Những nắm cơm “độc lập”

Ghi chép của ĐÀO CẢNH 28/04/2018 09:10

“Tôi thấy mình may mắn hơn những đồng đội đã nằm xuống, bởi tôi được chứng kiến ngày quân địch đầu hàng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Hôm đó, những phụ nữ, thanh niên Sài thành đã phát cho chúng tôi những nắm cơm ăn mừng chiến thắng, nắm cơm độc lập. Đó là bữa ăn ngon nhất của người lính” - ông Hoàng Minh Thành - người trực tiếp tham gia chiến dịch mùa Xuân năm 1975 bồi hồi nhớ lại.

Tự sự người lính trinh sát

Những nắm cơm “độc lập” ảnh 1
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hơn 1.000 thanh niên của huyện Đình Lập gác bút nghiên lên đường chiến đấu mà nay chỉ còn có vài chục người. Có những người lành lặn trở về, có những người mang thương tật, có người chịu ảnh hưởng của chất độc da cam, nhưng họ hàng ngày, hàng giờ vẫn sống với niềm tự hào vì đã góp sức giành độc lập, tự do cho dân tộc. Họ trở thành nguồn động viên tinh thần lớn lao cho quân và dân Đình Lập - huyện biên giới xa xôi của Tổ quốc vươn mình phát triển.

Ông Hoàng Minh Thành là một trong số ít người con của huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam với vai trò là lính trinh sát của Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, đóng quân tại Tây Nguyên. Hơn 40 năm đã trôi qua nhưng ký ức về Sài Gòn ngày giải phóng vẫn vẹn nguyên, để mỗi khi nhắc đến, lòng người cựu chiến binh lại nghẹn ngào. Ông kể, ngay khi lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh được phát trên đài phát thanh, cả đơn vị đang hành quân trên xe đã dỡ hết ngụy trang, rửa xe và thay những bộ áo quần mới nhất để tiến vào Sài Gòn. Khi xe của đơn vị ông đến nơi thì cả Sài Gòn đã trở thành một rừng cờ, trên nóc hay trước cửa mỗi gia đình đều cắm cờ giải phóng. Người dân đổ xô xuống đường tay cầm cờ vẫy chào bộ đội trên những chiếc xe tăng, xe tải. Lực lượng thanh niên Sài Gòn cùng nhau thu gom rất nhiều quần áo, mũ mão, vũ khí của lính Việt Nam Cộng hòa bỏ lại khắp đường phố. 

Hôm ấy, không biết người dân Sài Gòn đã nấu bao nhiêu tấn gạo mà phố nào cũng có những phụ nữ trung niên và những cô gái trẻ gánh cơm nắm đi phát cho bộ đội. Họ tung những nắm cơm lên xe và tươi cười hỏi: “Đủ chưa các chú, nếu chưa đủ thì lấy thêm nhé!”. Đến đây, giọng người cựu binh 74 tuổi bắt đầu khàn đặc, khóe mắt ầng ậng nước. “Tôi thấy mình may mắn hơn những đồng đội đã nằm xuống, bởi tôi được chứng kiến ngày quân địch đầu hàng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Hôm đó, những người phụ nữ, những cô thanh niên Sài thành đã phát cho chúng tôi những nắm cơm ăn mừng chiến thắng, nắm cơm độc lập. Đó là bữa ăn ngon nhất của người lính”.

Không chỉ có những nắm cơm ý nghĩa ấy mà Sài Gòn những ngày đầu tháng 5.1975 còn có cả những chén nước, cốc cà phê, bữa ăn sáng được phát miễn phí cho bộ đội. Ông Thành nhớ mãi một phụ nữ giọng Bắc trạc 50 tuổi đem nước đến các xe của bộ đội và nói: “Các chú uống nước đi, người Bắc Kỳ cả mà, hơn 20 năm rồi cứ tưởng sẽ không có ngày hôm nay”.

Với những người lính như ông Thành, Sài Gòn ngày ấy là những đêm thức mà ngày không buồn ngủ, ăn ít mà bụng vẫn no. Đó là những ngày đẹp nhất của người lính chiến mà không ai có thể tả hết bằng lời. Nay trở về quê hương, sống trong thời bình, phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ trong họ vẫn sáng mãi. Trong buổi tọa đàm kỷ niệm 43 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước của Hội Cựu chiến binh huyện Đình Lập, các cựu chiến binh động viên nhau nỗ lực vượt qua vết thương chiến tranh, đưa ra nhiều kế hoạch để chung tay xây dựng quê hương phát triển giàu mạnh. Ông Thành cùng rất nhiều cựu chiến binh của huyện Đình Lập luôn sẵn sàng đi nói chuyện truyền thống cho học sinh, giúp các em thêm trân trọng thành quả của lớp người đi trước và có ý thức học tập để xây dựng quê hương.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chi Lăng tuần tra khu vực biên giới Ảnh: Đào Cảnh
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chi Lăng tuần tra khu vực biên giới 
Ảnh: Đào Cảnh

Vùng biên chắc tay súng

Chia tay những cựu chiến binh, chúng tôi ngược lên khu vực vùng biên xã Bính Xá, nơi sông Kỳ Cùng chảy từ dãy Ngàn Chi, vùng đất khắc nghiệt đầy nắng gió với những đồi thông xanh ngút. Đồn Biên phòng 35 Chi Lăng ở đó với những chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm sát cánh cùng nhân dân bảo vệ biên giới, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Vượt qua quãng đường hơn 50km, chúng tôi có mặt tại trung tâm xã Bính Xá. Mọi con đường đã rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu; người dân các xóm đang chuẩn bị những tiết mục văn nghệ, thể thao để biểu diễn kỷ niệm ngày 30.4. Theo lời chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Bính Xá Hoàng Gia Công, đây là hoạt động thường niên ý nghĩa mà chính quyền xã phối hợp với lực lượng biên phòng tổ chức. Cụ Hoàng Thị Nhời (bản Nà Vang) xúc động tâm sự, cụ có hai người con thì một người hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Bây giờ, tuổi đã tròn 100 nhưng mỗi lần đến ngày 30.4, những tiếng hát, bài ca, những chương trình về ngày giải phóng miền Nam lại khiến cụ khuây khỏa, thấy như người con yêu quý vẫn kề bên.

Đường vào Đồn Biên phòng Chi Lăng không cao nhưng lắm khúc cua. Gió mang theo mùi ngai ngái của nhựa thông. Chúng tôi theo chân các chiến sĩ biên phòng tuần tra 7,5km đường biên và 11 mốc giới thuộc địa phận xã Bính Xá bằng cả đường bê tông và đường nghiệp vụ. Đây là một trong rất nhiều cuộc tuần tra tăng cường mà Đồn Biên phòng Chi Lăng thực hiện. Trung tá Nguyễn Xuân Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Chi Lăng chia sẻ: “Mỗi tháng, chúng tôi tổ chức tuần tra khép kín 3 lần, tức là tuần tra bảo vệ hơn 20km đường biên, với 33 cột mốc dựng trên địa phận hai xã thuộc huyện Đình Lập và Lộc Bình, trong đó có 6 thôn, bản giáp biên. Trong dịp 30.4, Đồn sẽ tổ chức những chuyến tuần tra tăng cường và phân công các tiểu đội trực chiến từ 10 đồng chí để bảo đảm an ninh, trật tự”.

Đất nước muốn ổn định thì phải có biên giới vững chắc. Đó là khẳng định của Chính trị viên Nguyễn Xuân Thanh khi nói về những nhiệm vụ, trách nhiệm thường xuyên của lực lượng biên phòng. Không chỉ là những cuộc tuần tra biên giới, tuyên truyền phổ biến pháp luật về Luật Biên giới Quốc gia; Nghị định 34 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền; 3 văn kiện pháp lý trong phân giới sau cắm mốc... lực lượng biên phòng Chi Lăng còn tham gia hỗ trợ sản xuất, hướng dẫn nông dân làm kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Với phương châm “4 cùng” là cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với người dân biên giới, cả trong thời chiến cũng như thời bình, bộ đội biên phòng luôn nỗ lực để xứng đáng là lực lượng nòng cốt chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Những nắm cơm “độc lập”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO