Thí sinh cần nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh
Tại chương trình, bà Hoàng Thúy Nga, chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ ổn định quy chế tuyển sinh như hai mùa tuyển sinh gần nhất, nhằm tạo tâm lý ổn định và vững tâm cho thí sinh.
Về mốc thời gian tuyển sinh đại học năm nay, từ ngày 18 – 30.7, thí sinh đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống, rút ngắn 8 ngày so với năm 2023.
Ngày 21.7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm sàn khối ngành Khoa học Sức khỏe và Sư phạm. Ngày 22.7, các trường đào tạo sẽ công bố điểm sàn của 2 khối ngành này.
Từ ngày 31.7 – 6.8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển.
Trước 17 giờ ngày 19.8, tất cả các trường phải công bố điểm chuẩn. Thí sinh xác nhận nhập học lên hệ thống từ ngày 19 – 27.8.
Thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Đây là tài liệu rất quan trọng để các em ôn tập cho kỳ thi sắp tới, bà Nga thông tin.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý, ở mùa tuyển sinh 2024, giống như năm trước, toàn bộ quy trình xét tuyển, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến.
Đối với việc tham gia vào phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học, thí sinh cần nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của các trường đại học đã công bố trên website, để bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và các thời hạn, không được bỏ lỡ các thời hạn đó. Tất cả nguyện vọng dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT đều phải đăng ký trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thí sinh cần chọn ngành theo thế mạnh của bản thân
Về khối ngành Kinh tế, theo TS. Nguyễn Thúy Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thành Đô, hiện đây là một trong những ngành rất được quan tâm, với nhiều lựa chọn.
Bà Vân cho rằng, học sinh trên địa bàn huyện Phú Xuyên có điểm mạnh là phần lớn học theo khối A; trong khi phần lớn các trường sử dụng kết quả xét tuyển học bạ đều có môn Toán nên đây sẽ là thế mạnh cho các em khi lựa chọn học các ngành Kinh tế và Luật.
Để lựa chọn được ngành nghề phù hợp, các em cần sắp xếp thứ tự ngành nghề mình yêu thích; xác định thế mạnh bản thân; tìm hiểu xu hướng và nhu cầu tuyển dụng của xã hội cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp; căn cứ vào điều kiện kinh tế gia đình, bởi muốn học kinh tế, muốn đi du học nhưng điều kiện gia đình có hạn thì cũng rất khó thực hiện, bà Vân lưu ý.
Năm nay, Trường Đại học Thành Đô sẽ sử dụng kết quả năm lớp 11 và kết quả kỳ 1 năm lớp 12 để xét tuyển. Ngoài ra, nhà trường còn xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT; kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Như vậy, các em học sinh có thể gửi học bạ sớm ngay sau buổi tư vấn này để đăng ký xét tuyển, TS. Nguyễn Thúy Vân thông tin.
TS. Đỗ Phương Huyền, Khoa Kinh tế Quản lý, Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh của khoa là hơn 200, với nhiều hình thức tuyển sinh đa dạng, trong đó có hình thức xét tuyển sớm.
Nếu các bạn học sinh có ước mơ du học nước ngoài nhưng điều kiện gia đình hay kinh tế không cho phép thì có thể lựa chọn du học ngay trong nước tại trường, bởi toàn bộ chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên khung chương trình của các trường đại học uy tín trên thế giới, bà Huyền chia sẻ.
Đối với khối ngành Luật, các đại biểu lưu ý, việc học ngành này không chỉ để làm luật sư, mà thực tế đời sống cần nhiều kiến thức của các sinh viên trường luật nên cơ hội việc làm cũng rộng mở.
Theo các đại biểu, nếu đam mê ngành này, các em cần rèn luyện môn tiếng Anh, vì trong nhà trường, ngoài tiếng Anh phổ thông còn có môn chuyên ngành khó là tiếng Anh pháp lý. Đồng thời, các em cũng cần tập trung cao độ ngay từ trên ghế nhà trường, tham gia tập huấn, tập sự trong doanh nghiệp có sử dụng nhân sự ngành luật… để trau dồi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nhằm trở thành luật sư giỏi, đồng nghĩa cơ hội nghề nghiệp cũng cao hơn.