, tay phách, tay trống, mỗi người đều nhận rõ và có trách nhiệm với âm thanh của mình để sao cho vừa đúng, vừa đều, vừa rõ… Có thể, đây chính là những người sẽ nhen lửa cho ca trù Thái Bình và những ai yêu nghệ thuật này.
Vân Đình Hùng